Chiều 28-5-1946, Hội tổ chức một cuộc
nói chuyện quan trọng tại Nhà hát lớn Hà Nội, Bác Hồ đã đến dự. Trong buổi họp
này, đại diện Tổng bộ Việt Minh hô hào, vận động đồng bào gia nhập Hội và hăng
hái giúp đỡ các chiến sĩ bị thương, coi đây là hành động yêu nước. Mở đầu cuộc
vận động này, chiều ngày 17-11-1946, cũng tại Nhà hát lớn Hà Nội, Hội liên hiệp
Quốc dân Việt Nam tổ chức một buổi lễ xung phong "Mùa đông binh sĩ''. Buổi
lễ vinh dự được đón Bác Hồ và các thành viên trong Chính phủ. Bác Hồ đã cởi
chiếc áo rét của Người đang mặc để tặng binh sĩ.
Sau lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến
chưa đầy nửa năm, tháng 6-1947, Bác chỉ thị chọn một ngày trong năm làm
ngày Thương binh toàn quốc và coi đó là một dịp cho nhân dân cả nước tỏ lòng
hiếu nghĩa, bác ái và tỏ lòng yêu mến thương binh. Thực hiện chỉ thị của Bác,
một hội nghị trù bị được tổ chức tại xã Phú Minh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái
Nguyên. Tại hội nghị này, đại biểu các cơ quan, ban ngành Trung ương, khu, tỉnh
nhất trí đề nghị Trung ương lấy ngày 27-7 làm ngày Thương binh toàn quốc. Và
cũng ngày đó, Bác Hồ đã có thư gởi cho thương binh. Trong thư, Bác viết : "... Thương binh là những
người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng
bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào mà các đồng chí đó chịu ốm yếu, què
quặt. Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con
anh dũng ấy ...".
Ngay chiều hôm đó, 27-7-1947, một cuộc
mít-tinh trọng thể được tổ chức tại huyện Đại Từ. Có khoảng 2.000 người tham
gia, được nghe Ban tổ chức Ngày Thương binh toàn quốc trịnh trọng đọc thư của
Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là bức thư đầu tiên của Bác Hồ nhân ngày Thương binh
- Liệt sĩ. Từ đó, ngày 27-7 hàng năm đi vào lịch sử của dân tộc ta. Hàng năm cứ
đến ngày 27-7, Bác Hồ không chỉ có thư thăm hỏi mà còn gởi quà cho thương binh
và gia đình liệt sĩ. Để có một cơ quan chức năng của Chính phủ đặc trách chăm
lo công việc trọng đại này, ngày 3-10-1947, Hồ Chủ tịch ký sắc lệnh thành lập
Bộ thương binh - Cựu binh, tiền thân của Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội sau
này. Năm 1948, sau chiến thắng Thu-Đông Việt Bắc và nhân kỷ niệm lần thứ hai
ngày Thương binh 27-7, trong một bức thư gởi thương binh, gia đình liệt sĩ và
đồng bào cả nước, Người viết : "Họ quyết liều chết chống địch để cho Tổ
quốc và đồng bào sống. Ngày nay, bố mẹ họ mất đi một người con yêu quý. Vợ trẻ
trở nên bà góa. Con dại trở nên mồ côi. Trên bàn thờ gia đình thêm một lệnh bài
liệt sĩ. Tay chân tàn phế của thương binh sẽ không mọc lại được. Và những tử sĩ
không thể tái sinh ...".
Đối với thương binh, Bác luôn ân cần căn dặn
là phải giữ vững truyền thống tốt đẹp và vẻ vang của quân đội nhân dân. Bác
viết : "... Các đồng chí đã anh dũng giữ gìn non sông, các đồng chí sẽ
trở nên người công dân kiểu mẫu ở hậu phương, cũng như các đồng chí đã từng là
người chiến sĩ kiểu mẫu ở ngoài mặt trận. Tôi cùng đồng bào luôn luôn nhớ đến
các đồng chí ...". Không
những thế, Bác Hồ còn kêu gọi đồng bào noi gương oanh liệt của thương binh,
liệt sĩ, ra sức đánh giặc, bảo vệ Tổ quốc. Bác luôn đề cao sự cống hiến của
thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ.
