1. Cử tri phường Bình Đa thành phố Biên Hòa phản ánh: Thủ tục xin cấp nước còn phức tạp, giá nước tăng cao gây khó khăn về kinh tế cho các hộ sản xuất nhỏ, hộ có thu nhập thấp.
Trả lời:
- Về thủ tục xin cấp nước: Khách hàng có nhu cầu sử dụng nước sạch đến Công ty mang theo hộ khẩu(photocopy). Tại đây, khách hàng sẽ nhận phiếu đăng ký lắp đặt , điền các thông tin cần thiết vào phiếu đăng ký và nộp lại. Sau khi nộp hồ sơ, Công ty sẽ cử cán bộ kỹ thuật đến khảo sát theo địa chỉ khách hàng yêu cầu và sau đó 3 ngày khách hàng đến công ty đóng tiền lắp đặt. Việc thi công lắp đặt hệ thống cấp nước theo bảng chiết tính được lập sẽ được tiến hành sau khi khách hàng đóng tiền từ 1 đến 5 ngày.
- Về giá nước: Hiện nay trên địa bàn tỉnh Đồng nai đang áp dụng giá nước sạch phục vụ sinh hoạt và sản xuất theo QĐ số 5338/2004/QĐ-UBT ngày 02.11.2004 của UBND tỉnh Đồng Nai.
Việc xây dựng giá nước sạch tại địa phương căn cứ vào Thông tư liên tịch số 03/1999/TTLT/BXD/BVGCP ngày 16.6.1999 của Liên bộ Xây dựng, Ban vật giá Chính phủ hướng dẫn phương pháp định giá và thẩm quyền quyết định giá tiêu thụ nước sạch đô thị, khu công nghiệp, cụm dân cư nông thôn và phù hợp với Chỉ thị số 04/2004/CT-TTg ngày 20.01.2004 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh công tác quản lý cấp nước và tiêu thụ nước sạch, từng bước xóa bỏ bao cấp về vốn đầu tư, đảm bảo thu đủ chi, tạo điều kiện cho doanh nghiệp cấp nước hoạt động có hiệu quả.
Giá nước sinh hoạt khu dân cư hiện nay đang áp dụng cụ thể như sau:
Mức sinh hoạt 1: 16 m3 đầu tiên/hộ/tháng bằng 60% chi phí sản xuất.
Mức sinh hoạt 2: Từ 16m3 đến 25m3/ hộ/tháng bằng 100% chi phí sản xuất.
Với mức16 m3 đầu tiên trên một hộ có từ 4 đến 5 người /tháng là mức tính toán của nhà nước đảm bảo sinh hoạt bình thường cho người dân đô thị loại II theo tiếu chuẩn 100-120lít/người/ngày.
2.Cử tri hai xã Sông Ray, Lâm San đề nghị Công ty Vật tư nông nghiệp tỉnh Đồng Nai cần có kế hoạch cho nhân dân được hợp đồng mua phân trả chậm vì trong vụ hè thu năm 2005, Công ty không ký hợp đồng mua trả chậm, nhân dân gặp khó khăn trong sản xuất nông nghiệp.
Trả lời:
Trong năm 2004, Công ty đã cung ứng phân bón thông qua hợp đồng kinh tế thanh toán trả chậm đối với Hội nông dân xã Sông Ray(97,8 tấn tương đương 299.107.597 đồng, trả chậm đến 15.12.2004 nhưng đến 26.3.2005 mới thanh toán nợ dứt điểm) và Hội nông dân xã Lâm San (218,5 tấn tương đương 658.119.921 đồng, trả chậm đến 25.12.2004 nhưng đến 07.01.2005 mới thanh toán nợ dứt điểm).
Qua năm 2005, Hội nông dân hai xã Sông Ray và Lâm San chưa có văn bản đề nghị về nhu cầu phân bón cần sử dụng của bà con nông dân vụ hè thu năm 2005 gửi Công ty nên Công ty không rõ nhu cầu để đáp ứng thông qua hợp đồng kinh tế.
Tuy nhiên, theo báo cáo của trạm vật tư nông nghiệp Sông Ray, tại cuộc gặp vào tháng 2.2005 giữa Chủ tịch UBND xã, Hội đồng nhân dân xã và trạm vật tư nông nghiệp Sông Ray được biết Hội nông dân xã Sông Ray còn nợ gốc hợp đồng năm 2004 hơn 15.000.000 đồng do chưa thanh lý hợp đồng cũ nên đại diện Hội nông dân không muốn đăng ký mua phân cho năm 2005.
