Tình hình triển khai ứng dụng CNTT giai đoạn 2006-2010 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai

Đăng ngày: 15/05/2013
​Nhận thức được tầm quan trọng của việc đảm bảo nguồn nhân lực CNTT cho các cơ quan nhà nước, vừa qua HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 160/2009/NQ-HĐND ngày 10 tháng 12 năm 2009 về chế độ trợ cấp thu hút đối với CBCC làm công tác công nghệ thông tin và cho một số đối tượng đặc thù khác, sau đó UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 10/2010/QĐ-UBND ngày 01 tháng 3 năm 2010 quy định chế độ trợ cấp thu hút đối với cán bộ chuyên trách về CNTT trên địa bàn tỉnh.

​      ​Trong giai đoạn 2006-2010, tỷ lệ máy tính/cán bộ công chức là 85%. Trong đó tổng số máy tính trong các cơ quan nhà nước gần 3.362 máy, bao gồm: 123 máy chủ, 2.926 máy tính để bàn, 313 máy tính xách tay. Về kết nối mạng: 100% các cơ quan hành chính nhà nước đã có hệ thống mạng nội bộ, riêng các địa phương cấp huyện có mạng nội bộ nhưng chưa kết nối hoàn chỉnh đến các phòng ban trực thuộc; 100% các cơ quan Đảng, Nhà  nước được kết nối mạng TSLCD có hệ thống mạng được kết nối Internet bằng đường truyền ADSL, cáp quang.

      Về ứng dụng CNTT phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành: hầu hết các đơn vị được triển khai các ứng dụng phục vụ điều hành bao gồm: ứng dụng thư điện tử tỉnh Đồng Nai; phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc (QLVB&HSCV); phần mềm M-Office; các ứng dụng quản lý văn bản và thư mời họp, quản lý nhân sự, tài chính kế toán phục vụ hoạt động theo dõi, điều hành công việc tại các cơ quan. Đến nay, 100% các cơ quan hành chính đã triển khai cài đặt các phần mềm QLVB&HSCV, một số đơn vị cài đặt phần mềm M-office. Khoảng 30% văn bản thông thường (như lịch công tác, giấy mời họp,…) được trao đổi qua hệ thống thư điện tử hoặc qua ứng dụng phần mềm được thực hiện trên mạng TSLCD. Có 6.000 hộp thư điện tử đã cấp cho cán bộ, công chức, viên chức, các cơ quan, đơn vị nhà nước sử dụng, tỷ lệ thường xuyên sử dụng thư điện tử trong số cán bộ công chức cơ quan hành chính được cấp là 64,97%. Có 06 đơn vị đưa ứng dụng CNTT trong quản lý quy trình dịch vụ một cửa, gồm: Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công thương, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND huyện Trảng Bom. Các đơn vị triển khai cài đặt và đưa vào khai thác phần mềm văn phòng có bản quyền của Microsoft, phần mềm mã nguồn mở nhằm hạn chế vi phạm bản quyền phần mềm. Ngoài ra các đơn vị còn triển khai các ứng dụng khác để phục vụ tác nghiệp như các ứng dụng quản lý kế toán tài chính, quản lý nhân sự, tiền lương, quản lý công tác báo cáo thống kê, quản lý tài sản, giờ công.

      Về ứng dụng phục vụ người dân và doanh nghiệp: tỉnh Đồng Nai hiện có 28 trang thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước và sự nghiệp trong đó cơ quan nhà nước có 15 trang, cơ quan Đảng và đoàn thể có 4 trang, các cơ quan sự nghiệp có 9 trang để cung cấp thông tin và dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp. Trang thông tin điện tử của Tỉnh và cơ quan nhà nước đã cung cấp được 1.398 thủ tục hành chính công (tổng số dịch vụ công thống kê theo Đề án 30 về cải cách thủ tục hành chính), trong đó có 633 dịch vụ công mức 1; 745 dịch vụ công mức 2; 17  dịch vụ công mức 3; 3 dịch vụ công cấp 4. Có 80% thông tin chỉ đạo điều hành của Lãnh đạo tỉnh/thành phố được đưa lên cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử. Có 06 đơn vị đã đưa ứng dụng CNTT trong quy trình cung cấp dịch vụ công một cửa, bao gồm: Sở Khoa học và Công nghệ; Sở Công thương; Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Xây dựng; UBND huyện Trảng Bom; Sở Kế hoạch và Đầu tư.

      Về nguồn nhân lực: theo kết quả điều tra tiềm lực CNTT, tỉnh Đồng Nai hiện có 2.684 người có trình độ cao đẳng, đại học CNTT, phần lớn tập trung tại các đơn vị sự nghiệp, công ty nhà nước hoặc được bố trí công tác không thuộc lĩnh vực CNTT, tuy nhiên chỉ có 2,7% người công tác trong các cơ quan nhà nước. Theo thống kê sơ bộ, tổng số cán bộ chuyên trách CNTT (hoặc kiêm nhiệm) làm việc trong cơ quan hành chính là 184 người, chiếm tỉ lệ  4,71% tổng số cán bộ công chức. 

      Về công tác đào tạo bồi dưỡng về lĩnh vực CNTT cho cán bộ, công chức của tỉnh: Theo báo cáo của Sở Nội vụ, trong giai đoạn 2006-2010, đã tổ chức đào tạo tập huấn, bồi dưỡng cho 3.119 lượt cán bộ công chức. Trong đó: giai đoạn 2001-2003, đã tổ chức bồi dưỡng cho 554 cán bộ; giai đoạn 2006-2008, tổ chức bồi dưỡng tin học cơ bản cho 193 cán bộ chủ chốt cấp tỉnh, huyện; giai đoạn 2006-2008, tổ chức bồi dưỡng cho 2.350 cán bộ công chức cấp huyện xã. Riêng trong năm 2010, có trên 2000 cán bộ xã, ấp và huyện  được đào tạo bồi dưỡng về phổ cập tin học để ứng dụng CNTT.  Ngoài ra tỉnh đã cử 22 cán bộ cấp tỉnh học đại học CNTT tại Ucraina năm 2002. Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức các lớp đào tạo cán bộ quản trị mạng cho 59 trường THPT trên toàn tỉnh. Tỉnh cũng đã thường xuyên cho phép tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn ngắn hạn cho cán bộ công chức, viên chức về ứng dụng phần mềm mã nguồn mở, thư điện tử, QLVB&HSCV.

      Nhận thức được tầm quan trọng của việc đảm bảo nguồn nhân lực CNTT cho các cơ quan nhà nước, vừa qua HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 160/2009/NQ-HĐND ban hành ngày 10 tháng 12 năm 2009 về chế độ trợ cấp thu hút đối với CBCC làm công tác công nghệ thông tin và cho một số đối tượng đặc thù khác, sau đó UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 10/2010/QĐ-UBND ngày 01/3/2010 quy định chế độ trợ cấp thu hút đối với cán bộ chuyên trách về CNTT trên địa bàn tỉnh. Việc thực hiện chế độ trợ cấp này dự kiến sẽ góp phần thu hút nguồn nhân lực về công nghệ thông tin cho tỉnh Đồng Nai đáp ứng nhu cầu cải cách hành chính và các quy định của trung ương trong lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử.

                                                                                Kim Chung