Một số vấn đề về kỹ năng xem xét báo cáo tài chính của các Ban KT-XH HĐND cấp huyện

Đăng ngày: 15/08/2011
Một số vấn đề về kỹ năng xem xét báo cáo tài chính của các Ban KT-XH HĐND cấp huyện

     Căn cứ các quy định hiện hành, hoạt động giám sát về tài chính của Ban KT-XH HĐND cấp huyện là việc xem xét, theo dõi, kiểm tra các báo cáo tài chính. Qua đó, có những nhận định, đánh giá về mức độ đúng đắn của các báo cáo tài chính nhằm giải trình trước HĐND về cơ sở xây dựng các báo cáo tài chính và cách điều hành ngân sách của UBND cấp huyện để làm tham mưu cho HĐND cấp huyện trong việc thực hiện 2 chức năng: quyết định dự toán ngân sách, phân bổ, điều chỉnh dự toán ngân sách trong địa phương mình, phê chuẩn quyết toán ngân sách cấp mình và giám sát việc thực hiện các quyết định về ngân sách của HĐND cấp mình.

     Muốn đạt mục đích, yêu cầu trên, Ban KT-XH HĐND cấp huyện phải có kỹ năng giám sát nhằm đảm bảo xem xét cẩn thận, tòan diện các loại báo cáo tài chính để phát hiện và phải thực hiện quyền chất vấn để biết chính sách, chủ trương về tài chính có được thi hành không, có phù hợp với xu hướng phát triển của địa phương  và có được sự đồng tình của người dân không.

     Xuất phát từ những bài học lý luận và kinh nghiệm thực tế, để thực hiện nhiệm vụ giám sát về tài chính, trước hết cần phải có kỹ năng xem xét. Đây là kỹ năng quan trọng nhất, có ý nghĩa quyết định đối với chất lượng hoạt động giám sát.

Chúng ta biết rằng báo cáo tài chính bao giờ cũng gồm các báo biểu và báo cáo thuyết minh để làm rõ các số liệu trong báo biểu. Để xác định tính chất đúng đắn, đầy đủ của các báo cáo tài chính ấy, kỹ năng xem xét cần xác định quy trình và nội dung xem xét. Quy trình, nội dung xem xét có thể chấp nhận được như sau:

1. Quy trình xem xét: gồm 3 bước

     Bước 1:  Xem xét bộ hồ sơ báo cáo tài chính (số lượng báo biểu và các báo cáo thuyết minh được quy định cụ thể trong Thông tư số 59/2003/TT-BTC ngày 23/6/2003 của Bộ tài chính);

     Bước 2:  Xem xét số liệu báo cáo về mặt số học. Do số liệu tài chính gồm rất nhiều chỉ tiêu, vì thế, không nhất thiết xem xét toàn bộ, chỉ cần tra soát tổng số và một số chỉ tiêu quan trọng hoặc những số liệu có nghi vấn không chính xác.

     Bước 3:  Xem xét báo cáo thuyết minh.

Trong báo cáo thuyết minh bao giờ cũng có số liệu dẫn chứng. Xem xét báo cáo này cần đối chiếu số liệu với số liệu của các báo biểu nhằm bảo đảm tính thống nhất số liệu trong các loại báo cáo và xem xét tính thống nhất giữa với mức độ thực hiện dự tóan và mức độ thực hiện các kế họach phát triển kinh tế-xã hội khác, có liên quan. Những trường hợp đánh giá trong báo cáo thuyết minh không ăn khớp với mức độ thực hiện cần phải được giải trình đầy đủ.

2. Nội dung xem xét:

     Nội dung xem xét được xác định tùy theo loại báo cáo tài chính. Theo Nghị định 73 của Thủ tướng Chính phủ, có 4 lọai báo cáo tài chính Ban HĐND cần tập trung xem xét. Nội dung xem xét trên từng lọai báo cáo như sau:

     . Báo cáo tình hình thực hiện dự toán thu, chi ngân sách 6 tháng:

     Ban KT-XH nên đi sâu xem xét 3 nội dung:

Một: xem xét số liệu thực hiện dự toán thu NSNN trên địa bàn, chi NSĐP năm hiện hành. Chú ý so sánh mức độ thực hiện tổng thu, tổng chi và so sánh mức độ thực hiện các nguồn thu, chi chủ yếu, quan trọng gắn liền đến việc thực thi các chủ trương, chính sách về đầu tư xây dựng, về chính sách xã hội;

     Hai: xem xét việc thực hiện các giải pháp tài chính-ngân sách theo Nghị quyết HĐND. Căn cứ báo cáo thuyết minh để xem xét, đối chiếu và xác định những giải pháp đã thực hiện, chưa thực hiện. Mức độ ảnh hưởng của việc chưa thực hiện các giải pháp đã được xác định. Cần thiết, yêu cầu UBND giải trình nguyên nhân chưa thực hiện những giải pháp đã được xác định.

     Ba: xem xét các giải pháp bổ sung. Nếu 6 tháng đầu năm thực hiện đạt quá thấp so dự toán, cần phải có giải pháp để đảm bảo hoàn thành dự toán năm. Nếu 6 tháng cuối năm có điều chỉnh hoặc bổ sung nhiệm vụ thu NSNN, thu, chi ngân sách địa phương, thì nhất thiết phải có giải pháp đi kèm.

