Đánh giá của đại biểu về hoạt động của HĐND nhiệm kỳ 2004-2011

Đăng ngày: 16/05/2013
​Tại kỳ họp tổng kết nhiệm kỳ, HĐND tỉnh Đồng Nai đã dành đến một phần ba thời gian để các dại biểu thảo luận về báo cáo tổng kết nhiệm kỳ, đánh giá về hoạt động đại biểu cũng như việc đưa ra những đề xuất, kiến nghị đối với địa phương và hoạt động của HĐND trong thời gian tới.

​     Các ý kiến phát biểu tại kỳ họp đều đánh giá cao hoạt động của HĐND, của đại biểu HĐND tỉnh. Nhiệm kỳ 2004-2011, hầu hết đại biểu HĐND tỉnh hoạt động kiêm nhiệm trong khi công việc chuyên môn của đại biểu rất lớn ảnh hưởng đến thời gian, công sức tham gia hoạt động HĐND, mặt khác do nhiệm kỳ kéo dài 7 năm, một số đại biểu nghỉ hưu, chuyển công tác khác đã ảnh hưởng nhất định đến hoạt động đại biểu. Tuy nhiên, nhìn lại 7 năm hoạt động, bằng những nỗ lực, cố gắng, tinh thần đổi mới dám nghĩ, dám làm, HĐND tỉnh Đồng Nai khóa VII tự hào báo cáo với cử tri: HĐND tỉnh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, kiến nghị nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn trong công tác điều hành ở địa phương, các Đại biểu HĐND tỉnh đã hoàn thành tốt nhiệm vụ mà cử tri tin tưởng giao phó. 

      Trong số các ý kiến phát biểu, có đại biểu nhấn mạnh đến việc HĐND tỉnh rất quan tâm thực hiện lời hứa của các ngành, của UBND tỉnh Để có được sự đánh giá này, nhiệm kỳ qua đặc biệt từ năm 2009, HĐND tỉnh giao trách nhiệm cho Thường trực HĐND trước mỗi kỳ họp thường lệ tổ chức rà soát kết quả thực hiện các lời hứa của Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành tại kỳ họp trước, báo cáo kết quả tại kỳ họp HĐND tỉnh.  

      Ý kiến khác quan tâm đối với hình thức giám sát của tổ đại biểu HĐND tỉnh thực hiện theo Đề án thí điểm “Nâng cao chất lượng hoạt động và tổ chức giám sát của tổ đại biểu HĐND tỉnh” và hoạt động tiếp xúc cử tri. Theo đại biểu thì giám sát của Thường trực, các Ban và các tổ đại biểu HĐND tỉnh đã chọn những vấn đề cử tri đặt ra trong các đợt tiếp xúc cử tri. Quá trình giám sát đảm bảo không có sự trùng lắp giữa các tổ chức của HĐND và giữa HĐND các cấp; kết quả giám sát đã có những tác động tốt đến phát triển kinh tế đảm bảo an sinh xã hội, riêng các tổ đại biểu thí điểm đã cố gắng đề thực hiện một khối lượng lớn công việc. Trong hoạt động tiếp xúc cử tri, các vị đại biểu luôn thể hiện ý thức trách nhiệm, giải thích, trả lời ngay với cử tri những vấn đề đại biểu nắm rõ và lồng ghép với công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật.

      Theo số liệu tổng hợp kết quả giám sát báo cáo tại kỳ họp, kết quả trong nhiệm kỳ HĐND tỉnh đã tổ chức trên 700 cuộc giám sát, tính trung bình, mỗi năm Thường trực, các Ban và các Tổ đại biểu HĐND tỉnh thực hiện trên 100 cuộc giám sát và đã phối hợp rất nhịp nhàng với các cơ quan, tháo gỡ những khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ của địa phương. Hội đồng nhân dân tỉnh trong nhiệm kỳ qua cũng đã phối hợp với Đoàn ĐBQH thể hiện có trách nhiệm và tích cực trong các hoạt động giám sát, tiếp xúc cử tri và đặc biệt là trong công tác lập pháp và cung cấp trao đổi thông tin những vấn đề dân sinh. 

      Tuy nhiên, vẫn còn đại biểu băn khoăn về một số hạn chế trong thực hiện các kiến nghị sau giám sát; đại biểu cũng đề xuất giải pháp để khắc phục tình trạng này trong thời gian tới cần quan tâm chú trọng đến công tác phối hợp giữa ngành với ngành, giữa ngành với địa phương trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng giao thông, điểm nông thôn mới, xây dựng nhà ở xã hội, giám sát việc trả lời ý kiến cử tri nhất là những nội dung trả lời chưa rõ, chưa đi vào trọng tâm. 

      Đại biểu cũng đề nghị nhiệm kỳ sau, HĐND tỉnh khóa VIII nên đặc biệt quan tâm đến giám sát chuyên đề thực hiện chương trình cải cách hành chính mà trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính và kiểm tra, thanh tra công vụ. Hội đồng nhân dân tỉnh cần quan tâm đến hậu giám sát, cần phải theo dõi để nắm được kết quả cuối cùng của việc thực hiện các kiến nghị giám sát. Hội đồng nhân dân cần chủ động tham mưu, đề xuất cho cấp Ủy; việc lựa chọn đại biểu HĐND phải tìm ra được những người có tâm, có đức và bản lĩnh, ý kiến. Những kiến nghị vừa nêu của đại biểu nhận được sự đồng tình của đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, của Chủ tọa và toàn thể các đại biểu tham dự kỳ họp.  

      Đối với các ngành Trung ương, Đại biểu HĐND tỉnh đề nghị các bộ, ngành Trung ương giải quyết dứt điểm, không để kéo dài những vụ việc mà địa phương đã có kiến nghị. Bên cạnh đó, Đại biểu cũng còn những trăn trở về những cơ chế, chính sách còn bất cập so với tình hình thực tiễn nhưng tỉnh bắt buộc phải thực hiện theo đúng quy định của Trung ương nhất là chính sách bồi thường, tái định cư. 

      Đối với địa phương, một số ý kiến phát biểu đề nghị Chính quyền nên quan tâm hơn nữa đến công tác vận động quần chúng để tăng cường tính thuyết phục, tránh tình trạng lợi dụng diễn đàn tiếp xúc cử tri có lời lẽ không thích hợp. Vấn đề này được xác định cần phải có một phần công sức đóng góp của đại biểu HĐND các cấp. Với vai trò là Thành viên Ban Pháp chế HĐND tỉnh, đại biểu cũng kiến nghị: Đối với ngành Tư pháp mà cụ thể là ngành Tòa án nhân dân các cấp, đại biểu đề nghị khắc phục tình trạng án tồn; thực hiện chuẩn hóa cán bộ đồng thời cũng đề nghị các cơ quan có liên quan thực hiện cải cách hành chính trong bổ nhiệm đội ngũ cán bộ Tư pháp để rút ngắn thời gian xem xét, bổ nhiệm cán bộ đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ.

      Thay mặt chủ tọa kỳ họp, đồng chí Trần Đình Thành chân thành cảm ơn và tiếp thu các ý kiến đóng góp, bổ sung của các đại biểu đối với hoạt động HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2004-2011 đồng thời thể hiện mong muốn sau này ở vị trí công tác nào các đại biểu HĐND tỉnh khóa VII cũng sẽ tiếp tục phát huy vai trò của mình và luôn ghi nhớ những kỷ niệm tốt đẹp ở HĐND tỉnh khóa VII.

                                                                  Nguyễn Thị Oanh