Phối hợp của HĐND hai cấp trong quý III năm 2010

Đăng ngày: 15/05/2013
 ​Trong quý III năm 2010, thực hiện chương trình đã được Thường trực HĐND hai cấp nhất trí thông qua, hoạt động của HĐND tỉnh đã có sự phối hợp hiệu quả với HĐND cấp huyện trong thực hiện các nhiệm vụ theo đúng quy định của Luật tổ chức HĐND&UBND.  

​      ​Hoạt động kỳ họp của HĐND hai cấp có sự phối hợp chặt chẽ để đảm bảo chất lượng, yêu cầu thể hiện qua quá trình HĐND tỉnh tổ chức kỳ họp thường lệ (kỳ họp thứ 19), Thường trực HĐND cấp huyện cùng tham dự, đóng góp ý kiến tại các phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, các giải pháp đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ trong năm 2010 và các nội dung chuyên đề khác, từ đó góp phần vào việc ban hành các Nghị quyết của HĐND tỉnh. Sau kỳ họp của HĐND tỉnh, trên cơ sở những vấn đề đã được HĐND tỉnh xem xét thông qua và tình hình thực tế của địa bàn, HĐND cấp huyện đã tổ chức kỳ họp giữa năm theo đúng quy định; quá trình cấp huyện tổ chức kỳ họp, Thường trực, các Ban và các đại biểu HĐND tỉnh cùng bố trí tham dự và đóng góp ý kiến với nội dung, chương trình kỳ họp. Chuẩn bị cho kỳ họp thứ 20 HĐND tỉnh (kỳ họp chuyên đề) để quyết định các vấn đề liên quan đến công tác bố trí nhân sự và chế độ cho các chức danh cán bộ cấp xã, ấp (Công an xã, đội Dân phòng, các chức danh không chuyên trách khác), HĐND hai cấp có sự phối hợp trong việc trao đổi, nắm bắt các thông tin phục vụ cho việc lập báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh sát với tình hình thực tế và thuận lợi cho công tác triển khai thực hiện.

phoi hop quy III.jpg
Quang cảnh Hội nghị giao ban giữa Thường trực HĐND cấp tỉnh
 và cấp huyện được tổ chức vào ngày 19/10/2010

 

      Thường trực, các Ban và các tổ đại biểu HĐND cấp tỉnh và cấp huyện phối hợp xây dựng chương trình giám sát phù hợp, không trùng lắp; đại biểu HĐND cấp tỉnh tham gia giám sát với các đoàn của cấp huyện để góp phần nâng cao chất lượng giám sát. Một nội dung nổi bật, chủ yếu đã thực hiện trong quý và giám sát việc triển khai thực hiện Nghị định số 41/2010/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn được thống nhất cả về nội dung và cách thức tiến hành. Thường trực, các Ban HĐND tỉnh đã phối hợp với Thường trực, các Ban HĐND hai huyện Xuân Lộc và Tân Phú tổ chức khảo sát tại địa bàn; các huyện Cẩm Mỹ, Biên Hòa, Nhơn Trạch và Vĩnh Cửu đã tổ chức giám sát. Riêng Thường trực và Ban Kinh tế Xã hội HĐND các huyện Thống Nhất, Trảng Bom, Long Khánh, Long Thành và Định Quán sẽ triển khai giám sát trong quý IV năm 2010. Qua giám sát cho thấy, hiện nay trên địa bàn tỉnh, ngoài hệ thống NHNo&PTNT có các chi nhánh cấp II, cấp III tại các huyện, mạng lưới hoạt động của các điểm giao dịch ngân hàng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn cũng được phát triển với 1 sở giao dịch, 42 chi nhánh cấp I, 13 chi nhánh cấp II, 127 phòng giao dịch và 30 quỹ tín dụng nhân dân cơ sở, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn vay phát triển nông nghiệp, nông thôn.

      Tại các địa bàn tổ chức giám sát cho thấy cấp ủy, chính quyền và các ngành, đoàn thể tại địa phương đã nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, tổ chức quán triệt, tuyên truyền nội dung Nghị định số 41/2010/NĐ-CP đến nhân dân bằng nhiều hình thức phong phú, thiết thực như lồng ghép triển khai vào các Hội nghị, cuộc họp giao ban, sinh hoạt đoàn thể và phát thanh trên hệ thống đài truyền thanh huyện, xã; các xã đã thành lập Tổ hỗ trợ nông dân vay vốn, phối hợp với cán bộ tín dụng hướng dẫn nông dân thực hiện thủ tục vay vốn. Tuy nhiên, việc tổ chức triển khai thực hiện chính sách tín dụng mới theo Nghị định 41/2010/NĐ-CP, kể từ khi Nghị định có hiệu lực đến nay còn một số hạn chế như công tác tuyên truyền phổ biến, hướng dẫn các nội dung của Nghị định của các cấp, các ngành trong thời gian qua chưa thống nhất, đồng bộ và sâu rộng; hệ thống ngân hàng dù đã ban hành quy trình, thủ tục cho vay nhưng việc hướng dẫn, hỗ trợ thông tin cho người dân chưa cụ thể; một số ngân hàng thương mại trên địa bàn chưa quan tâm đến chính sách cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn…

