Tổ đại biểu HĐND tỉnh đơn vị Xuân Lộc tổ chức triển khai, thực hiện tốt đề án thí điểm “Nâng cao chất lượng hoạt động và hoạt động giám sát của tổ đại biểu HĐND tỉnh Đồng Nai”

Đăng ngày: 14/05/2013
 ​Từ khi được chọn thực hiện đề án số 24/ĐA-HĐND ngày 31/01/2008 của Thường trực HĐND tỉnh về thí điểm “Nâng cao chất lượng hoạt động và hoạt động giám sát của tổ đại biểu HĐND tỉnh Đồng Nai”, đến nay, Tổ đại biểu HĐND tỉnh (đơn vị Xuân Lộc) đã nâng cao trách nhiệm, bám sát vào Nghị quyết của HĐND tỉnh, tổ chức được 12 Đoàn khảo sát, giám sát về các nội dung:  

​     Giám sát việc thực hiện Dự án Khu nông nghiệp ứng dụng kỹ thuật cao DONAFOODS, thực hiện Dự án Khu liên hợp công nông nghiệp DONATABA; công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, thực hiện công tác Bảo hiểm y tế, giải quyết chế độ Bảo hiểm xã hội; Giám sát triển khai thực hiện chương trình phát triển các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực trên địa bàn, công tác thực hiện nhiệm vụ đầu tư XDCB từ nguồn vốn Trung ương và vốn tỉnh trên địa bàn huyện Xuân Lộc, bao gồm các công trình chuyển tiếp; việc thực hiện tăng thẩm quyền xét xử tại Tòa án nhân dân cấp huyện; Giám sát công tác triển khai thực hiện chương trình cho vay vốn hộ nghèo, chương trình giải quyết việc làm cho nhân dân lao động trong diện nghèo; Giám sát kết quả công tác phòng chống tội phạm trên địa bàn huyện Xuân Lộc. Qua giám sát tại các xã, thị trấn đã nhắc nhở UBND các xã, thị trấn kiện toàn Ban Chỉ đạo Phòng chống AIDS, tội phạm – tệ nạn xã hội và giám sát việc triển khai thực hiện các kết luận, kiến nghị sau giám sát...

     Sau mỗi cuộc giám sát, Tổ đại biểu xem xét báo cáo của đơn vị được giám sát trình bày tại buổi giám sát, các ý kiến thảo luận của thành viên đoàn giám sát và trả lời của lãnh đạo đơn vị được giám sát, Tổ đại biểu tổng hợp báo cáo đầy đủ, đối chiếu kết quả giám sát với các văn bản luật, văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản chỉ đạo của cơ quan cấp trên để xây dựng thông báo kết luận, kiến nghị đúng pháp luật. Qua tổ chức 12 cuộc giám sát, Tổ đại biểu đã có 78 kiến nghị đối với UBND tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Sở Tài chính, Sở Y tế, UBND huyện Xuân Lộc và các đơn vị được giám sát. Các ý kiến kiến nghị của Tổ đã được các cơ quan, đơn vị được giám sát tổ chức thực hiện, một số ý kiến cụ thể như: Sở Y tế đã bổ sung danh mục đầu tư công trình Phòng khám đa khoa khu vực Xuân Hưng vì phòng khám này quá tải, không đáp ứng đủ nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân; Sở Kế hoạch và Đầu tư đã xem xét, đẩy nhanh tiến độ ghi bổ sung kế hoạch vốn cho các dự án đã hoàn tất thủ tục để sớm triển khai thi công; Sở Giáo dục và Đào tạo đã quan tâm triển khai các dự án sửa chữa, xây mới trường, lớp học chuẩn bị phục vụ năm học mới 2009-2010, đặc biệt, chính quyền các cấp các ngành quan tâm đầu tư và xét công nhận 20 trường chuẩn quốc gia, đẩy nhanh tiến độ xây dựng và triển khai dự án Trường phổ thông dân tộc nội trú cụm Long Khánh-Xuân Lộc-Cẩm Mỹ; Tổng công ty công nghiệp thực phẩm Đồng Nai (DONATABA) mở rộng Dự án Khu liên hợp công nông nghiệp từ 730 ha lên 1400 ha thành dự án khép kín, UBND huyện đã lập phương án bồi thường, hỗ trợ và dự án tái định cư giải phóng mặt bằng trình UBND tỉnh phê duyệt để thực hiện Dự án Khu liên hợp công nông nghiệp khép kín, đồng thời chỉ đạo UBND các xã trong vùng dự án tiến hành các thủ tục cần thiết để thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đã trình ra kỳ họp HĐND xã thông qua. Hiện nay dự án đang triển khai thực hiện; UBND huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng chuyển giao kỹ thuật cho trạm y tế xã, tập huấn phác đồ điều trị các bệnh như sốt xuất huyết, chân tay miệng, cúm A H5N1, tiêu chảy cấp… cho nhân viên y tế công lập và y tế tư nhân; Bệnh viện Đa khoa huyện Xuân Lộc đã đầu tư mua sắm trang thiết bị y tế và phương tiện hành chính quản trị với tổng kinh phí là 5,1 tỉ đồng (từ nguồn ngân sách và xã hội hóa); UBND tỉnh đã làm việc với Cục đường bộ để giải tỏa 06 điểm đen trên địa bàn huyện Xuân Lộc theo tinh thần Công văn số 125/BATGT ngày 22 tháng 5 năm 2008 của Ban ATGT tỉnh, góp phần phòng ngừa, kiềm chế, làm giảm TNGT, ùn tắc giao thông; UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chức năng của huyện tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức cơ bản về Luật giao thông cho đối tượng là học sinh THCS, THPT để các em nắm bắt và chấp hành tốt khi điều khiển xe đạp điện tham gia giao thông trên các tuyến đường, thực hiện văn hóa giao thông v.v...

