Vào thời điểm 01/01/2001, toàn tỉnh có 68 Doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, với quy mô vốn 1.309.619 triệu đồng và tỷ trọng vốn vay/vốn chủ sở hữu là 99,24%. Trong đó, kết cấu ngành nghề gồm: sản xuất công nghiệp, xây dựng 25 doanh nghiệp; sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, chăn nuôi: 20 doanh nghiệp; kinh doanh thương mại, dịch vụ, du lịch: 20 doanh nghiệp; kinh doanh vận tải, dịch vụ vận tải: 02 và kinh doanh tài chính: 01 doanh nghiệp. Trong năm 2001 có 57 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đạt lãi 251.136 triệu đồng và 11 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh bị thu lỗ 47.635 triệu đồng. Khi chuyển sang cơ chế thị trường, nhiều doanh nghiệp đã thích ứng và hoạt động có hiệu quả; cơ cấu, quy mô được điều chỉnh phù hợp, trình độ quản lý bước đầu có tiến bộ. Tuy nhiên, quy mô doanh nghiệp nhỏ, công nghệ lạc hậu, chậm đầu tư đổi mới, hiệu quả sản xuất, kinh doanh thấp, sức cạnh tranh yếu, tốc độ phát triển không cao; bên cạnh đó, một số doanh nghiệp còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
Thực hiện Nghị quyết TW3, Nghị quyết TW9 (khóa IX) và Nghị quyết Đại hội X của Đảng về sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả DNNN, tỉnh chỉ đạo các ngành liên quan nghiên cứu, quán triệt các nội dung cơ bản của Nghị quyết. Theo đó, tỉnh đã xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy và triển khai thực hiện Đề án tổng thể sắp xếp DNNN thuộc tỉnh giai đoạn 2003 - 2006 và giai đoạn 2007 - 2009 theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ. Số lượng doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước sắp xếp theo hình thức: chuyển thành Công ty TNHH một thành viên 10 doanh nghiệp; cổ phần hóa 50 doanh nghiệp; chuyển thành đơn vị sự nghiệp có thu 10 doanh nghiệp; sát nhập, hợp nhất 12 doanh nghiệp; giao khoán kinh doanh 02 doanh nghiệp; giao cho tập thể người lao động 01 doanh nghiệp; giải thể 05 doanh nghiệp và phá sản 01 doanh nghiệp. Tổng vốn điều lệ ban đầu của 50 công ty cổ phần là 2.093.763 triệu đồng; trong đó, phần vốn nhà nước nắm giữ là 1.410.149 triệu đồng, chiếm 67,35% trên vốn điều lệ. Đến thời điểm 30/6/2010, tổng vốn điều lệ của 50 công ty cổ phần là 2.407.859 triệu đồng; trong đó, phần vốn nhà nước nắm giữ là 1.521.044,53 triệu đồng, chiếm 63,17% trên vốn điều lệ. Các doanh nghiệp đã xử lý khá tốt nợ tồn đọng trước và sau khi sắp xếp; sử dụng Quỹ hỗ trợ và sắp xếp doanh nghiệp đúng hướng dẫn của Bộ Tài chính. Qua sắp xếp, đổi mới DNNN, bước đầu tỉnh đã điều chỉnh lại cơ cấu ngành nghề của các doanh nghiệp, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế địa phương; trong đó, tập trung vào những ngành, lĩnh vực then chốt, địa bàn quan trọng, chiếm thị phần lớn đối với các sản phẩm, dịch vụ thiết yếu. Tổng số vốn huy động khi thực hiện cổ phần hóa của 50 doanh nghiệp là 683.613 triệu đồng, chiếm 32,65% trên vốn điều lệ.
Quang cảnh Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện sắp xếp,
cổ phần hóa DNNN trên địa bàn tỉnh.
