Tại kỳ họp thứ 22 HĐND tỉnh, kỳ họp tổng kết nhiệm kỳ, đồng chí Võ Văn Một Chủ tịch UBND tỉnh đã báo cáo tóm tắt đánh giá về tổ chức và kết quả hoạt động Tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh có 17 cơ quan; 02 cơ quan đặc thù riêng của tỉnh là Ban Dân tộc, Sở Ngoại vụ và 02 cơ quan tương đương cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh là Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai giữ nguyên tổ chức. Cấp huyện tổ chức thống nhất là 12 cơ quan chuyên môn trực thuộc.
Chủ tịch Võ Văn Một báo cáo kết quả hoạt động của UBND tỉnh trong nhiệm
kỳ 2004-2011 tại kỳ họp thứ 22 HĐND tỉnh
Thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh trong thời gian qua UBND các cấp đã chỉ đạo các cơ quan đơn vị tổ chức triển khai thực hiện trên tất cả các lĩnh vực, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để phát triển sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, mở rộng thị trường nội địa, kích cầu đầu tư, tiêu dùng và bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn; thực hiện tốt các biện pháp chống suy giảm kinh tế, điều chỉnh cơ cấu kinh tế hợp lý phù hợp với tình hình phát triển kinh tế ở địa phương, chỉ đạo ứng cứu kịp thời các vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhân dân như: thiên tai, lũ lụt, hạn hán, dịch bệnh... thực hiện các gói kích cầu đầu tư, kích cầu tiêu dùng, các chương trình người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, hỗ trợ lãi suất theo chỉ đạo của Chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vượt qua thời điểm suy giảm kinh tế; duy trì, mở rộng sản xuất kinh doanh, năng cao năng lực cạnh tranh, thu hút lao động, ổn định cuộc sống người dân.
Đồng thời, UBND các cấp phối hợp chỉ đạo quản lý có hiệu quả tình hình thu, chi ngân sách, sử dụng các nguồn vốn đầu tư, quản lý nguồn tài nguyên đất đai, môi trường bước đầu đạt được một số kết quả nhất định; giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư, tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các công trình, dự án trên địa bàn, đặc biệt là các công trình, dự án trọng điểm và có khả năng đưa vào sử dụng sớm để phát huy hiệu quả đầu tư. Kết quả thực hiện đạt cả về khối lượng và giải ngân vốn xây dựng cơ bản; hệ thống giao thông vận tải, điện, nước, thông tin có bước phát triển, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và cải thiện đời sống nhân dân.
Lĩnh vực văn hoá - xã hội được chú trọng, đời sống vật chất và tinh thần của dân cư được cải thiện, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và công nhân lao động. Đã tập trung chỉ đạo nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo và y tế, đồng thời đẩy mạnh xã hội hoá để phát triển các lĩnh vực này, đưa ra nhiều giải pháp về đào tạo nghề, giải quyết việc làm được triển khai, đã giải quyết việc làm cho hàng trăm ngàn lao động; công tác xóa đói giảm nghèo, chăm lo cho các đối tượng chính sách tiếp tục được quan tâm thực hiện tốt.
Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn đã được pháp luật quy định, UBND các cấp đã ban hành các quyết định, chỉ thị, kế hoạch và văn bản để chỉ đạo, điều hành và thực hiện. Trong nhiệm kỳ, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng đạt từ 13% - 14%/năm. Công tác chỉ đạo của UBND các cấp kịp thời đáp ứng được nhu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, cơ cấu kinh tế được điều chỉnh phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương hàng năm, cụ thể trong thời điểm suy thoái kinh tế UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp các ngành ứng phó kịp thời.
UBND tỉnh tập trung chỉ đạo các giải pháp quản lý thu đúng, đủ, kịp thời các khoản thu vào ngân sách nhà nước, bảo đảm cân đối ngân sách các cấp, giải ngân cho các dự án đầu tư xây dựng cơ bản theo tiến độ kế hoạch và các yêu cầu chi cấp thiết. Kịp thời chỉ đạo các đơn vị trong việc quản lý đầu tư và xây dựng từ nguồn vốn nhà nước, xử lý các khó khăn, vướng mắc trong quá trình bồi thường, hỗ trợ tái định cư, chú trọng giải quyết những vướng mắc đối với các công trình trọng điểm có tính chất làm động lực phát triển kinh tế vùng, khu vực.
Công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường tại các khu dân cư, khu công nghiệp được tăng cường. UBND các cấp cũng đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ công tác trọng tâm, chương trình mục tiêu quốc gia trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo và y tế, đẩy mạnh xã hội hóa để phát triển các lĩnh vực này. Nhiều biện pháp đào tạo nghề, giải quyết việc làm được triển khai và đã giải quyết việc làm với số lượng hàng năm đều tăng so với kế hoạch đề ra; công tác xóa đói giảm nghèo, chăm lo cho các đối tượng chính sách, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, xây dựng nhà tình thương, cho vay học sinh sinh viên tiếp tục được quan tâm thực hiện đạt kết quả.