     Hay như, qua giám sát việc thực hiện tăng thẩm quyền xét xử tại Tòa án nhân dân huyện Xuân Lộc. Tổ đại biểu nhận thấy, tình hình tội phạm còn diễn biến phức tạp, tính chất, mức độ phạm tội ngày càng côn đồ. Đặc biệt các vụ án cố ý gây thương tích, xâm phạm quyền sở hữu tài sản, đánh bạc và tổ chức đánh bạc chiếm tỷ lệ khá cao và tăng so với năm 2008, cụ thể: Tội xâm phạm quyền sở hữu tài sản 72 vụ, chiếm 45,5%, tội cố ý gây thương tích 33 vụ, chiếm 21%… Xét xử án treo 62/158 vụ chiếm 43,3%  Vì vậy việc tăng thẩm quyền xét xử tại Tòa án cấp huyện theo quy định là cần thiết. Qua giám sát, Tổ đại biểu kiến nghị Công an, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh trong kế hoạch phân bổ biên chế hàng năm cho các cơ quan Tư pháp cấp huyện, cần quan tâm tăng thêm biên chế cho các cơ quan Tư pháp cấp huyện để đủ sức đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ và khối lượng công việc ngày càng nhiều, nhất là hiện nay Tòa án cấp huyện được thực hiện xét xử tăng thẩm quyền, đòi hỏi đội ngũ thẩm phán, cũng như Hội thẩm nhân dân đủ năng lực, trình độ để đảm nhận nhiệm vụ và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Kết quả xét xử trong năm tháng đầu năm 2010 tại Tòa án nhân dân huyện Xuân Lộc có chuyển biến tích cực: tội cố ý gây thương tích giảm còn 17 vụ, tội chống người thi hành công vụ 01 vụ... Xét xử án treo 13/48 vụ chiếm 27%.

     Công tác giám sát đã thực hiện đúng quy trình trong việc giám sát từ khâu chuẩn bị giám sát đến việc đôn đốc theo dõi việc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau giám sát, các kết luận, kiến nghị của Tổ đại biểu đều được các cơ quan được giám sát đồng tình và tổ chức triển khai thực hiện. Công tác tiếp dân đảm bảo đúng định kỳ, đã giải đáp những thắc mắc cho nhân dân đồng thời phối hợp với Ban Pháp chế trực tiếp làm việc với ngành chức năng về những vấn đề mà công dân phản ánh. Việc tiếp dân không chỉ dừng lại ở việc tiếp tại trụ sở mà các đại biểu đã chủ động gặp gỡ với Chính quyền, các bên khiếu nại tố cáo để tìm hiểu sâu về những nội dung bức xúc trong đơn; không chỉ lắng nghe, giải thích mà còn có sự đối chiếu, nghiên cứu để đưa ra những kiến nghị phù hợp đảm bảo quyền lợi cho nhân dân trên cơ sở tuân thủ pháp luật. Các kiến nghị đều nhận được sự tiếp thu của các cơ quan có liên quan.

