Cán bộ với việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở

Đăng ngày: 15/08/2011
"Chúng tôi phải nâng cao trình độ và khả năng"

     Đó là lời “thú nhận” rất chân tình của ông Nguyễn Thanh Giang, cán bộ phụ trách công tác giao thông thủy lợi Thị trấn Định Quán huyện Định Quán trong dịp đoàn giám sát Ban pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh về kiểm tra việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại Thị trấn Định Quán. Vẫn biết nâng cao trình độ, khả năng là một việc làm đương nhiên của mọi cán bộ, công chức  nhưng gắn với những nội dung của Quy chế thực hiện dân chủ ở xã thì lời thú nhận của ông Nguyễn Thanh Giang là lời nói rất có ý nghĩa thực tế và nhận được sự đồng tình của mọi người.

     Có một thời cán bộ cấp xã làm việc cầm chừng: Sáng về sớm, chiều nghỉ hẳn. Dân muốn tìm Cán bộ ra rẫy, ra ruộng thậm chí là … ra quán thì gặp! Giải quyết công việc theo yêu cầu của nhân dân cũng có khi được thực hiện ngay tại đấy, cũng tiện lợi, nhanh chóng đáp ứng ngay yêu cầu của nhân dân nhưng thành tùy tiện. Mà việc gì tùy tiện cũng dẫn đến sai sót và bị lợi dụng. Những việc làm sai của Cán bộ cũng thường xuất phát từ đấy và để lại những hậu quả không đáng có làm ảnh hưởng đến uy tín chung. Sự tùy tiện đó có nguyên nhân  là do ý thức, trách nhiệm của một số cán bộ chưa cao còn có nguyên nhân sâu xa là do nhận thức của nhân dân đối với những vấn đề phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng của địa phương có hạn. Bởi có hạn nên không thể theo dõi, giám sát để biết được Chính quyền và cán bộ  làm đúng hay sai hoặc còn thiếu sót. Thế nên Chính quyền biết thì Chính quyền tổ chức làm cho dân và có những việc liên quan trực tiếp tới từng hộ gia đình nhưng không phải hộ nào cũng biết, chính vì thế dân và Chính quyền cùng “dễ dãi” với nhau.

     Năm 1998, Quy chế thực hiện dân chủ ở xã ban hành kèm theo Nghị định số 29/1998/NĐ-CP ngày 11.5.1998 được ban hành, đến  năm 2003 được thay thế bằng Quy chế ban hành kèm theo Nghị định số 79/2003/NĐ-CP ngày 07.7.2003 của Chính phủ thì mọi việc liên quan đến quan hệ giữa chính quyền cấp xã  và nhân dân đổi khác. Với mục đích phát huy quyền làm chủ, sức sáng tạo của nhân dân ở xã, động viên sức mạnh vật chất và tinh thần to lớn của nhân dân trong phát triển kinh tế xã hội, cải thiện dân sinh, nâng cao dân trí, ổn định chính trị, tăng cường đoàn kết, xây dựng Đảng, Chính quyền và các đoàn thể ở xã trong sạch vững mạnh, ngăn chặn và khắc phục tình trạng suy thoái, quan liêu, tham nhũng của một số cán bộ, Đảng viên và các tệ nạn xã hội, quy chế thực hiện dân chủ ở xã đã tạo ra không khí mới trong quan hệ giữa cán bộ và nhân dân: Thẳng thắn, cởi mở và dân chủ theo khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.

     Đơn cử như việc làm đường giao thông nông thôn- vấn đề đặc biệt quan trọng cho phát triển nông thôn- trước đây khi chưa có Quy chế dân chủ do Chính quyền  các cấp quyết định và làm, dân biết đấy nhưng không cùng tham gia giám sát. Bởi vậy tiêu cực dễ phát sinh, một số công trình kém chất lượng nhanh chóng xuống cấp, người dân phải lãnh chịu hậu quả. Nay nhân dân tham gia giám sát những công trình có ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, an ninh, trật tự, văn hóa- xã hội, vệ sinh môi trường và đời sống vì vậy tiêu cực được hạn chế, chất lượng công trình nâng lên, cả Chính quyền và nhân dân đều tự nâng cao trách nhiệm và trình độ. Việc thu chi tài chính trước khi có quy chế dân chủ là việc nhân dân khó biết, có quy chế dân chủ rồi, đấy là một việc phải công khai trước dân, tiêu cực, tham nhũng sẽ khó khăn hơn để có thể tồn tại.

     Trở lại lời thú nhận của ông Nguyễn Thanh Giang, đây có phải là lời nói sáo rỗng và thừa thãi vì nâng cao trình độ, năng lực là việc làm thường xuyên, là yêu cầu bắt buộc đối với tất cả cán bộ để trở thành người “công bộc” của dân?  Nhưng  với thực hiện quy chế dân chủ thì đây là lời nói thật có cơ sở. Đối chiếu các quy định của Quy chế thực hiện dân chủ với tình hình thực tế ở cấp xã thì có 39 việc được thông tin công khai tới nhân dân trong đó có những việc nhân dân được bàn, tham gia ý kiến; được giám sát kiểm tra và được bàn, quyết định trực tiếp, 39 việc này đã bao gồm hầu như toàn bộ các vấn đề trên mọi lĩnh vực của địa phương. Dân biết, dân hiểu  mọi chủ trương, đường lối, chính sách từ nhỏ đến lớn sẽ không thể có việc xảy ra những “ chuyện đã rồi” do chính quyền tự biết, tự quyết. Mọi việc làm của chính quyền và cán bộ cơ sở đều công khai trước dân, chịu sự kiểm tra giám sát của dân. Cán bộ nào năng lực kém, không giải thích thuyết phục những vấn đề dân cần biết và giám sát, kiểm tra, người đó sẽ tự làm giảm uy tín cá nhân. Bởi thế dân biết, dân hiểu mọi vấn đề sẽ dễ dàng cho Chính quyền trong triển khai thực hiện nhưng sẽ khó khăn cho những cán bộ chỉ có năng lực yếu kém. Những người như thế hoặc không được tiếp tục  tín nhiệm hoặc tự rút lui vì bản thân không thể tiếp tục công việc cần giao cho người có đủ trình độ, năng lực đảm nhận thay. Mặt khác điều 14 Quy chế dân chủ ở cơ sở còn quy định việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Hội đồng nhân dân xã bầu được thực hiện mỗi năm một lần. Với quy định như thế càng tác động đến  ý thức tự giác nâng cao trình độ khả năng của mỗi cán bộ, công chức đặc biệt với Chủ tịch Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp xã thì đây là việc không thể coi nhẹ.

     Bởi thế, đi kiểm tra việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở lần này tôi nhận thức được một điều: Đối tượng nhận sự tác động thường xuyên trong thực hiện Quy chế dân chủ ở xã chẳng phải là người dân mà chính là những Cán bộ công chức phục vụ dân!

Nguyễn Thị Oanh