Thực hiện kiên cố hoá trường lớp

Đăng ngày: 15/08/2011
Triển khai thực hiện Nghị quyết 58/2003/NQ.HĐND ngày 10/7/2003 của HĐND tỉnh khóa VI về Đề án thực hiện chương trình kiên cố hóa trường lớp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2003-2005.

     Cấp tỉnh, huyện, thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo chương trình kiên cố hóa trường lớp học. Ban chỉ đạo, lãnh đạo tỉnh là Trưởng Ban, lãnh đạo Sở Giáo dục-Đào tạo là Phó Ban thường trực, các Sở Kế hoạch-Đầu tư, Tài nguyên-Môi trường, Xây dựng, Tài chính.. là Ủy viên. Đối với cấp huyện, lãnh đạo huyện là Trưởng Ban, lãnh đạo các Phòng Giáo dục-Đào tạo, Kế hoạch, Tài chính, Tài nguyên-Môi trường, Ban Quản lý dự án… là Ủy viên.

    

Đại diện huyện Định Quán báo cáo tình hình với đoàn GS của Ban VHXH
Hiện nay các huyện đã thành lập đề án kiên cố hóa trường, lớp học của địa phương và có hội nghị triển khai trên địa bàn, phổ biến chủ trương đến tận hiệu trưởng các trường, để các đơn vị chủ động trong việc đôn đốc lập hồ sơ đất. Những nơi có mặt bằng và hồ sơ đất đầy đủ thì Sở Giáo dục-Đào tạo đã kịp thời xúc tiến lập hồ sơ, thủ tục xây dựng để đẩy nhanh tiến độ của đề án. Trong số 177 công trình với 2.584 phòng học thuộc đề án kiên cố hóa, cho đến nay mới chỉ có 20 công trình với 251 phòng là đã được hoàn thành, 25 công trình với 491 phòng đang được thi công, số còn lại đều đang trong quá trình triển khai hồ sơ. Nếu đến cuối năm 2005, các công trình đang thi công đều hoàn thành thì có 45/177 công trình hoàn thành, đạt 25,42% .

     Việc khó khăn hiện nay để thực hiện chương trình này theo đúng tiến độ của đề án so với khả năng cân đối từ nguồn ngân sách và huy động nguồn XHH của địa phương đã đáp ứng nhu cầu kinh phí cho đề án, ngoài ra ở một số địa  phương chưa chủ động trong khâu xin cấp GCNQSDĐ, nên cũng bị động trong khâu lập hồ sơ thiết kế đầu tư, thiết kế kỹ thuật-tổng dự toán cho các công trình để được duyệt, một số địa phương do có sự chia tách địa giới hành chính và điều chỉnh quy hoạch, cùng với việc áp dụng một số hướng dẫn mới trong đầu tư, xây dựng cơ bản nên cũng làm chậm tiến độ thực hiện chương trình.

     Để đảm bảo việc thực hiện đúng kế hoạch, mục tiêu của đề án, trước mắt phải đảm bảo thủ tục hồ sơ về đất, mặc dù năm qua tỉnh và địa phương đã có đầu tư nhiều cho chương trình nhưng vẫn còn một số đơn vị tư vấn thiết kế còn hạn chế nên một số công trình phải chỉnh sửa, cho nên cần phải có sự đóng góp của địa phương để góp phần cùng ngành thực hiện chương trình kiên cố hóa trường, lớp học được tốt hơn.

Kim Ngọc