Hàng chục ngàn tấn chất thải công nghiệp nguy hại tự nhiên biến mất?

Đăng ngày: 14/05/2013
​Đồng Nai là một trong những tỉnh hiện đang dẫn đầu cả nước về phát triển công nghiệp với 21/29 khu công nghiệp (KCN) tập trung đã đi vào hoạt động (chưa kể các cụm công nghiệp địa phương). Công nghiệp phát triển, các hoạt động bảo vệ môi trường tuy đã được tỉnh quan tâm từ khâu kêu gọi, tiếp nhận đến triển khai các dự án đầu tư trong các KCN, nhưng vấn đề thu gom và xử lý các chất thải phát sinh như: nước thải, khí thải và đặc biệt là chất thải rắn (sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp và chất thải nguy hại) đang là vấn đề đặt ra khá cấp bách...  

​     Theo báo cáo của Sở Tài nguyên Môi trường cho biết, tổng hợp số liệu từ UBND cấp huyện, các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp cho thấy chất thải rắn thông thường (gồm chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn công nghiệp không nguy hại) phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 2052 tấn/ngày, tương đương 748.980 tấn/năm, trong đó chất thải rắn công nghiệp không nguy hại khoảng 990 tấn/ngày, tương đương 361.445 tấn/năm, chất thải rắn sinh hoạt khoảng 1.062 tấn/ngày, tương đương 387.535 tấn/năm. Về thu gom, vận chuyển chất thải sinh hoạt, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hiện có 42 đơn vị tổ chức, cá nhân thu gom, vận chuyển. Chất thải công nghiệp không nguy hại (bao gồm cả phế liệu), hiện có 394 Công ty, doanh nghiệp tư nhân, cơ sở mua bán phế liệu, trong đó chỉ có 64 đơn vị có giấy phép kinh doanh và 17 đơn vị có thực hiện thủ tục cam kết bảo vệ môi trường tham gia hoạt động phân loại, thu gom, mua bán phế liệu. Các đơn vị này đã phân loại, thu gom, vận chuyển được khoảng 1.820 tấn/ngày, chiếm 88,7% khối lượng phát sinh, trong đó khối lượng được thu gom xử lý hợp vệ sinh chiếm 25%, có 47% được thu gom, phân loại và tái chế tại các cơ sở mua bán phế liệu, 28% được thu gom, tập kết tại 43 bãi rác tự phát tại các địa phương.

hang huc ngan chta thai 1.jpg

Đoàn Giám sát của Thường trực HĐND tỉnh
kiểm 
tra bãi rác tự phát tại huyện Trảng Bom

     Về chất thải y tế, hiện nay trên địa bàn tỉnh có trên 2.175 cơ sở y tế và 1.671 cơ sở dược với tổng lượng chất thải phát sinh khoảng 5,6 tấn/ngày, tương đương 2.051 tấn/năm. Khối lượng xử lý tại 04 lò đốt khoảng 1.500 tấn/năm; ngoài ra, lượng chất thải y tế được xử lý bằng các lò đốt thủ công tại trạm y tế phường, xã theo hướng dẫn của Bộ Y tế; riêng chất thải từ các phòng khám tư nhân còn thu gom chung với chất thải sinh hoạt.

     Về chất thải công nghiệp nguy hại, một điều đáng quan tâm trong số liệu báo cáo của Sở Tài nguyên Môi trường (BC số 201/BC-TNMT ngày 14/6/2010) cho thấy lượng đăng ký từ 797 chủ nguồn thải chất thải nguy hại trên địa bàn tỉnh là 38.314 tấn/năm (trong đó, thu gom, xử lý 23.371 tấn, đạt 61%). Trong khi, cũng theo báo cáo số 537/BC-TNMT ngày 15/12/2009 của Sở Tài nguyên Môi trường, thì năm 2009, với 747 chủ nguồn thải chất thải nguy hại trên địa bàn tỉnh với khối lượng đăng ký 108.411 tấn/năm, trong đó phát sinh từ các KCN, cụm công nghiệp 102.037 tấn/năm, các cơ sở ngoài KCN 6.374 tấn/năm. Như vậy, so với năm 2009 thì đã có hàng chục ngàn tấn chất thải công nghiệp nguy hại tự nhiên biến mất, giải thích về vấn đề này, lãnh đạo sở Tài nguyên Môi trường cho rằng đã có nhiều đơn vị khi đăng ký đã loại ra khỏi chất thải nguy hại một số loại chất thải và chuyển sang chất thải công nghiệp thông thường? trong khi chất thải công nghiệp thông thường cũng không tăng so với năm 2009.

hang huc ngan chta thai 2.jpg

Thường trực HĐND tỉnh giám sát việc xử lý
chất thải công nghiệp tại KCN

     Chất thải rắn công nghiệp (không nguy hại và nguy hại) và chất thải rắn sinh hoạt có tác động tiêu cực lớn tới môi trường, làm tăng thêm thành phần và nồng độ các chất gây ô nhiễm trong đất và nguồn nước, gây phát sinh các mầm bệnh cho người và động vật, làm ảnh hưởng tiêu cực đến tài nguyên sinh vật khác, đặc biệt là đối với chất thải nguy hại. Chất thải rắn, nhất là chất thải công nghiệp nguy hại, nếu không được quản lý và xử lý hiệu quả sẽ gây suy giảm chất lượng không khí, thẩm thấu làm ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, làm mất mỹ quan và cảnh quan môi trường văn minh tại các khu vực đô thị, khu công nghiệp và vùng nông thôn.

    Về chất thải công nghiệp (không nguy hại và nguy hại), các doanh nghiệp, đơn vị chủ nguồn thải chưa thực hiện đầy đủ hoạt động bảo vệ môi trường; nhận thức chưa đầy đủ về mức nguy cơ tác động tiềm tàng của chất thải nguy hại; kiểm soát chưa triệt để các phương ứng cứu sự cố chất thải nguy hại rò rỉ thất thoát. Tình trạng mua bán chất thải nguy hại dưới dạng hàng hóa thương mại diễn ra khá phổ biến. Các chủ thu gom, xử lý chất thải nguy hại còn hạn chế trong việc đầu tư công nghệ xử lý tương ứng vớí thành phần và tính chất nguy hại, dẫn đến các công nghệ xử lý hiện tại mang tính đối phó vận hành không hiệu quả theo các yêu cầu về bảo vệ môi trường.

    Để thực hiện tốt những mục tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết số 125/2008/NQ-HĐND của Hội đồng nhân tỉnh, việc cần thiết hiện nay là phải xây dựng và thực hiện Quy chế “quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh” để thu gom xử lý chất thải rắn một cách thống nhất, đồng bộ, nhằm kịp thời xử lý, khắc phục và cải thiện chất lượng môi trường do tác động chất thải rắn, nhất là chất thải rắn nguy hại gây ra, làm ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và môi trường. Kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm quản lý chất thải nguy hại nhằm phát huy hiệu quả trong công tác phòng chống, khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và tài nguyên môi trường.

                                                             Nguyễn Thị Phi