      Giám sát trong lĩnh vực xây dựng cơ bản được Thường trực và Ban Kinh tế Ngân sách HĐND tỉnh phối hợp với cấp huyện tổ chức thực hiện với các nội dung cụ thể: đầu tư xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2006 - 2010 theo Nghị quyết của HĐND tỉnh; tái giám sát kết quả thực hiện kiến nghị sau giám sát đối với dự án Sơn Tiên và dự án khu đô thị sinh thái mở Long Hưng; giám sát việc triển khai dự án nạo vét suối Săn Máu tại địa bàn thành phố Biên Hòa, tình hình khắc phục ô nhiễm môi trường của Công ty Cổ phần chăn nuôi Phú Sơn. Quá trình giám sát đều mời đại diện Thường trực, Ban HĐND cấp huyện (có liên quan) tại địa bàn cùng tham dự giám sát; qua đó đã có những kiến nghị đối với việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, đảm bảo môi trường; sau giám sát, Thường trực HĐND tỉnh cũng đã nhận được những phản hồi từ cử tri (sau kỳ họp 19) đánh giá cao hiệu quả của hoạt động giám sát.

      Trong lĩnh vực Văn hóa Xã hội, HĐND hai cấp đã phối hợp trong khảo sát, giám sát việc đầu tư phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2001-2005-2010; khảo sát về đầu tư xây dựng, quản lý và sử dụng các cơ sở vui chơi, giải trí cho trẻ em; giám sát việc tổ chức thực hiện chính sách pháp luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; khảo sát việc thực hiện liên kết đào tạo trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Kết quả sau khảo sát, giám sát cho thấy: Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng, tỷ lệ huy động các cháu trong độ tuổi đi nhà trẻ chưa đạt mục tiêu; tỷ lệ trường đạt chuẩn Quốc gia còn quá thấp; công tác phối hợp trong thực hiện chính sách pháp luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài chưa được các ngành, các cấp quan tâm và thực hiện đúng quy định.

      Ban Pháp chế HĐND tỉnh phối hợp với Thường trực HĐND và Ban Pháp chế HĐND cấp huyện giám sát việc giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo cụ thể của công dân và hoạt động của các cơ quan tư pháp. Qua giám sát cho thấy chất lượng tiếp công dân ở cấp xã còn thấp, chưa thực hiện tốt việc giải thích vận động nhân dân thực hiện tốt các quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo; công tác tiếp dân của Lãnh đạo UBND và một số cơ quan chuyên môn chưa thường xuyên theo định kỳ, chưa gắn công tác tiếp công dân với việc giải quyết khiếu nại của công dân. Giám sát hoạt động tại Công an huyện Định Quán cho thấy công tác đấu tranh phòng chống tội phạm về kinh tế đã đạt được những kết quả quan trọng, quản lý tội phạm được thực hiện nghiêm túc tuy nhiên công tác phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ hiệu quả chưa cao, điều kiện đảm bảo cho hoạt động của Công an huyện còn hạn chế (kể cả điều kiện vật chất và đội ngũ cán bộ còn thiếu).

      Các tổ đại biểu Định Quán, Tân Phú phối hợp với Thường trực, các Ban HĐND các huyện giám sát tình hình quản lý, thu gom và xử lý rác thải; giám sát phát triển cây trồng vật nuôi chủ lực. Qua giám sát cho thấy công tác quản lý thu gom rác thải mặc dù có sự quán triệt từ huyện đến xã và được các ngành các cấp quan tâm tuy nhiên công tác thu gom chưa triệt để trong khi tiến độ về lập, trình hồ sơ quy hoạch và tổ chức thực hiện việc quy hoạch quản lý chất thải rắn còn chậm. Giám sát phát triển cây trồng vật nuôi chủ lực cho thấy kết quả sau 2 năm triển khai thực hiện, huyện Tân Phú đã xây dựng được vùng chuyên canh một số cây trồng chủ lực phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu của từng vùng; đã quy hoạch xây dựng vùng khuyến khích phát triển các trang trại chăn nuôi và cơ sở giết mổ tập trung. Tuy nhiên, qua khảo sát tại các xã cho thấy, diện tích các loại cây trồng chủ lực phân bổ không đồng đều, quy mô canh tác nhỏ lẻ, mức độ áp dụng khoa học kỹ thuật vào vật nuôi, cây trồng còn thấp, chưa hình thành vùng chuyên canh tập trung mang tính sản xuất hàng hóa lớn; việc bảo quản nông sản sau thu hoạch còn hạn chế; công tác xây dựng thương hiệu và quảng bá cho sản phẩm nông nghiệp triển khai chậm. 

