Đánh giá dự báo tác động của dự án Luật (Regulatory Impact Assessment –RIA): Một số nội dung cần quan tâm trong hoạt động lập pháp đối với đại biểu dân cử.

Đăng ngày: 15/05/2013
​Theo báo cáo của ông Faisal Naru - cố vấn Trưởng về cải cách thể chế dự án USAID/VNCI, tại một số nước đã và đang phát triển, RIA làm một công cụ không thể thiếu đối với quy trình làm luật, trong đó có Việt Nam. 

​      Ở Anh và một số nước Châu Âu, RIA là một yêu cầu bắt buộc khi đem dự luật ra xem xét thông qua. Các vị Bộ trưởng hoặc Thủ trưởng các cơ quan chịu trách nhiệm chính đối với các dự luật phải ký vào bản RIA luôn đi kèm cùng với dự luật. Về chất lượng, RIA luôn được xem xét đánh giá thường xuyên bởi một cơ quan chuyên môn về lập pháp. RIA là phương pháp đánh giá những tác động có thể xảy ra từ sự thay đổi chính sách hoặc pháp luật, được thực hiện trong quá trình làm luật, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật ban hành chính sách mới. RIA nghiên cứu, đánh giá, phân tích các giải pháp, lựa chọn chính sách, cung cấp cho các cơ quan có thẩm quyền, để họ có thể lựa chọn được giải pháp tốt nhất. RIA phân tích, xác định được chi phí và lợi ích của các giải pháp quản lý nhà nước, từ đó sử dụng các biện pháp hợp lý với chi phí thấp nhất trong quá trình làm luật và thực hiện luật, đồng thời cải thiện phối hợp chính sách giữa các Bộ và Chính phủ, giúp liên kết và thống nhất được các mục tiêu khác nhau của các chính sách khác nhau như kinh tế, xã hội, môi trường, qua đó đảm bảo tính đồng bộ của chính sách nhà nước. RIA giúp thay đổi văn hóa và tư duy quản lý nhà nước, giảm những can thiệp không cần thiết và các quy định mang tính hình thức, qua đó tăng cường trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước đối với dân chúng và xã hội, thúc đẩy văn hóa quản lý theo hướng phục vụ hơn là  kiểm soát và xây dựng một Chính phủ năng động; các phương pháp quản lý hợp lý hơn, phù hợp với điều kiện đã thay đổi. 

      Ở Việt Nam, trước khi ban hành một văn bản luật, các nhà lập pháp thường đưa ra lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân, sau đó tập hợp những ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân rồi tập hợp lại thành một điều luật chung trên cơ sở đã có sự điều chỉnh phù hợp với phong tục, tập quán và sự cần thiết ban hành luật để điều chỉnh những quy phạm xã hội. Khi văn bản Luật này được Quốc hội thông qua, chủ tịch nước công bố có hiệu lực thi hành thì bắt buộc mọi người phải thực hiện theo đúng những điều luật đã nêu. Theo kinh nghiệm các nước, cần ít nhất ba yêu cầu sau đây để áp dụng RIA vào quy trình làm luật​:

      Thứ nhất, cần đưa công đoạn RIA vào quy trình soạn thảo và ban hành các bản QPPL của quốc gia;.

      Thứ hai, cần thiết lập cơ quan độc lập với các bộ, có đủ năng lực và thẩm quyền, chuyên trách kiểm soát chất lượng của RIA do các cơ quan soạn thảo thực hiện. 

      Thứ ba, xây dựng và phát triển năng lực, kỹ năng tối thiểu về thực hiện RIA ở các bộ, cơ quan khác có liên quan đến quy trình soạn thảo văn bản pháp luật.

                                                                               Ngọc Hiền