Đối với Hội nông dân xã Lâm San, sau khi nghe quy định chung của Công ty đề nghị các đối tác ký hợp đồng mua phân trả chậm từ năm 2005 phải có tài sản thế chấp nên bà con nông dân cũng không gửi đăng ký mua phân như trước đây.
Sở dĩ Công ty phải quy định về thế chấp là để bảo đảm thu hồi được công nợ hạn chế việc dây dưa kéo dài hoặc không trả nợ của một số đối tượng trong thời gian qua. Riêng với Hội nông dân các xã trong tỉnh,Công ty chỉ yêu cầu có tài sản thế chấp( thường là GCNQSDĐ của một, hai hộ nông dân trong Hội) với giá trị nhỏ hơn nhiều nhiều so với Hợp đồng mua nợ phân bón.
Trong 6 tháng đầu năm 2005, Công ty đã cung ứng phân bón trên địa bàn xã Lâm San là 120 tấn, Sông Ray là 230 tấn để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp tại địa phương.
3.Cử tri xã Sông Nhạn huyện Cẩm Mỹ phản ánh: Sự cố nổ kho đạn ở ấp 1 xã Sông Nhạn làm hư hỏng nhà dân, đề nghị Bộ chỉ huy quân sự trả lời về việc xem xét hỗ trợ khắc phục thiệt hại cho nhân dân.
Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Trả lời:
Vào lúc 14 giờ 40 ngày 07.4.2004, kho K6/QK7 bị nổ, do sức ép của thuốc nổ gây thiệt hại cho một số nhà dân ở xung quanh kho. Nguyên nhân gây nổ là khách quan, ngoài ý muốn của đơn vị.
Sau khi nhận được lệnh của tư lệnh quân khu, Đảng ủy, Bộ chỉ huy quân sự đã lãnh đạo chỉ đạo lực lượng vũ trang tỉnh tham gia khắc phụ hậu quả của vụ nổ, cụ thể:
- Tổ chức lực lượng: Điều động 46 đồng chí và 02 xe chữa cháy đến địa bàn kho K6 tham gia dập tắt đám cháy, đến 1 giờ 20 ngày 18.4.2004 đã dập tắt hoàn toàn đám cháy. Chỉ đạo Ban CHQS huyện Thống Nhất và Cẩm Mỹ tham mưu cho huyện ủy, UBND huyện và phối hợp với các ban ngành đoàn thể địa phương tổ chức lực lượng, chốt chặn không cho nhân dân vào khu vực mất an toàn đồng thời thành lập tổ công tác liên ngành khảo sát, nắm tình hình mức độ thiệt hại của nhân dân do vụ nổ gây ra. Tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo UBND huyện hỗ trợ kịp thời cho các hộ dân bị thiệt hại.
- Tình hình giải quyết khắc phục hậu quả: UBND huyện cẩm Mỹ đã phối hợp với các ban ngành đoàn thể địa phương tổ chức thăm hỏi động viên và trợ cấp 32 hộ dân bị thiệt hại tổng số tiền là 10.000.000 đồng, UBMTTQ tỉnh và huyện Cẩm Mỹ thăm hỏi các gia đình và trợ cấp cho 107 hộ dân ấp 1với số tiền 60.300.000 đồng. Cụ thể:
+ 20 hộ thiệt hại năng hỗ trợ 1.000.000 đ/ hộ
+ 15 hộ thiệt hại vùa hỗ trợ 500.000 đ/ hộ
08 hộ thiệt hại nhẹ hỗ trợ 300.000 đ/hộ.
Ngoài ra BCHQS huyện cẩm Mỹ huy động lực lượng 90 dân quân tiến hành sửa chữa 27 căn nhà bị thiệt hại nặng với tổng số ngày công lao động là 230 công, thời gian 5 ngày. Đến nay phần lớn các hộ có nhà hư hỏng đã sửa chữa xong.
- Tình hình giải quyết khiếu nại đối với 47 hộ: Ngày 20.4.2005, Bộ CHQS tỉnh đã có công văn tham mưu đề xuất cho UBND tỉnh về việc giải quyết đơn thư khiếu nại của các hộ dân ấp 1 xã Sông Nhạn, UBND tỉnh đã có công văn chỉ đạo UBND huyện Cẩm Mỹ giải quyết như sau: Chỉ đạo UBND huyện thành lập đoàn công tác liên ngành tổ chức họp đối thoại trực tiếp với các hộ dân có đơn khiếu nại xin hỗ trợ tiếp đồng thời vận động các hộ dân thiệt hại nhẹ tự khắc phục sửa chữa, đối với 3 hộ dân thiệt hại nặng nên hỗ trợ tiếp và vận động nhân dân không tiếp tục khiếu nại.