      Trong quý III, Thường trực HĐND tỉnh cũng đã giao Ban Kinh tế Ngân sách HĐND tỉnh chủ động phối hợp với Thường trực HĐND huyện Định Quán tổ chức khảo sát việc triển khai thực hiện dự án Trạm bơm thác Ba Giọt tại địa bàn huyện Định Quán và đã được tổ chức thực hiện. Qua khảo sát cho thấy nguyên nhân của việc 2/3 máy bơm thuộc hệ thống trạm bơm hoạt động không tốt là do lắp đặt thiếu chính xác nhưng không được phát hiện và hiệu chỉnh kịp thời; hiện nay đã hoàn thành việc sửa chữa; còn 01 máy bơm đơn vị thi công tiếp tục sửa chữa. Qua khảo sát của HĐND hai cấp đã có những kiến nghị với Sở Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn xem xét và chỉ ra một số chi tiết cần được kiểm tra, rà soát để có đánh giá cụ thể từ đó kiến nghị đơn vị sử dụng và quản lý vận hành khắc phục để đảm bảo hiệu quả hoạt động của trạm bơm Ba Giọt. Theo nội dung đã thống nhất tại cuộc họp giao ban quý II, Thường trực HĐND Trảng Bom nghiên cứu, tổ chức giám sát công tác bồi thường đối với 18 hộ dân thuộc diện thu hồi đất để xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung tại KCN Bàu Xéo tại địa bàn Trảng Bom. Thực hiện nội dung này, Thường trực HĐND huyện Trảng Bom đã phối hợp với UBND huyện tổ chức họp để thống nhất cách giải quyết thu hồi phần diện tích đất còn lại của KCN Bàu Xéo.

      Hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND hai cấp là một nội dung phối hợp trong quý III. Thường trực HĐND tỉnh xây dựng kế hoạch và tổ chức cho đại biểu HĐND tỉnh phối hợp với đại biểu HĐND cấp huyện thực hiện tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 19 HĐND tỉnh để báo cáo với cử tri về kết quả kỳ họp; tuyên truyền, vận động cử tri thực hiện theo các Nghị quyết đã được kỳ họp thông qua; thu thập các ý kiến, nguyện vọng của cử tri đồng thời thông tin đến cử tri về kết quả giải quyết, trả lời các ý kiến, kiến nghị trước kỳ họp. Trong tiếp xúc, đại biểu HĐND hai cấp luôn chú trọng việc giải thích, trả lời với cử tri những vấn đề đại biểu biết rõ.

      Trong xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, Thường trực và các Ban HĐND tỉnh đã nhận 140 đơn và xử lý theo đúng quy chế hoạt động của HĐND trong đó chuyển trực tiếp đến cơ quan có thẩm quyền đề nghị giải quyết 36 đơn (đồng thời gửi văn bản đến Thường trực HĐND thuộc địa bàn để phối hợp đôn đốc, giám sát). 

      Thường trực HĐND hai cấp hoàn thành việc xây dựng báo cáo tổng kết hoạt động HĐND các cấp cả nhiệm kỳ 2004 – 2011 từ đó rút ra những kinh nghiệm và kiến nghị cho hoạt động HĐND các cấp nhiệm kỳ sau cả về cơ cấu tổ chức, công tác phối kết hợp và phương thức hoạt động đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương. Phối hợp với Thường trực HĐND huyện Thống Nhất trong việc xây dựng báo cáo tình hình, kết quả tổ chức thí điểm Ban HĐND cấp xã tại Hội nghị tổng kết cả nhiệm kỳ hoạt động HĐND và UBND các cấp do Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Chính phủ tổ chức tại Hà Nội. Thường trực HĐND tỉnh xây dựng kế hoạch và phối hợp với Thường trực HĐND cấp huyện thực hiện việc mở rộng cung cấp thông tin đến HĐND cấp huyện, cấp xã; triển khai quy trình lấy ý kiến đóng góp của nhân dân về thực hiện công vụ của các chức danh công chức cấp xã, phường, thị trấn (thực hiện trong tháng 10 năm 2010).

      Với những kết quả trên cho thấy phối hợp giữa HĐND hai cấp trong quý III gồm nhiều nội dung khác nhau, thể hiện tính đa dạng phù hợp với thời điểm nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, hiệu quả và tiếp tục củng cố, tạo đà cho sự gắn kết hoạt động của HĐND cấp tỉnh, cấp huyện trong những khoảng thời gian còn lại của nhiệm kỳ 204-2011.

                                                                              Ngô Trọng Phúc