Ngày còn nhỏ, Thiều Thị Tân được học tập tại trường Marie Curie-trường chuyên dạy tiếng Pháp dành riêng cho con nhà quý tộc, chỉ trừ hai chị em chị là con nhà bình dân. Thương má vất vả, cả hai chị em đều học tốt để dành được học bổng cao trong trường. Càng sống gần với tầng lớp trên của xã hội thời bấy giờ, chị càng thấu hiểu sự bất công của chế độ cu. Chứng kiến cảnh tự thiêu của nhà sư Thích Quảng Đức tại ngã tư Phan Đình Phùng năm 1963 và cái chết của anh Nguyễn Văn Trỗi ngày 15-10-1964, chị đã thức tỉnh lòng yêu nước và tinh thần phản kháng mạnh mẽ chế độ Mỹ- Ngụy và quyết tâm đi theo cách mạng khi mới 11 tuổi. Vừa tiếp tục học tại trường, vừa bí mật hướng về chiến khu, trụ sở của Mặt trận Dân tộc Giải phóng… cuối cùng chị và chị gái đã móc nối được với cách mạng, hoạt động trong lực lượng vũ trang thuộc Trung uong Cục miền Nam, được đưa ra vùng giải phóng huấn luyện mười ngày, học tháo lắp súng, sử dụng lựu đạn, làm mìn tự tạo, bắn được súng ngắn bằng cả hai tay rất giỏi. Sau đó chị được đưa về lại Sài Gòn tiếp tục đi học như những người bình thường. Trong một kế hoặch tấn công Tổng nha cảnh sát không thành, chị bị bắt và đày ra Côn Đảo. Khi ấy, mới 16 tuổi, chị đã bị chúng đưa vào một xà lim còn ướt đẫm máu tươi của một đồng chí mới bị tra tấn mà chị chưa biết mặt cũng chưa biết tên, rồi chúng hù doạ: “ Liệu hồn, không thì cũng ăn đòn tuôn máu như thế đấy”, chị Tân không chút sợ hãi mà vô cùng cảm thương và kính trọng người tù ấy. Cảm xúc dâng trào đã khiến chị làm thơ: “
Chúng đưa em đến trại 3
Đây hầm đá lạnh anh qua đâu rồi?
Trời sao như dấu máu tươi
Nơi đây bao cảnh tơi bời xác thân
Em nằm trên vũng máu anh
Mà nghe hạnh phúc toả quanh căn hầm
Máu người thường phải hôi tanh
Máu anh tiếp sức đấu tranh thơm lừng
Không chỉ nằm trên vũng máu tươi, chị cùng chị gái và những tù chính trị khác còn bị nhốt vào chuồng cọp, rồi bị đưa đi nhà lao Tân Hiệp … Đến khi sức kiệt quệ, chúng đưa chị về nằm tại Bệnh viện tâm trí Biên Hoà, tức Bệnh viện tâm thần Trung ương 2 ngày nay. Chị Tân nói đây là thời kỳ hạnh phúc nhất của chị trong suốt những năm tháng lao tù, vì nằm ở bệnh viện tâm thần cũng giống như ở nhà mình, chỉ cần được tự tay mua một bát bún riêu của một bà bán hàng rong đã làm cho chị thấy hạnh phúc vì có cảm giác như trở về cuộâc sống bình thường. Rồi được các y bác sỹ ở bệnh viện tâm thần cưu mang, đặc biệt là việc bác sỹ giám đốc bệnh viện Nguyễn Anh Tuấn đã dám đánh đổi cả tính mạng để ký vào hồ sơ bệnh án mật ngày 27-9-1972 chỉ dành riêng cho ông Tổng trưởng y tế có ghi “… Tân cần được chăm sóc thêm về thể chất cũng như về tinh thần. Nhốt Tân thêm quả là phí phạm công sức của quốc gia, lại mang tội là không chiêu hồi nổi cô gái 15 tuổi trong 4 năm trời liền…”. Sau hai tháng ở nhà thương điên , chị lại bị đày ra Côn Đảo lần hai cho đến khi Mỹ thất bại trong trận ném bom huỷ diệt Hà Nội, Hải Phòng cuối 1972, Hiệp định hoà bình được ký kết, chị là một trong 5.081 tù chính trị được trao trả cho ta ở Lộc Ninh ngày 5-3-1974.
Khi dư luận thế giới lên án chế độ Mỹ Ngụy ở Côn Đảo thì ảnh về người nữ tù nhân Thiều Thị Tân cũng xuất hiện trên các mặt báo, việc này đã làm rung động trái tim chàng thanh niên Pháp Marcel, người tích cực đấu tranh trong phong trào công nhân đường sắt ở Pháp để phản đối cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam. Anh đã xin phép má chị cho hai người đến với nhau vào năm 1991. Hiện anh đang điều hành một tiệm ăn ở Sihanouk-ville ( Cămpuchia), còn chị là trưởng bộ môn võ VOVI NAM ( Việt Võ Đạo) tại quận 12. Anh chị thường qua lại thăm nhau và tận hưởng niềm vui lúc tuổi già. Không chỉ vậy chị còn giúp cho UBND huyện Côn Đảo xây dựng lịch sử và phục chế lại khu di tích cách mạng Côn Đảo, phục vụ cho khách tham quan du lịch. Kể về những ngày cách đây 30 năm ấy, nước mắt chị vẫn rưng rưng xúc động và ánh lên niềm lạc quan tin yêu vào cuộc đời.
( Ghi theo lời kể của bà Thiều Thị Tân, nguyên tù chính trị tại Côn Đảo)