Hiện nay UBND huyện Cẩm Mỹ đã chỉ đạo các ban ngành đoàn thể và các ngành chức năng đang tổ chức nắm tình hình và gảii quyết đơn thư khiếu nại xin hỗ trợ nêu trên.
4.Cử tri Nguyễn Văn Chiến, chủ cơ sở kinh doanh đồng hồ mắt kính tại phường Tam Hòa thành phố Biên Hòa phản ánh về hoạt động kiểm tra của lực lượng Quản lý thị trường.
Chi cục quản lý thị trường Trả lời:
Việc thực thi nhiệm vụ kiểm soát thị trường của kiểm soát viên thị trường là tạo điều kiện môi trường kinh doanh lành mạnh, thuận lợi cho các thành phần kinh tế, không gây cản trở hoạt động kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp và thương nhân. Lãnh đạo Chi cục QLTT ghi nhận và tiếp tục giáo dục, nhắc nhở kiểm soát viên thị trường thực hiện nghiêm túc quy định trong quá trình thực thi nhiệm vụ.
Về việc ông Nguyễn Văn Chiến cho rằng ông mua đồng hồ, mắt kính từ TP Hồ Chí Minh về bán hầu hết không có chứng từ và đây cũng là tình trạng chung: Theo quy định tại mục II khoản A điểm 11 của Thông tư liên tịch số 94/2003/TTLT/BTC-BTM-BCA ngày 08.10.2003 thì cơ sở kinh doanh mua, nhận hàng hóa phải có trách nhiệm yêu cầu bên giao hàng hóa xuất hóa đơn, chứng từ hợp lệ. Do đó vấn đề này cơ sở tự chủ trong việc kinh doanh hợp pháp để không vi phạm các quy định của pháp luât.
Về việc ông Chiến cho rằng cơ sở chấp hành nộp thuế đầy đủ hàng tháng theo doanh thu hộ kinh doanh cá thể, cán bộ thuế không yêu cầu có hoá đơn nhưng QLTT lại yêu cầu phải có hóa đơn: Nộp thuế là trách nhiệm, nghĩa vụ của mọi tổ chức, cơ sở kinh doanh, theo quy định tại Thông tư 94 nêu trên, người mua hàng nhập khẩu về kinh doanh không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp đều coi là hàng nhập lậu và tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
5.Cử tri xã Bàu Hàm 2 huyện Thống Nhất phản ánh: Công nhân thuộc Công ty cao su Đồng Nai được Công ty cấp đất năm 1994, khi làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được tính thuế 100% và tính theo mức giá hiện nay( Trách nhiệm trả lời của Chi cục thuế Thống Nhất).
Trả lời:
Theo quy định tại Nghị định số 198/2004/NĐ-CP ngày 03.12.2004 của Chính phủ, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ở do tổ chức sử dụng đất được nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất, được nhà nước cho thuê đất, tự chuyển mục đích sử dụng đất sang làm đất ở và đã phân phối đất đó cho Cán bộ, công nhân viên của tổ chức trong thời gian từ ngày 15.10.1993 đến ngày Nghị định có hiệu lực thi hành, khi được cấp GCNQSDĐ thì thu tiền SDĐ theo quy định tại khoản 2 điều 5 Nghị định này, cụ thể như sau:
- Thu tiền sử dụng đất bằng 50% tiền SDĐ đối với diện tích trong hạn mức giao đất ở, quy định này chỉ thực hiện một lần với hộ gia đình, cá nhân, lần giao đất sau thu 100% tiền SDĐ.
- Thu tiền sử dụng đất bằng 100% tiền SDĐ đối với diện tích vượt hạn mức giao đất ở.
Về hạn mức đất ở: Căn cứ QĐ số 1302/2005/QĐ-UBT ngày 04.04.2005 của UBND tỉnh Đồng Nai về việc ban hành quy định về hạn mức đất ở , tại điều 4 có nêu: “ các xã vùng đồng bằng, các xã thuộc Thị xã Long Khánh không quá 300m2”.
