Phân biệt kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật và các hoạt động tương tự

Đăng ngày: 14/05/2013
​* Phân biệt giám sát và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật* Phân biệt kiểm tra văn bản và thẩm tra, thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật​.* Phân biệt kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật với rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật​.

     * Phân biệt giám sát và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật:

     ​Điểm khác biệt cơ bản giữa giám sát, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật là ở chủ thể thực hiện các quyền này. Kiểm tra, giám sát văn bản quy phạm pháp luật được pháp luật quy định cho các chủ thể khác nhau. Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện thực hiện quyền kiểm tra. Ủy ban thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân; Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân giám sát, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp dưới trực tiếp; Hội đồng nhân dân giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân cùng cấp. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, cơ quan, tổ chức khác và nhân dân địa phương tham gia giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và kiến nghị với cơ quan, cá nhân có thẩm quyền xử lý văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật. Chủ thể, quy trình giám sát, thẩm quyền xử lý văn bản khi giám sát được quy định trong Luật về hoạt động giám sát của Quốc hội, Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân.

     Tuy nhiên, giám sát và kiểm tra văn bản đều hướng tới mục đích nhằm bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của văn bản trong hệ thống pháp luật. Nội dung giám sát, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật quy định trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2002 là tương tự như nhau.

     * Phân biệt kiểm tra văn bản và thẩm tra, thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật:

     Hoạt động dễ gây nhầm lẫn với kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật là thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có mối quan hệ chặt chẽ, hữu cơ với kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật và điểm chung giữa chúng là hướng tới việc bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của văn bản trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.

     Tuy nhiên, bản chất của thẩm định là kiểm tra trước khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật ''nhằm phát hiện những vi phạm, khiếm khuyết, hạn chế và dự báo, phòng ngừa những điểm sai trái có thể có trong dự thảo''. Thẩm định là hoạt động tiến hành trước khi văn bản quy phạm pháp luật được ban hành, khác với kiểm tra văn bản chỉ tiến hành sau khi văn bản được ban hành.

     Thẩm định có nội dung rộng hơn kiểm tra, có xem xét, đánh giá tính khả thi, kỹ thuật soạn thảo của dự thảo. Kiểm tra văn bản không đánh giá tính khả thi, kỹ thuật soạn thảo của văn bản như hoạt động thẩm định. Nếu như hoạt động thẩm định nhằm hạn chế tối đa sự mâu thuẫn, chồng chéo, không hợp pháp, thiếu đồng bộ cũng như thiếu tính khả thi của văn bản trước khi văn bản được ban hành thì hoạt động kiểm tra nhằm loại bỏ, khắc phục sự mâu thuẫn, chồng chéo, không hợp pháp của văn bản sau khi ban hành.

     Thẩm định là một hoạt động mang tính tham mưu, tư vấn, do vậy, cơ quan thẩm định được khuyến khích trong việc đưa ra đánh giá về tất cả các vấn đề liên quan đến nội dung văn bản và về mặt pháp lý; những ý kiến phản biện của cơ quan thẩm định, thậm chí là sự phủ nhận hoàn toàn dự thảo không phải là cơ sở để xác định trách nhiệm đối với người soạn thảo hay là cơ sở để cơ quan soạn thảo loại bỏ dự thảo văn bản. Trong khi đó, cơ quan kiểm tra khi kết luận về sự sai trái, không hợp pháp của văn bản đôi khi cũng ra quyết định xử lý văn bản như đình chỉ việc thi hành, bãi bỏ văn bản (ví dụ: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức kiểm tra văn bản của Ủy ban nhân dân cấp huyện và phát hiện có dấu hiệu sai trái, có thẩm quyền bãi bỏ văn bản trái pháp luật đó). Việc kiểm tra văn bản không chỉ dừng lại ở việc xem xét, đánh giá mà còn kết luận, xử lý vụ việc, đưa ra những kiến nghị để sửa chữa kịp thời, sớm khắc phục hậu quả, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước, tăng cường kỷ cương pháp luật.

     * Phân biệt kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật với rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật.

     Cần phân biệt công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật với công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật - một hoạt động có nội dung và mục đích tương tự hoạt động kiểm tra văn bản.

     Tại Điều 8 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định: ''Cơ quan nhà nước trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm thường xuyên rà soát, định kỳ hệ thống hoá các văn bản quy phạm pháp luật, nếu phát hiện có quy định trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển của đất nước, thì tự mình hoặc kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành”.

     Theo Sổ tay hướng dẫn nghiệp vụ rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật, rà soát văn bản quy phạm pháp luật  “là các thao tác kỹ thuật nghiệp vụ nhằm soát, xét lại các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành trong một thời gian nhất định, được tiến hành theo chuyên đề, lĩnh vực hay theo ngành luật, phát hiện những quy định của văn bản dưới luật có mâu thuẫn, chồng chéo, trái với quy định của Hiến pháp và các đạo luật''.

     Tuy có điểm giống nhau giữa kiểm tra và rà soát là đều tiến hành sau khi văn bản được ban hành và đều nhằm phát hiện những quy định mâu thuẫn, trái pháp luật, nhưng khi tiến hành rà soát văn bản, người rà soát có thể xem xét về tính hợp lý của văn bản, sự phù hợp với tình hình thực tế (trong khi đó, kiểm tra văn bản xem xét về sự phù hợp với các quy định pháp luật dựa trên sự đối chiếu với các văn bản pháp luật mà các văn bản pháp luật được kiểm tra phải tuân thủ – tuy nhiên, cần lưu ý là khái niệm, nội dung kiểm tra được phân tích ở đây là khác với “tự kiểm tra”) của văn bản và đây cũng là điểm phân biệt cơ bản giữa hoạt động rà soát văn bản với hoạt động kiểm tra văn bản. Cơ quan tiến hành rà soát có thể xem xét về tính hợp lý của các quy định trong văn bản hay tính hợp lý của toàn bộ văn bản. Có thể thấy rõ mục đích của hoạt động rà soát và kết quả của rà soát là giúp cho việc tìm hiểu, sử dụng, áp dụng một cách dễ dàng, thuận tiện các văn bản pháp luật, đồng thời phát hiện những quy định có mâu thuẫn, chồng chéo để sửa đổi, bổ sung hoàn thiện chúng. 

                                                                                   Sĩ Tiến