Còn nhiều dự án thực hiện từ kinh phí chuyển nguồn tồn kéo dài từ năm 2004 đến năm 2010 nhưng chưa có giải pháp để thực hiện

Đăng ngày: 15/05/2013
​Trước thực trạng kinh phí chuyển nguồn từ nguồn ngân sách tỉnh còn kéo dài nhiều năm và nhằm đánh giá việc quản lý, xử lý của các ngành chuyên môn trong việc chuyển nguồn, Ban Kinh tế Ngân sách HĐND tỉnh đã tiến hành giám sát đối với các sở, ngành: Tài chính, Kế hoạch - Đầu tư và Kho bạc Nhà nước tỉnh.

      ​​Qua giám sát, cho thấy tuy chưa có sự thống nhất số liệu về kinh phí chuyển nguồn giữa các đơn vị được giám sát nhưng theo số liệu trong báo cáo của sở Tài chính, kinh phí chuyển nguồn từ các năm 2004 đến 2009 chuyển sang năm 2010 để thực hiện là 503.098 triệu đồng. Trong đó, chuyển nguồn từ trước năm 2009 chuyển sang là 201.550 triệu đồng và năm 2009 chuyển sang là 301.548 triệu đồng. Các đơn vị được giám sát đã kịp thời triển khai các văn bản chỉ đạo số 16001/BTC-ĐT và 2970/BTC-ĐT của Bộ Tài chính về thực hiện và thanh toán kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản; quản lý thanh toán vốn tạm ứng và một số văn bản liên quan, từ đó, tạo điều kiện cho chủ đầu tư, nhà thầu và các địa phương thực hiện thuận lợi; tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định các nhiệm vụ chi chuyển nguồn chuyển sang năm sau tiếp tục thực hiện theo quy định và phù hợp nhu cầu thực tế của từng dự án, do đó, ngay từ đầu năm các dự án chuyển tiếp đảm bảo được vốn để thực hiện và đẩy nhanh tiến độ thực hiện. 

chuyen nguon.jpg 
Ông Đinh Việt Tiến, Phó Giám đốc Sở Tài chính báo cáo tình hình thực hiện các dự án từ kinh phí chuyển nguồn của ngân sách cấp tỉnh.​
 

      Việc điều hành kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản vài năm gần đây thực hiện tương đối tốt. Hàng tháng, có sự phối hợp của các sở ngành với chủ đầu tư trong việc rà soát tình hình triển khai thực hiện của các dự án, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc để đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Kết quả giải ngân của các dự án, số dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng và quyết toán vốn đầu tư ngày càng cao, từ đó, giảm khá lớn số dự án tồn đọng kéo dài nhiều năm. Nổi bật trong năm 2009, theo báo cáo của Sở Kế hoạch - Đầu tư, một số dự án thuộc lĩnh vực đào tạo – giáo dục, y tế, văn hóa – xã hội, an ninh – quốc phòng đã thanh toán hoàn tất kế hoạch vốn năm 2008 được giao tiếp tục thanh toán trong năm 2009; theo báo cáo sở Tài chính nguồn tồn XDCB từ năm 2004 đến 2009 là 522.156 triệu đồng và trong năm 2009 đã giải ngân được 319.532 triệu đồng đạt 61% tổng nguồn tồn của trước năm 2009; theo báo cáo của Kho bạc nhà nước tỷ lệ giải ngân năm 2009 đạt cao 95,25% (cấp phát 97.709 triệu đồng so 102.581 triệu đồng kế hoạch giao).

     Bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện các dự án từ kinh phí chuyển nguồn của Ngân sách cấp tỉnh còn một số khó khăn, tồn tại và hạn chế cần quan tâm như: Việc bố trí và điều hành vốn đầu tư XDCB theo dự toán, kế hoạch giao hàng năm nhưng trong năm thường có sự điều chỉnh dự toán nhiều lần do các nhà đầu tư có khuynh hướng giữ vốn và chưa lường hết vướng mắc trong quá trình thi công (phát sinh) nên khi đăng ký vốn đầu tư cho năm sau thường cao hơn khả năng thực tế, dẫn đến khó khăn cho các đơn vị trong việc theo dõi vốn kế hoạch và vốn cấp phát. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư XDCB của các dự án từ kinh phí chuyển nguồn từ năm 2007 trở về trước khá chậm, thể hiện: Còn nhiều dự án thực hiện từ kinh phí chuyển nguồn tồn kéo dài từ năm 2004 đến năm 2010 nhưng chưa có giải pháp để thực hiện, như: Đường cách mạng tháng 8 Biên hòa; đường Quốc lộ IK (cổng 1 – cầu Hóa An); đường số 2 Long Tân - Vĩnh Thanh huyện Nhơn Trạch; bồi thường đường trục chính thị trấn Gia Ray; đường Đồng Khởi (đoạn từ xa lộ Hà Nội – Bệnh viện Lao; đoạn từ Bệnh viện Lao – Tỉnh Lộ 24); nạo vét suối Linh Biên Hòa… Một số dự án có khối lượng hoàn thành nhưng không làm thủ tục thanh toán khối lượng để giải ngân vốn; một số đã hoàn thành, nghiệm thu và đưa vào sử dụng nhưng chưa tất toán tài khoản tạm ứng tại kho bạc nhà nước tỉnh. Bên cạnh đó, một số dự án vướng công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (thậm chí có dự án chỉ còn một vài hộ chưa nhận tiền) nên nguồn tạm ứng chi phí bồi thường GPMB chưa thể tất toán. Công tác quản lý vốn đối với một số dự án chưa chặt chẽ và sử dụng vốn chưa thật sự đạt hiệu quả, cụ thể: Số dư tạm ứng của các dự án từ năm 2004 đến năm 2008 chuyển sang năm 2009 rất lớn 522.156 triệu đồng, cuối năm 2009 lại tiếp tục chuyển sang năm 2010 là 201.550 triệu đồng, trong đó, một số dự án tạm ứng vốn nhiều năm liền với kinh phí lớn nhưng không giải ngân vốn được như: dự án đường số 2 Long Tân - Vĩnh Thanh huyện Nhơn Trạch tạm ứng 1.246 triệu đồng; dự án  bồi thường đường trục chính thị trấn Gia Ray tạm ứng 3.340 triệu đồng; dự án Hồ Cầu mới 18.370 triệu đồng;… Một số quy định đã ban hành nhưng sở, ngành và chủ đầu tư chưa tập trung đôn đốc và có biện pháp kiên quyết đối các nhà thầu trong việc vi phạm tiến độ thi công theo cam kết hợp đồng từng gói thầu; công tác nghiệm thu làm thủ tục thanh toán khi có khối lượng công trình và quyết toán vốn đầu tư khi công trình hoàn thành đưa vào sử dụng. Từ đó, đã ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các sở ngành, đơn vị chưa chặt chẽ, không thường xuyên trong việc rà soát để có biện pháp xử lý hoặc tham mưu cấp thẩm quyền xử lý đối với các dự án thực hiện từ kinh phí chuyển nguồn kéo dài nhiều năm; vi phạm trong lĩnh vực đầu tư XDCB; vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng…để có biện pháp tháo gỡ việc tồn nguồn kéo dài.

chuyen nguon 1.jpg 
Bà Quách Ngọc Lan, Trưởng ban KTNS HĐND tỉnh
phát biểu kết luận
 
​     Trước những khó khăn, hạn chế nêu trên, Ban KT-NS kiến nghị đối với UBND tỉnh chỉ đạo các Sở Tài chính, Sở Kế hoạch - Đầu tư, Kho bạc nhà nước tỉnh, chủ đầu tư và các địa phương liên quan thống nhất số liệu về kinh phí chuyển nguồn của Ngân sách cấp tỉnh đối với các dự án từ các năm trước còn tồn lại chuyển sang năm 2010 để thực hiện. Đồng thời, rà soát lại tất cả các dự án từ kinh phí chuyển nguồn, phân tích rõ nguyên nhân vướng mắc để có giải pháp xử lý cụ thể đối với từng dự án. Chỉ đạo UBND các địa phương phối hợp với các sở ngành và chủ đầu tư thực hiện tốt công tác GPMB nhằm đảm bảo triển khai đầu tư xây dựng các dự án trên địa bàn đúng tiến độ. Đồng thời, chỉ đạo Sở Tài chính, Kho bạc nhà nước tỉnh và các chủ đầu tư thực hiện đúng các chức năng, nhiệm vụ được quy định tại Thông tư  số 27/BTC ngày 3/4/2007 của Bộ Tài chính về hướng dẫn quản lý, thanh toán vốn đầu tư và vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư thuộc ngân sách nhà nước để thực hiện tốt việc quản lý, thanh toán vốn đầu tư trên địa bàn.

      Đối với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch - Đầu tư, Kho bạc Nhà nước tỉnh, Ban đề nghị cần có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với các chủ đầu tư để xác định nhu cầu vốn sát với tình hình thực tế, hạn chế đến mức thấp nhất việc điều chỉnh kế hoạch nhiều lần trong năm và thừa kế hoạch phải chuyển nguồn sang năm sau thực hiện. Đối với các dự án phát sinh vướng mắc, kịp thời phối hợp với chủ đầu tư tập trung tìm giải pháp xử lý hoặc đề xuất các kiến nghị cụ thể để UBND tỉnh xử lý. Sở Tài chính, Kho bạc nhà nước tỉnh phối hợp với các chủ đầu tư rà soát các dự án có kinh phí chuyển nguồn từ các năm trước nhưng đến nay vẫn còn treo tạm ứng và một số dự án đã hoàn thành, nghiệm thu và đưa vào sử dụng nhưng chưa tất toán tài khoản tạm ứng tại kho bạc nhà nước tỉnh để lập thủ tục hoàn tạm ứng hoặc quyết toán vốn đầu tư.

                                                                                Thu Hương