Về giá: Căn cứ hướng dẫn của Bộ tài chính tại văn bản số 723TC/TCT ngày 19.01.2005 V/v giải quyết các hồ sơ về nhà đất tiếp nhận trước 01.01.2005, cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ của người sử dụng đất tại thời điểm nào thì phải áp dụng chính sách thu và giá tại thời điểm đó.
Như vậy trường hợp thắc mắc của cử tri nếu đã có diện tích đất ở trên 300 m2 hoặc diện tích cấp lần sau hoặc thời điểm cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ đủ điều kiện sau ngày 01.01.2005 thì phải nộp 100% tiền SDĐ.
6. Cử tri ấp Suối Nhác xã Xuân Đông huyện Cẩm Mỹ không nhất trí với chủ trương giải tỏa chợ Suối Nhác để xây dựng chợ mới tại khu vực Sông Ray vì chợ Suối Nhác phục vụ nhu cầu cuộc sống và việc buôn bán của gần 200 hộ dân trong khu vực, mặt khác chủ trương xây dựng chợ mới không phù hợp với quy hoạch xây dựng chợ đã công bố trước đây.
Trả lời:
Việc kiến nghị duy trì chợ Suối Nhác của cử tri ấp Suối Nhác, xã Xuân Đông, huyện Cẩm Mỹ đã được UBND huyện Cẩm Mỹ trả lời tại công văn số 18/CV-UBH ngày 10/01/2005 như sau: hiện tại chợ Suối Nhác có diện tích gần 4.000 m2 với gần 200 sạp nên không đáp ứng được yêu cầu trước mắt và lâu dài của khu vực, do chợ chật hẹp, không đảm bảo vệ sinh môi trường, đường đi bị lấn chiếm, không đảm bảo cho công tác phòng cháy, chữa cháy,…. việc phải cải tạo, nâng cấp chợ Suối Nhác sẽ gây lãng phí và ảnh hưởng đến quy hoạch chung của Thị tứ Sông Ray.
Do đó, UBND huyện Cẩm Mỹ quyết định đầu tư xây dựng chợ Sông Ray vào năm 2005 để giải quyết cho bà con tiểu thương có nơi buôn bán đảm bảo văn minh thương nghiệp. Hiện nay dự án xây dựng chợ Sông Ray do Công ty TNHH Đầu tư-Tư vấn-Xây dựng Cường Thịnh làm chủ đầu tư với tổng số vốn đầu tư khoảng 32,5 tỷ đồng gồm 650 sạp và UBND huyện Cẩm Mỹ cũng đã chỉ đạo cho chủ đầu tư có các chính sách ưu đãi đối với các hộ đã kinh doanh tại chợ Suối Nhác chuyển sang kinh doanh tại chợ Sông Ray theo hướng các hộ tiểu thương được ưu tiên về vị trí và các ưu đãi về tài chính.
Về giải tỏa chợ Suối Nhác và đầu tư xây dựng chợ Sông Ray là phù hợp với quy hoạch phát triển mạng lưới chợ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2010 đã được UBND Tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2204/2005/QĐ.CT.UBND ngày 20/6/2005.
7. Cử tri phường Bình Đa thành phố Biên Hòa phản ánh: Tỉnh Đồng Nai có nhiều điểm du lịch sinh thái nổi tiếng nhưng chưa được đầu tư về mặt dịch vụ để thu hút du khách:
Sở Thương mại-Du lịch trả lời:
Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hiện có rất nhiều điểm du lịch nhưng chỉ có 2 điểm du lịch sinh thái đúng nghĩa, được xem là các trọng điểm du lịch của tỉnh, đó là điểm du lịch Vườn Quốc gia Cát Tiên (huyện Tân Phú) và điểm du lịch Thác Mai - Hồ nước nóng (huyện Định Quán). Cả 2 điểm du lịch này do các đơn vị quản lý rừng đứng ra kinh doanh khai thác. Tuy vậy việc kinh doanh du lịch chỉ là mục tiêu phụ nhằm hỗ trợ cho việc thực hiện tốt hơn mục tiêu bảo tồn rừng. Đây cũng chính là nguyên tắc phát triển của loại hình du lịch sinh thái.
Sở Thương mại-Du lịch nhận thấy ý kiến phản ánh của cử tri giúp cho ngành du lịch trong thời gian tới sẽ cố gắng đầy mạnh tuyên truyền quảng bá, xúc tiến mời gọi đầu tư vào các khu du lịch sinh thái trong đó có chú trọng đầu tư về mặt dịch vụ để phục vụ du khách nhiều hơn nhưng vẫn đảm bảo đúng nghĩa phát triển du lịch sinh thái./.