Cần phải làm chuyển biến sâu sắc về nhận thức đối với người lao động

Đăng ngày: 15/08/2011
“Việc người lao động nông thôn không muốn về làm việc tại các KCN, ngoài nguyên nhân khách quan là vấn đề lương thấp, còn do người lao động đã quen với lối sống tự do, không muốn làm việc trong khuôn khổ, theo tác phong công nghiệp”.

     Theo số liệu điều tra lao động việc làm cho thấy, toàn tỉnh hiện có 1,4 triệu người trong độ tuổi lao động, trong đó có 770.000 người đang làm việc trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ ( chiếm 55%) và 630.000 người đang sống và làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn ( chiếm 45%), trong số đó có 10% số người hoặc là thiếu, hoặc chưa có việc làm và việc làm có thu nhập thấp có thể thu hút về các KCN.

Ngành dệt may đang là điểm nóng về thiếu lao động
Hàng năm, lao động ở khu vực nông nghiệp tăng thêm khoảng 30.000 người do đến tuổi lao động. Lao động ở nông thôn có đặc điểm văn hoá thấp, tác phong lao động nông nghiệp, không muốn xa gia đình, trong khi dự báo về lao động năm 2005 cần khoảng 52.000 người và con số này sẽ tăng 225.000 giai đoạn 2006-2010. Trong điều kiện đó, Hội thảo việc làm cho lao động nông thôn được tổ chức trong khuôn khổ của Ngày hội việc làm có ý nghĩa thiết thực. Hội thảo thu hút nhiều ý kiến của các doanh nghiệp, nhà quản lý và các địa phương trong tỉnh, trong đó việc đẩy mạnh  chuyển biến nhận thức cho người lao động nông thôn được coi là giải pháp cơ bản nhằm thu hút họ về với các khu công nghiệp (KCN).

     Ông Lê Mai Thanh, giám đốc Sở LĐ-TB&XH nói: “Việc người lao động nông thôn không muốn về làm việc tại các KCN, ngoài nguyên nhân khách quan là vấn đề lương thấp, còn do người lao động  đã quen với lối sống tự do, không muốn làm việc trong khuôn khổ, theo tác phong công nghiệp”.  Cũng vì lý do này, trong ngày đầu tiên của ngày hội việc làm, các doanh nghiệp chỉ tuyển được khoảng 1.500 lao động ( trong khi những năm trước ngày đầu đã tuyển tới 7.000).  Vấn đề là phải làm sao tuyên truyền cho người lao động hiểu và nhận thức được rằng làm việc ở các KCN là điều kiện để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, hạ tỷ lệ thất nghiệp trong nông thôn.

     Chị Lê Thị Bảo Thoa, bộ phận nhân sự công ty Changshin cho biết để tuyển được một lao động nông thôn ở Đồng Nai, doanh nghiệp phải chi phí khá lớn (trên dưới 500.000 đồng) nhưng khi vào làm một thời gian,  người lao động không bỏ được nếp sống cũ nên nghỉ việc ngay trong tháng đầu. Tại công ty Changshin, số người bỏ việc trong 3 tháng đầu lên tới 40%. Để giải quyết khó khăn về nhân lực, công ty đã về tuyển nhân sự tại một huyện miền núi trên địa bàn tỉnh, nhưng thật bất ngờ, công ty nhận được câu trả lời rằng nhân dân trong huyện đều đã có việc làm đủ!!? Kiến nghị của công ty là chính quyền địa phương nên tạo điều kiện để người lao động nhận thức được và sẵn sàng về làm việc với các KCN, nhất là lo cho người lao động tại làng Việt kiều Cămpuchia đang sống gần doanh nghiệp có giấy tờ để công ty có đủ căn cứ pháp lý nhận họ vào làm việc.

     Ông Võ Văn Cử, đại diện công đoàn công ty Taekwang cho biết: Công đoàn ở một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đóng vai trò quan trọng trong việc giữ và thu hút lao động cho công ty. Ngoài việc tham mưu với chủ doanh nghiệp thực hiện đủ các chế độ về lương cho người lao động thì tổ chức công đoàn phải là cầu nối thực sự hiệu quả giữa người lao động và chủ doanh nghiệp, như vậy đời sống của lao động mới được quan tâm và người lao động mới yên tâm làm việc cho doanh nghiệp.

     Ông Nguyễn Hữu Trung- Chủ tịch UBND thị trấn Trảng Bom cho biết: Đảng uỷ, chính quyền thị trấn đã ban hành một số Nghị quyết để ổn định, phát triển và từng bước chuyển dịch từ cơ cấu kinh tế nông nghiệp sang công nghiệp , qua đó chỉ đạo các ban, ngành đoàn thể để tuyên truyền cho thanh niên, kết hợp với Trung tâm dạy nghề huyện, nắm thông tin về thị trường lao động, quan tâm đến các thanh niên đang ngồi trên ghế nhà trường, các gương điển hình tiên tiến trong vượt khó làm kinh tế giỏi… Nhờ vậy thị trấn  Trảng Bom đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu của nền sản xuất công nghiệp, hiện có trên 80% thanh niên lao động nông thôn có việc làm ổn định ở các công ty, xí nghiệp đóng trên địa bàn. Đại diện phòng Nội vụ Lao động huyện Xuân Lộc cho biết: vì đặc thù là huyện miền núi nên huyện đã tiến hành khảo sát nguyện vọng học nghề, vay vốn giải quyết việc làm của thanh niên, nhất là bộ đội xuất ngũ rồi xây dựng kế hoạch đào tạo và gửi đào tạo tại các trường dạy nghề của tỉnh và khu vực. Nhờ vậy trong 4 năm qua, huyện đã giải quyết việc làm cho gần 17.000 lao động nông thôn, trong đó vào các KCN tập trung và các cơ sở sản xuất là 4.750 lao động…

     Kết luận tại Hội thảo, ông Lê Mai Thanh một lần nữa nhấn mạnh về nguyên nhân căn bản của việc thiếu lao động là do thu nhập thấp, nhất là chuẩn chung đối với ngành da giày, may mặc từ  35-40USD thời điểm năm 1998 đến nay không còn hấp dẫn người lao động. Về điều này ngành LĐTB&XH sẽ có kiến nghị với Bộ. Song một thực tế là đối với các doanh nghiệp da dày và may mặc, với đặc thù là gia công nên việc nâng lương không phải đơn giản. Về việc nâng cao nhận thức cho người lao động, Ông Lê Mai Thanh kiến nghị các cấp uỷ, Chính quyền và các cơ quan chức năng, cơ sở xã phường cần phải đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền vận động nâng cao nhận thức cho người lao động, để họ hiểu rằng: nhu cầu về lao động nông nghiệp sẽ ngày càng giảm, trong khi nhu cầu lao động trong công nghiệp và dịch vụ ngày càng tăng lên, đặc biệt đối với lao động có kỹ thuật, có kỷ luật theo “ tác phong công nghiệp” ngày càng đòi hỏi cao và nghiêm ngặt-đó là điều tất yếu trogn quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Ông Lê Mai Thanh, giám đốc Sở LĐ-TB&XH