     Tổ đại biểu cũng đã chủ động phối hợp tốt với Thường trực, các Ban HĐND cấp tỉnh và cấp huyện do đó không có sự trùng lắp về đơn vị được giám sát; Văn phòng ĐĐBQH&HĐND tỉnh và Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện nơi tổ đại biểu thí điểm cũng tạo mối quan hệ phối hợp đồng bộ để hỗ trợ công tác vì trách nhiệm đối với tình hình phát triển chung của địa phương.

     Nhìn chung qua triển khai thực hiện đề án thí điểm “Nâng cao chất lượng hoạt động và hoạt động giám sát của Tổ đại biểu HĐND tỉnh” cho thấy, chất lượng hoạt động Tổ đại biểu được nâng lên, các đại biểu thể hiện cao về tinh thần trách nhiệm trong hoạt động của Tổ, phát huy được sức mạnh tập thể, thực hiện các nhiệm vụ của đại biểu HĐND đạt hiệu quả cao hơn so với trước khi thí điểm thực hiện đề án; thông qua hoạt động giám sát của Tổ đại biểu đã tăng thêm động lực cũng như ý thức trách nhiệm của từng đại biểu trong việc nâng cao hơn nữa nhận thức, nắm vững và hiểu sâu về những chính sách, chủ trương, luật pháp của nhà nước trên mọi lĩnh vực, không bó hẹp trong phạm vi hoạt động chuyên môn từ đó phát huy cao độ vai trò, nhiệm vụ của người đại biểu nhân dân.

      Vì vậy, so với khi chưa triển khai thực hiện đề án thì từ khi được chọn thí điểm họat động của tổ đại biểu có những ưu điểm như: mối quan hệ giữa các thành viên của Tổ gặp nhau, trao đổi thông tin thường xuyên hơn nhờ sự trao đổi qua các cuộc khảo sát, giám sát, họp Tổ đại biểu đóng góp ý kiến cho dự thảo thông báo kết luận sau các cuộc khảo sát, giám sát; các đại biểu tích cực nghiên cứu tài liệu chuyên môn, văn bản pháp luật liên quan để tiến hành khảo sát, giám sát, thường xuyên tiếp cận với cơ quan chuyên môn và địa phương, vì vậy mà năng lực, trình độ của đại biểu trong Tổ đại biểu được nâng lên. Trách nhiệm của đại biểu nâng lên, thời gian dành cho hoạt động của đại biểu HĐND nhiều hơn, từ đó hoạt động, giám sát mang lại hiệu quả, củng cố thêm niềm tin của nhân dân, vai trò người đại biểu đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Nâng cao vị thế, vai trò của đại biểu trước cử tri, sau các đợt tiếp xúc cử tri đại biểu nắm bắt tình hình thực tế địa phương. Ngoài việc ghi nhận, chuyển ý kiến phản ánh của cử tri về các ngành chức năng có thẩm quyền giải quyết, đối với những vấn đề mang tính bức xúc của cử tri, tổ đại biểu thống nhất trình Thường trực HĐND tỉnh ban hành quyết định thành lập đoàn giám sát để làm rõ vấn đề và trả lời cho cử tri, đã củng cố thêm niềm tin của cử tri đối đại biểu, được đông đảo cử tri đồng tình ủng hộ.

      Giúp cho cơ quan quản lý hành chính Nhà nước và các ngành thực hiện nhiệm vụ được tốt hơn: Thông qua hoạt động giám sát Tổ đại biểu đã giải quyết được những vấn đề khó khăn, tồn tại nhiều năm trong công tác quản lý nhà của địa phương; đôn đốc, giải quyết những vấn đề cần có sự phối hợp giữa các Sở, ban ngành cấp tỉnh với cấp huyện.

     Qua kết quả thực hiện thí điểm đề án “Nâng cao chất lượng hoạt động và hoạt động giám sát của tổ đại biểu HĐND tỉnh” của Tổ đại biểu HĐND tỉnh đơn vị Xuân Lộc. Tổ đại biểu kiến nghị Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy Ban Thường vụ Quốc hội xem xét, chỉ đạo triển khai thí điểm tại các địa phương khác để có cơ sở thực tiễn, đúc kết bài học kinh nghiệm, kiến nghị có cơ sở khoa học giúp cho các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi các quy định cho phù hợp với yêu cầu cải cách hành chính, đáp ứng với thực tiễn phát triển của xã hội.

                                                                          Sĩ Tiến