Tình hình an ninh chính trị ổn định, tệ nạn xã hội và tội phạm hình sự trên địa bàn tiếp tục được kiềm chế; công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân có nhiều tiến bộ, hạn chế được tình trạng khiếu kiện đông người, vượt cấp; tăng cường công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo triển khai các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng, tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về giao thông.
Đến nay 20/20 đơn vị cấp sở; 11/11 đơn vị cấp huyện và 171/171 đơn vị cấp xã đã triển khai cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông. Công tác thanh tra, kiểm tra công vụ được chú trọng, hạn chế tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu của cán bộ, công chức, giảm phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính. Công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được UBND các cấp triển khai thực hiện bước đầu đạt được một số kết quả đáng kể.
UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai các nội dung cụ thể về cải cách hành chính, đã tổng kết thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010 và xây dựng chương trình cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020, đến nay có 36/36 (100%) đơn vị do tỉnh quản lý và 191/222 (86%) đơn vị do cấp huyện quản lý đã triển khai thực hiện khoán biên chế, kinh phí quản lý hành chính. Có 164/164 (100%) đơn vị sự nghiệp cấp tỉnh và 699/700 (99,86%) đơn vị sự nghiệp cấp huyện đã triển khai thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính.
Thực hiện phân cấp quản lý giữa Trung ương với tỉnh, giữa các cấp chính quyền địa phương trên địa bàn. Đã tạo ra những chuyển biến tích cực, phát huy tính chủ động sáng tạo của chính quyền địa phương các cấp, khai thác tốt các nguồn lực góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế. Mối quan hệ phối hợp của UBND với cấp ủy, Thường trực HĐND, các đoàn thể chính trị - xã hội tại địa phương và với các cơ quan cấp trên đã thực hiện tốt.
Đánh giá chung, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, mặc dù gặp nhiều khó khăn thách thức, song được sự quan tâm của các cấp ủy đảng, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời về tổ chức, bộ máy, chế độ chính sách cho cán bộ hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở. Tại địa phương; Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều Nghị quyết, Quyết định về chính sách đối với cán bộ công chức của tỉnh, huyện và xã. UBND tỉnh chủ động đặt ra các quy định nhằm phát triển kinh tế xã hội, ổn định an ninh quốc phòng ở địa phương, đẩy mạnh phát triển kinh tế. Bên cạnh đó việc áp dụng công nghệ thông tin, tin học hóa quản lý nhà nước đã mang lại những kết quả bước đầu thiết thực.
Những khó khăn, tồn tại trong nhiệm kỳ là Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND chưa khắc phục tình trạng phải xử lý nhiều công việc mang tính sự vụ; UBND cấp cơ sở chưa chủ động thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật, mà chủ yếu là tổ chức thực hiện nhiệm vụ cấp trên giao; công tác chỉ đạo điều hành giữa UBND với các Sở, ban, ngành, phòng ban chuyên môn và UBND cấp xã, phường, thị trấn khi kiểm tra giải quyết một số vụ phát sinh trên địa bàn chưa kiên quyết; công tác quản lý đất đai còn để xảy ra tình trạng lấn chiếm, xây dựng không đúng quy định, không phép, cần phải được quan tâm hơn nữa công tác bảo vệ môi trường, nguồn nước, xử lý chất thải. Bên cạnh những tồn tại của địa phương thì một khó khăn lớn làm ảnh hưởng đến hoạt động của UBND các cấp là Trung ương vẫn chưa ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định khung pháp lý tạo tiền đề cho các địa phương chủ động thực hiện phân cấp. Do vậy, việc phân cấp giữa chính quyền địa phương các cấp gặp khó khăn và thiếu đồng bộ, tạo “độ lệch” giữa các địa phương.
Kinh nghiệm rút ra sau nhiệm kỳ hoạt động của UBND các cấp là đảm bảo sự lãnh đạo thống nhất của Đảng đối với các cấp chính quyền, duy trì sự phối hợp chặt chẽ với Thường trực HĐND, UBMTTQVN và các tổ chức đoàn thể ở địa phương. Bảo đảm nguyên tắc tập trung, dân chủ trong cơ quan và trong chỉ đạo điều hành. Phải xác định rõ ràng trách nhiệm tập thể và trách nhiệm cá nhân người đứng đầu, cụ thể trong từng lĩnh vực. Phát huy tính tự chủ, năng động, sáng tạo khi bổ nhiệm người đứng đầu cơ quan phải là người có tâm quyết, có năng lực, trình độ, nắm vững chủ trương, đường lối của Trung ương, nghị quyết của cấp ủy, HĐND, sâu sát thực tế, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra công vụ; nâng cao năng lực hoạt động cho Chính quyền cơ sở và đặc biệt quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cán bộ, công chức, đặc biệt là cán bộ xã.
Kết quả hoạt động, những kinh nghiệm và kiến nghị nêu trên đối với tổ chức và hoạt động của UBND các cấp nhiệm kỳ 2004-2011 sẽ là những tư liệu quý báu để UBND các cấp nghiên cứu phát huy những mặt tích cực và khắc phục những tồn tại hạn chế trong nhiệm kỳ 20011-2016 sắp tới .
Ngô Trọng Phúc