Trong diễn từ đọc tại buổi lễ đặt vòng
hoa ở Đài Liệt sĩ ngày 31-12-1954, Bác nêu rõ : "... Các liệt sĩ đã hy
sinh, nhưng công trạng to lớn của các liệt sĩ đã ghi sâu vào lòng dạ của toàn
dân và non sông, đất nước. Các liệt sĩ đã hy sinh, nhưng chí khí dũng cảm của
các liệt sĩ đã thấm nhuần vào tâm hồn của toàn quân và dân ta trong cuộc kiên
quyết đấu tranh giành hòa bình, thống nhất, độc lập và dân chủ trong cả nước.
Máu của các liệt sĩ đã nhuộm lá quốc kỳ vẻ vang càng thêm thắm đỏ. Tiếng thơm
của các liệt sĩ sẽ muôn đời lưu truyền với sử xanh ...". Tết năm 1955,
Bác Hồ đến thăm Trường Thương binh hỏng mắt, Người tặng cho anh em chiếc áo mà
đồng bào miền Nam gởi tặng Người. Chính trong dịp này, Người đã nói: "Thương binh tàn nhưng không
phế". Câu nói thật đơn giản nhưng sâu sắc biết bao nhiêu.
Cho đến trọn cuộc đời, trước lúc đi xa,
Bác Hồ còn viết trong chúc thư để dặn dò những người ở lại : "Việc quan
trọng sau chỉnh đốn Đảng là phải chăm lo đối với những người đã dũng cảm chiến
đấu, hy sinh một phần xương máu và những người đã trở thành liệt sĩ cùng thân
nhân của họ, quyết không để họ đói rét ". Thực hiện những lời dạy quý
báu của Bác Hồ kính yêu, Đảng-Nhà nước và nhân dân ta đã dành cho thương binh,
bệnh binh và gia đình liệt sĩ những tình cảm đặc biệt và tấm lòng thương yêu vô
hạn về cả vật chất lẫn tinh thần ngay trong thời chiến cũng như thời bình. Năm
nào vào dịp này, Hồ Chủ Tịch cũng có thư và quà gửi anh chị em thương binh và
các gia đình liệt sĩ. Tháng 7/1954 sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Đảng
và Nhà nước ta càng đặc biệt quan tâm giải quyết vấn đề chiến sĩ, gia đình liệt
sĩ và công tác thương binh. Và từ năm 1955, ngày 27/7 - ngày Thương binh được
đổi thành ngày Thương binh Liệt sĩ. Mỗi năm, cứ đến ngày 27/7, toàn Đảng, toàn
dân, toàn quân ta lại nhớ đến Bác - Người cha già của dân tộc và thêm tự hào về
bước phát triển của công tác thương binh, liệt sĩ theo tư tưởng và sự chỉ đạo
của Người.
Hàng
năm, ngày thương binh, liệt sĩ 27/7 đã trở thành một ngày toàn dân tưởng nhớ,
tri ân những người có công với nước. Đảng và Nhà nước đã có những chính sách ưu
đãi về cả vật chất lẫn tinh thần đối với người có công cũng như gia đình và con
em của họ. Nhưng tưởng nhớ, tri ân với người có công với nước không chỉ một
ngày, một đợt, một lễ kỷ niệm mà cần hơn là những việc làm thiết thực, thường
xuyên để giúp gia đình con em những người đã hi sinh, mang thương tật vơi bớt
khó khăn trong cuộc sống. Phải coi ngày 27/7 hàng năm là ngày lễ tri ân những
người có công với nước, ngày mà những người còn sống mãi mãi không được quên.
Mặt khác, phải thể hiện lòng tri ân một cách thiết thực, hiệu quả trong suốt
năm, coi việc mình làm cho thân nhân liệt sĩ, thương binh là làm thay những
người con ưu tú đã hi sinh vì Tổ quốc, vì mình, vì cả dân tộc Việt Nam.
Kim Ngọc (lược ghi)