Mộ Cự Thạch Hàng Gòn

Đăng ngày: 15/08/2011
Chủ nhân của ngôi mộ được xem là những người Việt cổ. Các nhà nhân chủng học đã khảo sát trong vùng và còn xác nhận nhân chủng Polynesien có mặt trên khắp vùng Nam Á, là tổ tiên trực tiếp của người Mạ, Châu Ro, Stiêng… ở Đông Nam Bộ và Tây Nguyên ngày nay.

Sai lầm của J.Bouchot đã phá hủy hầu hết những dữ kiện cần thiết về ngôi mộ. Trong báo cáo của ông có nói đến: “Những bình nhỏ bằng đất nung” và “Lớp đất  lẫn tro than màu xám” đựng trong đó. Nhiều mảnh vòng đã, mảnh gốm cũng thất lạc. Dù sao, những thông tin hạn chế ấy cũng xác minh kiến trúc này là ngôi mộ chung cho một cộng đồng dân cư một bộ lạc. Những bình đất và lớp tro xám đựng bên trong là tro hỏa thiêu thi hài người chết, tập quán này vẫn còn tồn tại đến ngày nay của một số bộ lạc thiểu số vùng Daklak. Về niên đại, vì không còn các mẫu vật nên không thể xác minh bằng phương pháp C14. Nhưng dù sao, người ta cũng có thể suy luận trên cơ sở đối chiếu với các ngôi mộ dolmen cùng loại trên thế giới. Để gia công trên đá hoa cương thì phải có kim loại và muốn vận chuyển những tảng đá nặng hàng chục tấn bằng phương tiện thô sơ, vượt qua khoảng cách hàng trăm cây số trong điều kiện chưa có đường giao thông như hiện nay thì cần rất nhiều nhân lực. Cũng cần nói thêm, xét đến chủng loại đá ở hầm mộ, các nhà địa chất xác định rằng chúng chỉ có thể ở Đà Lạt hoặc Phan Rang. Như vậy, phải bằng sức mạnh phi thường mới có thể vận chuyển chúng đi xa như vậy, xin lưu ý rằng cả hai nơi này cũng không có đường thủy đến vị trí ngôi mộ. Như vậy, chúng ta tạm vừa lòng với niên đại khoảng 2.000 năm, khi cong người đã nắm được kỹ thuật luyện sắt, thì các bộ lạc lẻ tẻ liên minh lại và các quốc gia sơ khai hình thành trên cơ sở nền nông nghiệp phát triển và các công trường thủ công đã có quy mô nhất định. 

Chủ nhân của ngôi mộ được xem là những người Việt cổ. Các nhà nhân chủng học đã khảo sát trong vùng và còn xác nhận nhân chủng Polynesien có mặt trên khắp vùng Nam Á, là tổ tiên trực tiếp của người Mạ, Châu Ro, Stiêng… ở Đông Nam Bộ và Tây Nguyên ngày nay.

Cũng cần nói thêm, những phát hiện khảo cổ trong thời gian qua mà nhất là những năm gần đây đưa đến giải pháp có thể gọi là sáng tỏ phần nào những uẩn khúc mà ta chưa biết về mộ cổ Hàng Gòn. Mộ Cự thạch Hàng Gòn là một di tích cổ xưa không nằm đơn độc nơi hoang vắng mà nó gắn bó chặt chẽ với hàng loạt những di chỉ khác được phát hiện trên 2.000 héc ta thuộc vùng Hàng Gòn.

Mặc dù không tìm thấy gì trong lòng mộ ngoài những tấm hoa cương nhuốm màu sương gió, nhưng chính nó đã minh chứng hùng hồn về sức mạnh đoàn kết, tài năng sáng tạo của con người ,vượt qua trở ngại của thiên nhiên: những tấm đá hoa cương hàng chục tấn được chuyển về bằng sức người, được nâng hạ bằng phương pháp vật lý, hệ thống ròng rọc gồm trụ đá, cây và dây. So với lịch sử kiến trúc thời Mégalithique ở Đông Nam Á, mộ Cự thạch Hàng Gòn là một thành tựu kỳ diệu, một nét độc đáo về nghệ thuật cũng như kỹ thuật của các bộ tộc người vùng Nam Á.

Hơn nửa thế kỷ qua kể từ ngày phát hiện, biết bao tài liệu trên thế giới đã giới thiệu, nghiên cứu về mộ Cự Thạch Hàng Gòn. Sự có mặt tức thì, ngày từ đầu của hầu hết nhà khoa học, sử học, dân tộc học, địa chất học, nhân chủng học… đã khẳng định tầm cỡ giá trị văn hóa của ngôi mộ cổ loại hình dolmen này. Cái lớn ở đây không chỉ phụ thuộc vào kích thước của công trình, mà chính nó đã chứng minh tài năng và óc sáng tạo của những người cổ xưa trên vùng đất Đồng Nai. Mộ Cự Thạch Hàng Gòn là di vật góp phần làm sáng tỏ thêm nhiều vấn đề về nền văn minh được mệnh danh là “Văn minh lưu vực Sông Đồng Nai”.

Kim Chung