Công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2005 – 2009 của Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai.

Đăng ngày: 15/05/2013
​Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa tổ chức sơ kết việc thực hiện Nghị quyết 48-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 nhằm đánh giá khách quan và đúng đắn về kết quả thực hiện Nghị quyết 48, trên cơ sở đó, xác định nhu cầu và các giải pháp tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật giai đoạn 2011 – 2020.

​      ​Qua 5 năm, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết 48-NQ/TW, công tác thẩm tra, xây dựng và ban hành văn bản QPPL của HĐND tỉnh Đồng Nai đã theo một trình tự, thủ tục thống nhất do luật định; các tổ chức, công dân chịu sự điều chỉnh, chịu sự tác động trực tiếp của văn bản QPPL của HĐND, UBND đã được tạo điều kiện tham gia đóng góp ý kiến vào các dự thảo văn bản QPPL ngày càng đông đảo và thực chất hơn. Chất lượng các văn bản QPPL được ban hành dần được cải thiện, có tính khả thi cao. Công tác tự kiểm tra, kiểm tra, rà soát và hệ thống hóa văn bản QPPL được triển khai trên diện rộng và điều quan trọng nhất Nghị quyết của HĐND thực chất đi vào cuộc sống, quan trọng là "hợp lòng dân". Điều đó có nghĩa là HĐND tỉnh đã xây dựng các quyết sách đúng đắn, phù hợp với nhu cầu thực tiễn, những bức xúc của xã hội. 

      Vào trước mỗi kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh Đồng Nai đều tổ chức Hội nghị liên tịch để thông qua nội dung, chương trình kỳ họp, trong đó có việc thông qua danh mục các nghị quyết sẽ được trình ra kỳ họp. Trong 14 kỳ họp HĐND tỉnh (từ giữa năm 2005 đến tháng 12/2009) đã ban hành 129 Nghị quyết, trong đó 46 Nghị quyết liên quan đến nhân sự, về Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của HĐND; Nghị quyết về tổng biên chế ở địa phương; 63 Nghị quyết HĐND mang tính QPPL như: nghị quyết về thực hiện nhiệm vụ KTXH - QPAN; quyết định các giải pháp bổ sung để hoàn thành các mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế; đánh giá kết quả thu chi ngân sách nhà nước của địa phương; các nghị quyết chuyên đề…

cong tac ban hanh vb.jpg
Ông Uông Chu​ Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội
 phát biểu tại Hội thảo​

 

      HĐND tỉnh đã đặc biệt chú trọng việc lựa chọn nội dung, lĩnh vực ban hành nghị quyết, đó là những lĩnh vực cần có cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển; hoặc tháo gỡ khó khăn vướng mắc; những vấn đề bức xúc mà cử tri quan tâm cần giải quyết và chỉ đưa vào Chương trình xây dựng nghị quyết những nội dung có tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế, khả năng ngân sách của địa phương, bảo đảm chất lượng. 

      Phát huy trí tuệ và tinh thần trách nhiệm của đại biểu trong công tác xây dựng nghị quyết, Thường trực HĐND tỉnh chủ trương tạo điều kiện, tổ chức cho các đại biểu HĐND tỉnh, tham gia thảo luận theo từng nghị quyết chuyên đề. Các Nghị quyết của HĐND tỉnh khi được kỳ họp thống nhất thông qua, Thường trực và các Ban HĐND tỉnh đã chủ động khảo sát, đôn đốc thực hiện để sớm đưa chính sách đi vào cuộc sống; kịp thời phát hiện những điểm chưa phù hợp hoặc không phù hợp để kiến nghị sửa đổi, bổ sung, tạo điều kiện cho các Nghị quyết phát huy hiệu quả.

      Tuy nhiên, số nghị quyết phát sinh còn khá nhiều trong quá trình điều hành thực hiện cũng như do yêu cầu bức xúc của tình hình thực tế tại địa phương, Thường trực HĐND tỉnh luôn phải điều chỉnh, bổ sung nghị quyết vào chương trình. Những nghị quyết "phát sinh" đa số là nghị quyết chuyên đề thường đi sâu vào một số ngành, lĩnh vực, tập trung như các chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, kinh doanh, thu hút đầu tư, môi trường, xóa đói, giảm nghèo, phát triển y tế, giáo dục... không thể không thông qua. Điều đó đã gây áp lực lớn cho công tác chuẩn bị kỳ họp, ảnh hưởng đến chất lượng nghị quyết và hiệu quả hoạt động của HĐND.

                                                                                Lưu Thị Hà