Kết quả 10 năm thực hiện Quyết định số 67/1999/QĐ-TTg về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Đăng ngày: 15/05/2013
​Theo báo cáo của Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh (NHNo&PTNT), sau khi Quyết định số 67/1999/QĐ-TTg ngày 30/3/1999 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách tín dụng ngân hàng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn được ban hành, Chi nhánh đã bám sát chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ngân hàng Nhà nước và NHNo&PTNT Việt Nam xây dựng các giải pháp thực hiện phù hợp, mang lại kết quả cao cho hoạt động ngân hàng và góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế địa phương.

​      ​Mười năm qua, Chi nhánh NHNo&PTNT tỉnh luôn là một trong những ngân hàng thương mại có thị phần lớn nhất về nguồn vốn huy động và dư nợ trên địa bàn, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Nếu như cuối năm 2000, tổng nguồn vốn huy động chỉ đạt 1.115 tỷ đồng thì đến 30/6/2010 tổng nguồn vốn huy động đạt 9.979 tỷ đồng, tăng bình quân 806 tỷ đồng/năm. 

   Ngày 24/02/2003, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 03/2003/TT-NHNN hướng dẫn về cho vay không phải đảm bảo bằng tài sản theo Nghị quyết số 02/2003/NQ-CP ngày 17/01/2003 của Chính phủ. Nội dung Thông tư cho phép các tổ chức tín dụng chủ động lựa chọn và tự chịu trách nhiệm về việc cho vay không đảm bảo bằng tài sản. Trên cơ sở đó, Chi nhánh NHNo&PTNT tỉnh và các chi nhánh trực thuộc đã vận dụng linh hoạt Thông tư này để cho nông dân vay vốn. Với mạng lưới gồm 13 chi nhánh loại III và 26 phòng giao dịch được phân bổ rộng khắp, kể cả các huyện, xã vùng sâu, vùng xa; qui mô đầu tư tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn luôn tăng trưởng qua các năm. Cụ thể, dư nợ nông nghiệp, nông thôn của toàn chi nhánh năm 2000 đạt 647 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 53% trên tổng dư nợ) đến 30/6/2010 đạt 2.972 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 44% trên tổng dư nợ), tăng bình quân 211 tỷ đồng/năm. Trong đó, dư nợ đầu tư kinh tế trang trại đến 30/6/2010 đạt 248 tỷ đồng, tăng bình quân 18 tỷ đồng/năm và dư nợ cho vay không đảm bảo tài sản khu vực nông nghiệp, nông thôn đến 30/6/2010 đạt 1.189 tỷ đồng, tăng bình quân 85 tỷ đồng/năm.

      Trong việc phối hợp với Hội Nông dân và Hội Phụ nữ, sau khi các Nghị quyết liên tịch số 2308/NQLT-1999; số 02/NQLT-2000 giữa NHNo&PTNT Việt Nam với Hội Nông dân VN và Hội Liên hiệp Phụ nữ VN được ký kết, Chi nhánh NHNo&PTNT tỉnh đã ký kết chương trình phối hợp với Hội Nông dân tỉnh và Hội LHPN tỉnh; đồng thời, chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng phối hợp Hội Nông dân, Hội LHPN và các tổ chức đoàn thể địa phương thành lập các tổ vay vốn ngân hàng nhằm khơi thông nguồn vốn tín dụng đến với hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn, nhất là đối với nông nghiệp, nông thôn. Trong 10 năm, dư nợ cho vay thông qua tổ vay vốn do Hội Nông dân thành lập tăng từ 18 tỷ đồng (452 tổ và 5.422 lượt hộ vay vốn) lên 73 tỷ đồng (474 tổ và 3.313 lượt hộ vay vốn); dư nợ cho vay thông qua tổ vay vốn do Hội Phụ nữ thành lập tăng từ 07 tỷ đồng (204 tổ và 3.901 lượt hộ vay vốn) lên 12 tỷ đồng (156 tổ và 671 lượt hộ vay vốn).

      Về thực hiện gói kích cầu của Chính phủ, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, trong năm 2009, Chi nhánh NHNo&PTNT tỉnh đã cho vay hỗ trợ lãi suất cho 39.104 khách hàng với doanh số cho vay là 2.090,26 tỷ đồng, trong đó lãi suất đã hỗ trợ là 54,69 tỷ đồng. Năm 2010, Chi nhánh NHNo&PTNT tỉnh tiếp tục cho vay hỗ trợ lãi suất theo các Quyết định 2072/QĐ-TTg và 2213/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. 

ket qua 10 nam.jpg
Ông Trần Minh Phúc – PCT. UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định số 67/QĐ-TTg.​ 

    Phát biểu tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định số 67/1999/QĐ-TTg, PCT. UBND tỉnh Trần Minh Phúc ghi nhận, đánh giá cao vai trò của NHNo&PTNT, đồng thời biểu dương đóng góp của các tổ chức đoàn thể, nhất là Hội Nông dân và Hội Phụ nữ trong việc triển khai thực hiện Quyết định số 67/1999/QĐ-TTg. 

      Ngày 12/4/2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 41/2010/NĐ-CP - đánh dấu sự thay đổi quan trọng trong chính sách của Nhà nước đối với tín dụng nông nghiệp, nông thôn, phù hợp với tình hình mới và cơ bản khắc phục được những bất cập của Quyết định số 67/199/QĐ-TTg sau hơn 10 năm thực hiện. Để tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị định số 41/2010/NĐ-CP, PCT. UBND tỉnh Trần Minh Phúc đề nghị ngành ngân hàng phải quán triệt ý nghĩa và tầm quan trọng của Nghị định số 41/2010/NĐ-CP trong toàn hệ thống ngân hàng; tiếp tục phối hợp các tổ chức đoàn thể và chính quyền địa phương các cấp tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng nội dung chính sách này; hoàn thiện các hướng dẫn về trình tự, thủ tục cho vay theo hướng tạo thuận lợi để nông dân tiếp cận nguồn vốn vay; thường xuyên kiểm tra, đảm bảo đủ nguồn vốn phục vụ cho nông nghiệp, nông thôn. Ông Phúc cũng đề nghị UBMTTQ và các đoàn thể chủ động triển khai Nghị định số 41/2010/NĐ-CP đến các hội viên, đoàn viên biết và thực hiện; phối hợp với các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện toàn bộ hoặc một số khâu trong nghiệp vụ tín dụng; giám sát và hỗ trợ các tổ chức, cá nhân được bảo lãnh trong việc sử dụng vốn vay và trả nợ đúng hạn nhằm phát huy hiệu quả vốn vay, nâng cao đời sống nông dân và dân cư ở nông thôn.

                                                                                 Thùy Trang