Sắp xếp lại DNNN, đặc biệt là cổ phần hóa doanh nghiệp, đồng nghĩa với việc chuyển đổi từ hoạt động theo Luật DNNN sang Luật Doanh nghiệp, tạo nên bộ máy quản lý năng động và tính chủ động được phát huy, không còn lệ thuộc vào cơ chế “xin-cho”. Sau khi chuyển sang hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, đa số doanh nghiệp sắp xếp, cơ cấu lại lao động phù hợp với tình hình mới theo hướng nâng cao năng suất lao động, đi đôi nâng cao tay nghề lao động trực tiếp và nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ quản lý. Nhìn chung, các DNNN sau khi sắp xếp, cổ phần hóa, hoạt động sản xuất kinh doanh đều phát triển, đạt hiệu quả cao, có tăng trưởng về nguồn vốn, tiếp cận được thị trường, chủ động trong sản xuất kinh doanh, nộp ngân sách và thu nhập người lao động ngày càng tăng, tạo sự ổn định cho doanh nghiệp cũng như ổn định thu nhập của người lao động. Các doanh nghiệp sau khi sắp xếp, cổ phần hóa thông qua Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên đã tập trung và quyết định nhanh các vấn đề về đầu tư, thị trường; đồng thời, tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của Hội đồng quản trị và Ban giám đốc được nâng cao…
Đến thời điểm 30/6/2010, toàn tỉnh có 11 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, trong đó Tổ hợp Tổng công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai có 05 doanh nghiệp; Tổ hợp Tổng công ty Phát triển KCN (Sonadezi) có 02 doanh nghiệp; Tổ hợp Công ty Chế biến XNK nông sản thực phẩm Đồng Nai có 01 doanh nghiệp và 03 doanh nghiệp hoạt động độc lập thuộc nhóm khác. Lĩnh vực hoạt động của 11 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước nói trên gồm: sản xuất công nghiệp, xây dựng 04 doanh nghiệp; sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp: 03 doanh nghiệp; kinh doanh thương mại, dịch vụ, du lịch: 03 và kinh doanh tài chính: 01 doanh nghiệp. Các Tổ hợp và các công ty nhà nước đã phát huy vai trò nòng cốt, đầu tàu trong việc thực hiện các mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế-xã hội theo chủ trương, Nghị quyết của Tỉnh ủy và kế hoạch của UBND tỉnh. Hiện nay, UBND tỉnh đang giao Tổng công ty Phát triển KCN (Sonadezi) thực hiện các dự án lớn về đầu tư cơ sở hạ tầng như: Dự án Đô thị công nghiệp Châu Đức, dự án Chung cư đường Nguyễn Văn Trỗi (Tp. Biên Hòa), dự án chuyển đổi công năng Biên Hòa I, dự án Khu liên hợp xử lý chất thải Quang Trung (Thống Nhất)…; giao Tổng công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai và Công ty Chế biến XNK nông sản thực phẩm Đồng Nai thực hiện các dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn như: dự án Khu liên hợp công nông nghiệp Dofico, dự án Du lịch và dân cư Bửu Long, Khu đô thị Tam Phước…
Qua 10 năm thực hiện công tác sắp xếp, cổ phần hóa DNNN trên địa bàn tỉnh vẫn còn những tồn tại, vướng mắc như: trong giai đoạn đầu, một bộ phận các sở, ngành và DNNN nhận thức chưa thật đầy đủ về yêu cầu khách quan cần đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN nên còn chần chừ, chưa quyết tâm trong tổ chức thực hiện; một số cơ chế, chính sách của Nhà nước dù đã ban hành nhưng chậm sửa đổi, bổ sung kịp thời cho phù hợp với điều kiện mới; hiệu quả hoạt động của một số DNNN, nhất là các DNNN hoạt động thuộc lĩnh vực xuất nhập khẩu, thu mua chế biến nông sản còn thấp; đầu tư của các doanh nghiệp còn dàn trải, việc phát triển một số ngành nghề mới không liên quan đến ngành nghề chính của doanh nghiệp, dẫn đến phân tán nguồn vốn và chứa đựng nhiều rủi ro trong kinh doanh…
Trong giai đoạn 2011-2015, kế hoạch sắp xếp doanh nghiệp 100% vốn nhà nước của tỉnh là sẽ thành lập Tập đoàn kinh tế Đồng Nai trên cơ sở các doanh nghiệp hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con; cổ phần hóa 04 doanh nghiệp, gồm: Nhà máy Chế biến thực phẩm Đồng Nai, Tổng công ty Phát triển KCN (Sonadezi), Công ty Chế biến XNK nông sản thực phẩm Đồng Nai và Công ty TNHH MTV Xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng Biên Hòa. Để thực hiện kế hoạch nói trên, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về sắp xếp, đổi mới DNNN đến tất cả các cấp, các ngành và doanh nghiệp; quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản trị doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu thực tiễn; tái cấu trúc doanh nghiệp trên cơ sở đầu tư phát triển, đổi mới công nghệ, máy móc thiết bị sản xuất đối với các doanh nghiệp thuộc các ngành, lĩnh vực then chốt, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh của doanh nghiệp trong quá trình sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp; kiến nghị các Bộ, ngành TW và Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số cơ chế, chính sách liên quan, tạo môi trường pháp lý đồng bộ, thuận lợi cho DNNN hoạt động, cũng như tạo sự cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác; đồng thời, tiếp tục đổi mới công tác quản lý nhà nước để các DNNN hoạt động có hiệu quả.
Thùy Trang