     .Dự toán thu NSNN trên địa bàn, dự toán chi NSĐP năm:

      Ban KT-XH nên đi sâu xem xét 3 nội dung: mục tiêu, nhiệm vụ của ngân sách; căn cứ xây dựng dự toán; căn cứ phân bổ ngân sách địa phương.

     Để thực hiện tốt việc này, bên cạnh việc nắm chắc Nghị quyết của Đảng bộ về mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng trên địa bàn huyện, Ban KT-XH cần nắm các thông tin, tài liệu sau:

     Thứ nhất là Luật NSNN, chú ý tỉ lệ phân chia các nguồn thu và phân cấp nhiệm vụ chi cho các địa phương để xem xét mức độ thực hiện quy định của Luật NSNN;

     Thứ hai là Thông báo của UBND tỉnh về chỉ tiêu kiểm tra để các huyện làm cơ sở xây dựng dự toán;

     Thứ ba là Các văn bản hướng dẫn về xây dựng dự toán do Bộ tài chính và Sở Tài chính ban hành;

     Thứ tư là Thông báo về việc dự kiến đầu tư và cơ cấu đầu tư và xây dựng từ ngân sách trên địa bàn các huyện;

     Thứ năm là Các quy định hiện hành về định mức chi tiêu từ ngân sách;

     Thứ sáu là Các chủ trương, chính sách về kinh tế, xã hội trên địa bàn huyện để xem xét mức độ khai thác thu, bố trí chi NSĐP có phù hợp hay không.

     Thứ bảy là Tình hình thực hiện dự toán ngân sách năm hiện hành;

     Ngoài ra, nếu địa phương đã có kế hoạch tài chính 5 năm, thì khi xem xét dự toán hàng năm cần đối chiếu với kế hoạch này, đảm bảo độ phù hợp để hoàn thành tốt kế hoạch dài hạn đã được xác định.

     . Phương án phân bổ ngân sách cấp huyện:

     Ban KT-XH tập trung xem xét 2 nội dung là: nguyên tắc phân bổ và tính công bằng, hợp lý, tích cực của phương án. Qua xem xét cần phải đối chiếu với các quy định để có nhận định phù hợp. Muốn thực hiện tốt nội dung này, Ban KT-XH cần nắm những thông tin, tài liệu sau:

     Thứ nhất là phải nắm các quy định hiện hành về chế độ chi tiêu từ ngân sách; về định mức phân bổ và chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi; về tỉ lệ % phân chia các khoản thu và mức bổ sung cân đối, bổ sung có mục tiêu từ ngân sách cấp trên

     Thứ hai là phải nắm quy định và các thông tin về việc thực hiện chế độ khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính trên địa bàn huyện;

     Thứ ba là phải nắm quy định và các thông tin về việc thực hiện chế độ tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp trên địa bàn huyện.

     Thứ tư là phải đảm bảo phương án phân bổ ngân sách phù hợp với dự toán ngân sách

     .Báo cáo quyết toán NSĐP:

     Ban KT-XH nên tập trung xem xét 3 nội dung là: tính chính xác, tính hợp pháp và tính đầy đủ của bộ tài liệu quyết toán NSĐP.

     + Báo cáo quyết toán chính xác là báo cáo đạt các tiêu chuẩn sau:

     Một là khớp đúng về mặt số học giữa chi tiết với tổng số;

     Hai là kết dư đầu năm nay phải khớp đúng với kết dư năm trước;

     Ba là các báo biểu phải đảm bảo tính thống nhất về số liệu.

     Bốn là báo cáo thuyết minh phải trình bày đầy đủ kết quả thực hiện dự tóan ngân sách và chấp hành chế độ, chính sách về tài chính, cùng với những nguyên nhân ảnh hưởng đến việc thực hiện.

     + Báo cáo quyết toán hợp pháp là báo cáo quyết toán đã được UBND cấp huyện ký tên, đóng dấu và kèm theo đó là xác nhận số liệu của Kho bạc Nhà nước.

     + Bộ báo cáo quyết toán đầy đủ là bộ báo cáo gồm đủ các báo biểu theo quy định trong Thông tư số 59/2003/TT-BTC ngày 23/6/2003 của Bộ tài chính và báo cáo thuyết minh quyết toán ngân sách địa phương; Trường hợp ngân sách địa phương đã được kiểm toán, bộ báo cáo phải kèm báo cáo kết quả kiểm toán của Kiểm toán nhà nước; Trường hợp địa phương có huy động tự nguyện để xây dựng cơ sở hạ tầng, phải đính kèm Nghị quyết của HĐND cùng cấp; Khi thực hiện các mục tiêu, chương trình theo chỉ đạo của cấp trên, phải đính kèm các văn bản quy phạm pháp luật phù hợp.

     Sau khi đã kiểm tra bộ hồ sơ, Ban KT-XH sẽ tiến hành xem xét số liệu và nội dung theo bước 2, bước 3 quy trình xem xét nêu trên.

     Ngòai kỹ năng xem xét, việc thẩm tra các báo cáo tài chính còn cần thiết phải thực hiện thêm một số kỹ năng khác như kỹ năng đặt câu hỏi, kỹ năng phát hiện, kỹ năng chất vấn và kỹ năng quyết định. Nội dung cụ thể của những kỹ năng này sẽ được trình bày trong bài viết lần tới.

Nguyễn Thị Tuyết Nga