Điều chỉnh, bổ sung một số điều Nghị quyết 125/2008/NQ-HĐND ngày 05/12/2008 của HĐND tỉnh về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2010, định hướng đến năm 2020.

Đăng ngày: 15/05/2013
​Thực hiện Nghị quyết số 125/2008/NQ-HĐND ngày 05/12/2008 của HĐND tỉnh, những năm qua công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh đã huy động được sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội. 

​      Nhiều nhiệm vụ, giải pháp đã được các ngành, các cấp triển khai thực hiện đồng bộ và đã đạt một số kết quả nhất định, góp phần giảm thiểu ô nhiễm và cải thiện chất lượng môi trường trên địa bàn:

      - Đã cơ bản hoàn thành 5/6 nhóm mục tiêu của giai đoạn đến năm 2010.

      - Các dự án tổng thể về bảo vệ môi trường được triển khai lồng ghép đồng bộ trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương, từ đó đề xuất các giải pháp phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. 

      - Công tác tuyên truyền, giáo dục chính sách, pháp luật, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường ngày càng được nhân rộng, đạt hiệu quả. Qua đó, ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của các cấp, các ngành, các tổ chức và các tầng lớp nhân dân đã từng bước được nâng lên. Công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường luôn được tăng cường; tập trung kiện toàn tổ chức, bộ máy của các cơ quan quản lý môi trường, phát huy vai trò của lực lượng cảnh sát phòng chống tội phạm môi trường; tổ chức hoạt động Quỹ bảo vệ môi trường của tỉnh đi vào nề nếp; hoạt động quan trắc môi trường được nâng cao cả về khối lượng và tần suất quan trắc, kịp thời nắm bắt, dự báo được diễn biến môi trường trên địa bàn tỉnh. 

      - Công tác thanh tra, kiểm tra về môi trường tập trung thực hiện có trọng tâm, trọng điểm và đẩy mạnh công tác hậu kiểm. Chú trọng giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường ở các KCN; thực hiện thanh, kiểm tra và xử lý các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường ở các cơ sở sản xuất, đặc biệt là các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, các cơ sở sản xuất khu vực sông Thị Vải.

      - Công tác bảo vệ môi trường đô thị, nông thôn tiếp tục được quan tâm đầu tư, tỷ lệ hộ đô thị sử dụng nước sạch tăng lên hàng năm, đến năm 2009 đạt 96%, tỷ lệ hộ nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 85,6%. Công tác quy hoạch: thoát nước và xử lý nước thải tập trung cho các đô thị; vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi và các cơ sở giết mổ tập trung đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 trên địa bàn các huyện, thị xã Long Khánh đã được xây dựng và từng bước được tổ chức triển khai thực hiện. Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được quản lý chặt chẽ, ngày càng có hiệu quả, tình hình phá rừng, cháy rừng được hạn chế.

      Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả thực hiện, còn có những  tồn tại, hạn chế: 

      - Về mục tiêu, 30-40% các khu đô thị có hệ thống thoát nước và xử lý nước thải tập trung chưa đạt được mục tiêu Nghị quyết, trong đó dự án thoát nước và xử lý nước thải thành phố Biên Hòa giai đoạn 1 đang chờ vốn ODA, hệ thống thoát nước và xử lý nước thải thành phố mới Nhơn Trạch đang triển khai. 100% KCN có hệ thống xử lý nước thải tập trung, đến nay có 19/21 KCN đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung, đạt 90,5% chưa đạt mục tiêu Nghị quyết. Việc cải tạo 50% kênh mương, đoạn sông, suối chảy qua các đô thị đã bị ô nhiễm nặng chưa thực hiện được. 

      - Về nhiệm vụ, hệ thống thoát nước và xử lý nước thải tập trung ở các đô thị chưa được triển khai xây dựng; tiến độ triển khai xây dựng các khu xử lý chất thải rắn thông thường và chất thải nguy hại trên địa bàn tỉnh còn chậm. Tỷ lệ thu gom các loại chất thải đạt chỉ tiêu nhưng xử lý chưa đạt yêu cầu, đang gây ra áp lực lớn trong việc xử lý chất thải rắn thông thường và chất thải nguy hại phát sinh trên địa bàn. Công tác thanh tra, kiểm tra mặc dù được tăng cường, nhưng việc tuân thủ quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp vẫn còn hạn chế, chưa thực hiện đầy đủ các yêu cầu bảo vệ  môi trường dẫn đến tồn tại các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; việc xử lý một số cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng còn chậm và chưa triệt để.

      Nguyên nhân những tồn tại, hạn chế là do hệ thống văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường chưa đồng bộ, các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật về bảo vệ môi trường chưa đáp ứng quá trình phát triển công nghiệp hóa, đô thị hóa của tỉnh nhà; cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu ảnh hưởng đến việc đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật về môi trường và các hạng mục công trình xử lý chất thải của các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các ngành, các cấp trong công tác bảo vệ môi trường chưa chặt chẽ, đồng bộ; đội ngũ cán bộ quản lý môi trường còn hạn chế, năng lực của một bộ phận cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; nhận thức về lợi ích bảo vệ môi trường, về vệ sinh môi trường của cộng đồng còn hạn chế. 

dieu chinh de an bvmt.jpg
Ông Võ Văn Chánh – PGĐ. Sở Tài nguyên và Môi trường thông qua
Tờ trình tại kỳ họp thứ 21 – HĐND tỉnh khóa VII​
 

      Như vậy, quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 125/2008/NQ-HĐND của HĐND tỉnh trong bối cảnh chịu sự tác động khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế toàn cầu, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các cấp nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức để đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần  đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đi đôi với bảo vệ môi trường. Song trong quá trình phát triển đã phát sinh những tác động ảnh hưởng đến môi trường. Dù Đồng Nai đã triển khai nhiều biện pháp trong công tác quản lý, bảo vệ môi trường nhưng trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều thách thức về vấn đề này. 

      Chính vì vậy, việc HĐND tỉnh khóa VII – kỳ họp thứ 21 thông qua Nghị quyết về số 195/2010/NQ-HĐND ngày 09/12/2010 về điều chỉnh, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 125/2008/NQ-HĐND ngày 05/12/2008 của HĐND tỉnh về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 là cần thiết, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh giai đoạn 2011-2015, nhằm mục tiêu phát triển kinh tế tỉnh với tốc độ tăng trưởng cao, bền vững, đồng thời xây dựng Đồng Nai thành tỉnh cơ bản công nghiệp hóa, hiện đại hóa vào năm 2015 theo Nghị quyết Đại hội Đại biểu lần thứ IX Đảng bộ tỉnh Đồng Nai.

                                                                                Thùy Trang