Ban VH-XH HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về ATLĐ&VSLĐ trên địa bàn tỉnh

Đăng ngày: 16/05/2013
​Việc thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về an toàn lao động và vệ sinh lao động trong thời gian qua tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, đặc biệt là tại các doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài còn bỏ ngỏ mặc dù Chính phủ và các Bộ, ngành đã có rất nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện. 

​      Nhằm hưởng ứng tuần lễ “Quốc gia về An toàn vệ sinh lao động – Phòng chống cháy nổ” và kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn lao động và vệ sinh lao động tại các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, vừa qua, Ban VHXH HĐND tỉnh đã tổ chức giám sát tại 4 doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài đóng trên địa bàn tỉnh, gồm Công ty TNHH Giày Đồng Nai Việt Vinh, Công ty Hữu hạn Sợi Tainan Việt Nam, Công ty TNHH Hwaseung Vina, Công ty TNHH Changshin Việt Nam.

      Qua giám sát cho thấy, thực hiện quy định của pháp luật về an toàn lao động, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ, các công ty đã thành lập thành lập Hội đồng bảo hộ lao động, bộ phận an toàn lao động và mạng lưới an toàn vệ sinh viên, cử cán bộ theo dõi công tác an toàn lao động; xây dựng kế hoạch đầu tư bảo hộ lao động hàng năm, trang bị phương tiện bảo hộ cá nhân cho người lao động; thành lập đội Phòng cháy chữa cháy, trang bị các thiết bị chữa cháy và tổ chức huấn luyện hàng năm; thực hiện đo kiểm môi trường lao động trong nhà máy và đăng kiểm máy móc, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, vệ sinh lao động; thành lập phòng y tế chăm sóc sức khỏe người lao động; thực hiện bồi dưỡng độc hại cho lao động làm việc tại môi trường độc hại, nặng nhọc; thực hiện công tác tuyên truyền, huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động cho các cán bộ quản lý và công nhân lao động tại công ty… Riêng tại Công ty TNHH Changshin Việt Nam có thành lập thêm các đội bảo hộ lao động tại mỗi phân xưởng; hệ thống giải quyết các khiếu nại của công nhân về công tác Bảo hộ lao động và các vấn đề khác thông qua hộp thư góp ý tại mỗi xưởng.

      Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, các đơn vị vẫn còn hạn chế như: xây dựng kế hoạch bảo hộ lao động và bồi dưỡng cho người lao động làm việc trong điều kiện môi trường vượt tiêu chuẩn cho phép chưa theo quy định, còn xảy ra tai nạn lao động tại đơn vị, kết quả đo kiểm môi trường lao động vượt quá tiêu chuẩn cho phép còn cao, nhiều công nhân lao động chưa thực hiện nghiêm việc sử dụng thiết bị bảo hộ lao động đã được trang bị. Công ty TNHH Changshin Việt Nam chưa thực hiện theo quy định việc lưu giữ hồ sơ về công tác ATLĐ-VSLĐ. Việc sắp xếp hàng hóa trong kho chưa bảo đảm các quy định về phòng cháy, chữa cháy. Công ty TNHH Hwaseung Vina chưa cấp thẻ an toàn và giấy chứng nhận huấn luyện lao động cho người lao động; thiết bị bảo hộ lao động chưa trang bị theo đúng quy định; việc quản lý sổ theo dõi khám sức khỏe cho người lao động chưa thực hiện theo đúng quy định. Công ty Hữu hạn Sợi Tainan (Việt Nam) chưa thực hiện đầy đủ việc khám sức khỏe định kỳ, tổ chức huấn luyện về an toàn lao động, vệ sinh lao động hàng năm cho người lao động; nội quy vận hành máy móc và nội quy ATLĐ-VSLĐ chưa thực hiện đúng theo quy định. Còn Công ty TNHH Giày Đồng Nai Việt Vinh chưa khám sức khỏe cho 608 lao động, xây dựng chưa đầy đủ các nội quy, quy trình an toàn vận hành cho các máy móc, thiết bị và nơi làm việc, chưa thực hiện chế độ báo cáo định kỳ theo quy định, kế hoạch bảo hộ lao động chưa xây dựng theo đúng theo quy định.

ban vhxh gs atld.jpg
Đoàn giám sát tại công ty TNHH Changshin Việt Nam​ 

      ​Kết thúc tại các buổi làm việc, Đoàn giám sát đã kiến nghị các đơn vị nghiêm túc khắc phục hạn chế nêu trên theo đúng quy định của Thông tư liên tịch số 01/2011/TTLT-BLĐTBXH-BYT ngày 10/01/2011 của Liên bộ về Hướng dẫn thực hiện công tác an toàn - vệ sinh lao động trong cơ sở lao động và các quy định khác của pháp luật về ATVSLĐ; xây dựng biện pháp cụ thể để khắc phục tình trạng môi trường lao động vượt tiêu chuẩn cho phép; thực hiện bồi dưỡng cho người lao động làm việc tại nơi có yếu tố nguy hiểm, độc hại theo quy định tại Thông tư số 10/1999/TTLT-BLĐTBXH-BYT ngày 17/3/1999 về Hướng dẫn thực hiện bồi dưỡng bằng hiện vật đối với người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm và Thông tư số 10/2006/ TTLT-BLĐTBXH-BYT ngày 12/9/2006 về Bổ sung sửa đổi khoản 2, mục II của Thông tư liên tịch số 10/1999/TTLT-BLĐTBXH-BYT; thực hiện khám bệnh nghề nghiệp cho công nhân theo thông tư số 13/TT-BYT ngày 24/10/1996 và Thông tư 12/2006/TT-BYT ngày 10/11/2006 của Bộ Y tế; xây dựng các biện pháp giảm tai nạn lao động cho công nhân lao động; tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, nhắc nhở người lao động thực hiện đúng quy định bảo hộ lao động đã được trang bị...

                                                                                       Hòa Bình