Theo Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị
trấn và các văn bản hướng dẫn thi hành thì hiện nay tại cấp xã đang triển khai
việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do HĐND bầu (gồm Chủ
tịch, Phó Chủ tịch HĐND và Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp xã). Ủy ban Mặt trận
Tổ quốc Việt Nam cấp xã có trách nhiệm triển khai thực hiện nội dung này, quá
trình thực hiện phải thông báo cho những người được đưa ra lấy phiếu tín nhiệm
biết kế hoạch, thời gian, địa điểm và yêu cầu họ chuẩn bị Bản kiểm điểm chậm
nhất là ba mươi ngày trước ngày tổ chức hội nghị lấy phiếu tín nhiệm. Việc lấy
ý kiến nhân dân được thực hiện bằng các hình thức tổ chức họp thôn, tổ dân phố;
tổ chức phát phiếu; tổ chức lấy ý kiến thông qua hòm thư góp ý.
Thực tiễn cho thấy, do ý thức, năng lực hạn chế của
cán bộ hoặc do quá trình giải quyết công việc của người dân phải qua nhiều bộ
phận, nhiều cấp nên xảy ra tình trạng mong muốn chính đáng của người dân khi
đến với nơi cần xử lý đã bị thay đổi không đúng với ban đầu trong khi người dân
rất cần được đối thoại trực tiếp với cán bộ. Bởi vậy, những góp ý mang tính xây
dựng trên giúp cán bộ chủ chốt ở cơ sở thêm điều kiện gần gũi, lắng nghe, thấu
hiểu những bức xúc của nhân dân và cũng là dịp nhìn lại chính mình, tự chấn
chỉnh, để hoàn thành tốt hơn chức trách, nhiệm vụ. Đây cũng là kênh thông tin
quan trọng lãnh đạo cấp trên tham khảo để đánh giá chất lượng chung, hiệu quả
công tác của đội ngũ cán bộ cơ sở, từ đó có định hướng đào tạo, quy hoạch, bố
trí hay thay đổi, điều chuyển, bãi nhiệm, miễn nhiệm nếu cần thiết, đáp ứng yêu
cầu, nhiệm vụ mới.
Với các quy định hiện hành thì cấp xã hiện nay chí có
04 chức danh là đối tượng để tổ chức lấy phiếu tín nhiệm trong khi trên thực tế
có một số chức danh công chức ở xã thường xuyên tiếp xúc và giải quyết những
công việc hằng ngày gắn với lợi ích sát sườn của người dân: chức danh cán bộ
địa chính, Tư pháp, Công an. Chính vì vậy, việc Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo
triển khai thí điểm quy trình lấy ý kiến đóng góp của nhân dân về thực hiện
công vụ của các chức danh công chức cấp xã, phường, thị trấn là một hình thức
thí điểm mới nhằm tạo ra một cơ chế tốt, qua tai mắt, đánh giá của nhân dân để
sàng lọc cán bộ cơ sở và suy cho cùng đó cũng là một sinh hoạt chính trị hợp
lòng dân.
Sau khi thống nhất với UBND tỉnh, Thường trực HĐND
tỉnh đã đề nghị Giám đốc Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Văn phòng
ĐĐBQH&HĐND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh trên cơ sở tham khảo các quy định hiện
hành về lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do HĐND bầu và tình hình thực
tế về thực hiện công vụ của công chức trên địa bàn tỉnh để xây dựng thí điểm
Quy trình lấy ý kiến đóng góp của nhân dân về thực hiện công vụ của các chức
danh công chức cấp xã, phường, thị trấn. Nội dung Quy trình được xác định trên
cơ sở tham khảo việc triển khai thực hiện lấy phiếu tín nhiệm của nhân dân đối
với các chức danh do HĐND bầu do đó yêu cầu đặt ra là phải gồm có các vấn đề
chính sau: Các bước tiến hành trong Quy trình; các
nội dung lấy ý kiến trong đó lưu ý bốn nhóm nội dung chính về: chấp hành chính
sách pháp luật; phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; tác phong làm việc;
thái độ phục vụ nhân dân; lựa chọn phạm vi, đơn vị thí điểm; thời điểm
lấy ý kiến nhân dân, thời gian tổ chức thí điểm; trách nhiệm theo dõi, hướng
dẫn việc triển khai thí điểm của Sở Nội vụ.
Quy trình cũng phải xác định và đề ra được phương thức
đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm sau khi tổ chức thí điểm. Việc xây dựng dự
thảo quy trình đề nghị hoàn thành trong tháng 6 năm 2010 trình Thường trực Tỉnh
ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh xem xét cho ý kiến thông qua để tổ chức thực
hiện.
Lấy ý kiến của nhân dân và phiếu tín nhiệm sẽ góp phần
làm thay đổi thói quen bị động trước các chính sách từ chính quyền của người
dân ở cơ sở, với suy nghĩ mình là đối tượng chịu thi hành, chưa thấy hết chiều
tác động tích cực trở lại trong việc phát huy quyền làm chủ thực sự. Đây cũng
là việc làm tốt, góp phần kiện toàn một bước công tác cán bộ.
Việc lấy phiếu tín nhiệm cũng như việc lấy ý kiến nhân
dân về thực hành công vụ của các chức danh công chức xã, phường, thị trấn là
những việc làm rất quan trọng, song chỉ là bước đầu. Vấn đề quan trọng tiếp
theo là sau khi có kết quả, cần chế tài xử lý một cách thận trọng, khoa học,
đúng quy trình nhưng cũng phải kiên quyết, tránh tình trạng “giơ cao, đánh
khẽ”, bỏ phiếu làm tốt song sau đó xử lý không nghiêm dẫn đến hiệu quả thực
hiện không cao, không đáp ứng với yêu cầu đặt ra.
Ngô Trọng Phúc