Một số thông tin kinh tế xã hội năm 2010 của tỉnh Đồng Nai.

Đăng ngày: 15/05/2013
​Thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 27/01/2010 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh (Khóa VII) và Nghị quyết số 152/2009/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh về mục tiêu, giải pháp thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh năm 2010. 

​      ​Mặc dù năm 2010 gặp không ít khó khăn, thách thức do biến động giá cả thị trường ảnh hưởng đến sản xuất của doanh nghiệp và đời sống của nhân dân; hạn hán kéo dài ảnh hưởng đến tiến độ gieo trồng và dịch heo tai xanh ảnh hưởng đấn chăn nuôi, nhưng với sự phấn đấu tích cực của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng đảm bảo mục tiêu đề ra.

     Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng 13,5% so với năm 2009, vượt mục tiêu Nghị quyết Tỉnh ủy và HĐND tỉnh đề ra (mục tiêu Nghị quyết tăng 12%). Trong đó, ngành công nghiệp – xây dựng tăng 14,7%; ngành dịch vụ tăng 14,7%; ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,9%. Quy mô GDP theo giá thực tế là 75.650 tỷ đồng. GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành là 1.629 USD, đạt mục tiêu Nghị quyết. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: công nghiệp - xây dựng chiếm 57,2%; dịch vụ chiếm 34,2%; nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 8,6%, phù hợp mục tiêu Nghị quyết.

      Kết quả thực hiện năm 2010 cho thấy, kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng cao, sản xuất kinh doanh phát triển mạnh nhất là lĩnh vực công nghiệp tăng 17% và dịch vụ tăng 14,7%. Thị trường xuất khẩu năm 2010 khá tốt thể hiện qua giá trị kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn đạt 7,1 tỷ USD, tăng 20,5% so cùng kỳ. Toàn tỉnh thực hiện khá tốt các gói kích cầu hỗ trợ doanh nghiệp năm 2009, 2010; lãnh đạo tỉnh, huyện đã quan tâm tổ chức nhiều buổi gặp gỡ doanh nghiệp để nghe phản ánh khó khăn vướng mắc và kịp thời tháo gỡ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn tăng cao với trên 2.031 doanh nghiệp. Tình hình giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách có tập trung đảm bảo tiến độ. Giải ngân vốn FDI tăng so với mức thực hiện năm 2008 thể hiện sự phục hồi dần của các doanh nghiệp nước ngoài sau thời kỳ suy giảm kinh tế. Thu ngân sách vượt 27,5% dự toán Trung ương giao. Công tác bảo vệ môi trường có nhiều chuyển biến tích cực, đến cuối năm 2010 toàn tỉnh có 19/21 khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn. Công tác cải cách hành chính và phòng chống tham nhũng, chống lãng phí được đẩy mạnh và có tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ. Đời sống các tầng lớp dân cư được cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 6,23%; an sinh – xã hội được chăm lo tốt hơn. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

      Bên cạnh những kết quả đạt được, trong năm 201 còn một số tồn tại, hạn chế chủ yếu cần quyết tâm khắc phục trong năm 2011: kinh tế tăng trưởng cao nhưng chưa thật sự bền vững do biến động bất thường của thiên nhiên và dịch bệnh gia súc làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp; sức cạnh tranh của hàng hóa nội địa còn thấp; tốc độ tăng trưởng ngành nông lâm–thủy sụt giảm. Nguồn vốn đầu tư và hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của kinh tế - xã hội. Việc cung ứng điện không đảm bảo, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và sinh hoạt của nhân dân. Công tác bồi thường và giải phóng mặt bằng, xây dựng khu tái định cư còn chậm, là trở ngại lớn đối với việc tiển khai các dự án đầu tư. Công tác bảo vệ môi trường tuy có tập trung chỉ đạo thực hiện nhưng vẫn còn tồn tại nhiều bất cập. Các loại tội phạm diễn biến phức tạp, đặc biệt là tội phạm trong lứa tuổi thanh thiếu niên có chiều hướng gia tăng; nhiều vấn đề xã hội bức xúc chậm được giải quyết, nhất là lĩnh vực về đất đai. 

                                                                       Ngô Trọng Phúc