Bộ đội đặc công Biên Hoà đánh tháp canh Đờ La-Tua ra sao?

Đăng ngày: 15/08/2011
Bước vào năm 1948, sau thất bại ở Việt Bắc( cuối năm 1947), thực dân Pháp phải chuyển từ chiến lược đánh nhanh, thắng nhanh sang đánh lâu dài; thực hiện chính sách” lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”, “dùng người Việt đánh người Việt” , chúng rút bớt quân ở chiến trường Bắc Bộ quay về bình định vùng chiếm đóng ở Nam Bộ. Thời kỳ này, tướng Đờ La-Tua ( De Latour) chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Nam Đông Dương triển khai xây dựng hệ thống đồn bót, tháp canh dày đặc để khống chế các đường giao thông, bao vây, chia cắt ta từng vùng, thực hiện lấn dần theo kiểu “ vết dầu loang”.

Bộ đội đặc công Biên Hoà tự chế tạo vũ khí đánh địch
     Cuối năm 1949, hệ thống tháp canh của giặc Pháp đã dựng lên dày đặc dọc lộ giao thông, lấn sâu vào vùng độc lập và du kích của ta. Nhiệm vụ đánh tháp canh, phá chiến thuật Đờ La-Tua trở nên cấp thiết. Trước đây, các đồng chí chỉ huy, lãnh đạo ở chiến trường đã quan tâm suy nghĩ nhưng chưa có điều kiện giải quyết về vũ khí và cách đánh. Tháng 11 năm 1949, Bộ Tư lệnh Khu 7 giao trách nhiệm cho đồng chí Nguyễn Văn Lung, Tham mưu trưởng Khu 7 triệu tập hội nghị (1) bàn về cách đánh tháp canh.. Sau những ngày trao đổi, thảo luận, hội nghị đã rút ra kết luận về kỹ thuật bí mật tiếp cận tường tháo và chế tạo, cải tiến vũ khí diệt tháp canh.

     Bộ tư lệnh Khu 7 giao  nhiệm vụ cho tỉnh đội Biên Hòa tổ chức triển khai công tác huấn luyện, thực tập. Phòng quân giới Khu 7 cho cải tiến và sản xuất mìn loại Bazoomin (2) để đánh thử rút kinh nghiệm.

     Tỉnh đội Biên Hòa do đồng chí Bùi Cát Vũ chỉ huy dựng một tháp canh và tuyển chọn 300 du kích huấn luyện ròng rã 3 tháng tại suối Đá. Công tác huấn luyện thực tập đều tiến hành ban đêm, được giữ tuyệt đối bí mật.

     Đêm 21 rạng sáng 22 tháng 3 năm 1950, trên chiến trường Biên Hòa, các tổ du kích đồng loạt đánh vào 50 tháp canh dọc lộ 16, 15 và quốc lộ 1. Tường tháp canh bị thủng một lỗ với đường kính từ 0,6 mét  đến 1,5 mét, song tháp canh không cái nào bị sập. Bọn lính giữ tháp ngủ trên sàn cao 7m đều bị chết; nhưng tên lính gác ở nóc tháp vẫn sống và dùng súng trường, lựu đạn đối phó với ta. Tình huống này không được dự kiến trước; các tổ du kích bất ngờ, lúng túng và kéo nhau về.

     Tuy chưa giành được thắng lợi nhưng trận đánh đã gây một tác động mạnh đối với địch. Tên tướng Săng-xông phải đến Biên Hòa trấn an tinh thần quân ngụy. Sáng ngày 22 tháng 3 năm 1950, Sở thông tin quân đội Pháp đã ra thông báo thú nhận: “ đêm 21 rạng 22 tháng 3 du kích quân khởi cuộc tiến công thình lình các tháp canh dài theo các đường lộ ở Biên Hòa. Trên 30 tháp canh đồng bộ bị tấn công và nhiều chỗ bị tấn công mãnh liệt”(3).

     Với quyết tâm cao nhằm đánh bại chiến thuật tháp canh Đờ La-Tua, Bộ tư lệnh Khu 7, tỉnh đội Biên Hòa lại mở cuộc họp sơ kết trận đánh. Hội nghị đã trao đổi, thống nhất bổ sung hoàn chỉnh cách đánh mới: khi FT ( tên loại vũ khí của ta có sức công phá tường cực mạnh) nổ tạo ra được một lỗ thủng ở tường, dùng thêm một trái Pêta đút sâu vào bên trong tháp canh, đánh tiếp. Sức nổ mạnh từ bên trong phá ra sẽ làm tháp canh đổ sập. Với cách đánh này, tổ đặc công chỉ cần 2 người: một đặt FT, một đánh Pêta. Hội nghị đã giao cho đồng chí Trần Công An, huyện đội trưởng huyện Tân Uyên ( Biên Hòa) nghiên cứu đánh thử tháp canh cầu Bà Kiên.

     Đêm 18 tháng 4 năm 1950, ta đánh sập hoàn toàn tháp canh cầu Bà Kiên. Địch chết sạch. Ta làm chủ hoàn toàn trận địa, thu toàn bộ vũ khí. Rút kinh nghiệm ở trận này, ta nhận thấy: những tháp canh có một lỗ châu mai thì không cần đến FT để tạo lỗ thủng ở tường tháp nữa, như vậy sẽ tiết kiệm được vũ khí mà kết quả vẫn bảo đảm.

     Trận diệt tháp canh cầu Bà Kiêm mở ra một phong trào diệt tháp canh khá rộng rãi. Từ Tân Uyên, phong trào lan ra Vĩnh Cửu, Long Thành, Xuân Lộc, Sông Bé và các tỉnh khác trong toàn khu. 

Kim Chung

Tổng hợp tư liệu

 

(1)     Hội nghị gồm đại diện các tỉnh đội, huyện đội, các chiến sỹ đã từng tham gia đánh tháp canh, đại diện Phòng quân giới và Ban công binh Khu 7.

(2)     Các đồng chí Bùi Cát Vũ, Đặng Sỹ Hùng, Nguyễn Thọ nghiên cứu cải tiến loại mìn Bazoomin

(3)     Báo Dân Quyền ra ngày 24 tháng 3 năm 1050, lưu trữ tại thư viện tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh.