Tính từ năm 2008 đến nay, tổng số cơ sở thuộc danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và gây ô nhiễm môi trường do UBND tỉnh phê duyệt là 123 cơ sở, gồm 78 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và 45 cơ sở gây ô nhiễm môi trường.
Kết quả thực hiện các biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường trong thời gian qua như sau: Đối với 103 cơ sở nhóm 1 (theo Quyết định số 333/QĐ-UBND, Quyết định số 3705/QĐ-UBND và Quyết định số 3706/QĐ-UBND), có 98/103 cơ sở chấp hành việc khắc phục ô nhiễm. Trong đó, có 20 cơ sở đã được chứng nhận hoàn thành xử lý triệt để ô nhiễm môi trường; 41 cơ sở đã lập hồ sơ đề nghị chứng nhận và 37 cơ sở đang thực hiện biện pháp khắc phục. Riêng 05 cơ sở không chấp hành thực hiện biện pháp khắc phục triệt để là: Công ty Cổ phần Long Bình, Công ty TNHH MTV Chế biến súc sản Long Bình, Công ty Hữu hạn công nghiệp Hồng Đạt, Công ty Cổ phần chăn nuôi Phú Sơn và Công ty TNHH Viết Hậu. Đối với 20 cơ sở nhóm 2 (theo Quyết định số 3931/QĐ-UBND của UBND tỉnh), hiện có 01 cơ sở (Công ty TNHH Cự Hùng) lập hồ sơ đề nghị chứng nhận hoàn thành xử lý triệt để ô nhiễm môi trường và 08 cơ sở có báo cáo phương án khắc phục.
Như vậy, đã có 98 cơ sở chấp hành việc khắc phục ô nhiễm môi trường với tổng kinh phí đầu tư cho việc khắc phục khoảng 805 tỷ đồng. Trong đó, 43 cơ sở thực hiện cải tạo, đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải (HTXLNT); 24 cơ sở thực hiện cải tạo, đầu tư xây dựng HTXLNT và khí thải; 10 cơ sở thực hiện cải tạo, đầu tư xây dựng HTXL khí thải và đấu nối nước thải vào HTXLNT tập trung của KCN; 20 cơ sở thực hiện đấu nối nước thải vào HTXLNT tập trung KCN và 01 cơ sở thực hiện việc di dời đến địa điểm khác.
Về khó khăn, tồn tại cần tháo gỡ trong quá trình triển khai thực hiện việc phân loại và quyết định danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường, đó là Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa có văn bản hướng dẫn về tiêu chí và hồ sơ thủ tục để chứng nhận hoàn thành xử lý ô nhiễm triệt để đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường theo Thông tư số 07/2007/TT-BTNMT. Bên cạnh đó, giới hạn một số thông số ô nhiễm nước thải như độ màu, tổng nitơ, tổng phospho, amoni, coliform theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường hiện tại còn khắt khe. Để xử lý triệt để các thông số trên, các cơ sở gây ô nhiễm môi trường phải đầu tư công trình xử lý môi trường với chi phí khá lớn, trong khi các cơ sở khó có thể thực hiện trong thời điểm hiện nay, nhất là do tác động của tình hình suy thoái kinh tế trong thời gian qua. Hiện Sở Tài nguyên và Môi trường đang kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, quy định thống nhất việc phân loại cơ sở gây ô nhiễm môi trường căn cứ vào mức độ vi phạm theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về môi trường, từ đó thống nhất hoặc quy định cụ thể việc áp dụng các cột A, cột B, hệ số Kq (hệ số theo lưu nguồn tiếp nhận nước thải) đối với các địa phương cùng trên lưu vực hệ thống sông Đồng Nai. Về tiêu chí phân loại cơ sở gây ô nhiễm môi trường, Sở cũng đề nghị bổ sung các mức lưu lượng thải (nước thải, khí thải) cụ thể cho từng tiêu chí phân loại để đảm bảo tính khách quan và cũng là cơ sở pháp lý để quy trách nhiệm bồi thường thiệt hại do gây ô nhiễm làm suy thoái môi trường.
Về phía trách nhiệm của địa phương, trên cơ sở kiến nghị của Sở Tài nguyên Môi trường, ngày 29/11/2010 Chủ tịch UBND tỉnh đã có văn bản chấp thuận điều chỉnh thời hạn để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và cơ sở gây ô nhiễm môi trường theo các Quyết định số 333/QĐ-UBND ngày 11/02/2009, Quyết định số 3705/QĐ-UBND và Quyết định số 3706/QĐ-UBND ngày 11/12/2009 hoàn thành xử lý triệt để ô nhiễm môi trường trước ngày 31/12/2010. UBND tỉnh cũng giao trách nhiệm cho Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên qua tiếp tục kiểm tra việc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường của các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và cơ sở gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn các cơ sở đã xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường lập hồ sơ chứng nhận cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đã hoàn thành xử lý triệt để theo quy định; đồng thời xử lý vi phạm đối với những cơ sở không chấp hành việc thực hiện các biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường theo quy định tại Nghị định số 117/2009/NĐ-CP ngày 31/12/2009 của Chính phủ về xử phạt vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Thùy Trang