Một số thành tựu nổi bật của Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2006 – 2010

Đăng ngày: 16/05/2013
​Quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X và Quyết định số 20/2007/QĐ-TTg ngày 5/2/2007 cùa Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2006-2010, Tỉnh ủy Đồng Nai đã cụ thể hóa đưa vào Nghị quyết Đại hội lần thứ VIII của Đảng bộ tỉnh và ban hành Chỉ thị số 05-CT/TU ngày 17/11/2008 về tăng cường chỉ đạo thực hiện các Chương trình giàm nghèo bền vững; Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 52/2005/NQ-HĐND ngày 21/7/2005 quy định chuẩn nghèo và các chính sách, dự án giảm nghèo; UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch thực hiện 5 năm (2006-2010), kiện toàn bộ máy chỉ đạo từ tỉnh đến xã (phường, thị trấn) và tổ chức thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh.

​      Chương trình giảm nghèo trong 5 năm qua được triển khai trong bối cảnh có nhiều thách thức nhưng cũng có nhiều thuận lợi, nền kinh tế của tỉnh vẫn tiếp tục tăng trưởng ổn định ở mức cao, các cấp, các ngành, các đoàn thể và nhân dân đồng tình ủng hộ và tích cực tham gia. Kết quả trong 5 năm qua đã giảm được 54.485/38.500 hộ nghèo (đạt 141,51% so kế hoạch) và giảm 17/17 xã nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2010 là 2,93% vượt mục tiêu Nghị quyết đề ra cho cả giai đoạn và đưa tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 4%. Đời sống người nghèo và hạ tầng vùng nghèo có một số mặt được cải thiện rõ rệt. Thu nhập bình quân của nhóm người nghèo cũng được cải thiện đáng kể, cuối năm 2010 là 493.000 đồng/người/tháng (tăng 2,82 lần so với đầu kỳ). Chất lượng giảm nghèo có một số mặt bền vững. Huyện có tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm cao nhất là Tân Phú (3,05%). 

      Với số tiền 989.842 triệu đồng đã được huy động từ nhiều nguồn như ngân sách Trung ương hỗ trợ, ngân sách địa phương, nguồn vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội bổ sung, trong cộng đồng, lồng ghép từ các chương trình kinh tế - xã hội khác… đã giúp 70.947 lượt hộ nghèo vay vốn với doanh số phát vay 698.734 triệu đồng (đạt 129,5% so với kế hoạch); đào tạo nâng cao kiến thức cho 72 cán bộ làm công tác giảm nghèo và cộng tác viên khuyến nông các địa phương; hướng dẫn kỹ thuật làm ăn cho 19.650 lượt nông dân; dạy nghề cho 8.591 lượt lao động nghèo, trong đó dự án dạy nghề riêng cho người nghèo là 5.045 người; tuyển chọn và triển khai nhân rộng 28 mô hình giảm nghèo tiêu biểu cho 1.425 hộ nghèo; về y tế đã cấp thẻ BHYT miễn phí cho 993.211 lượt người nghèo; miễn giảm học phí và các khoản đóng góp khác cho khoảng 395.000 lượt học sinh là con, em hộ nghèo; xây dựng 6.379 căn nhà tình thương và sửa chữa 639 căn nhà ở cho hộ nghèo; hỗ trợ trợ giúp pháp lý cho lhoảng trên 4700 lượt người nghèo có nhu cầu tư vấn pháp lý…  Có được thành quả đáng ghi nhận như trên là nhờ sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, của các doanh nghiệp, các mạnh thường quân… đặc biệt là sự vươn lên của bản thân từng hộ nghèo. 

      Việc tổ chức triển khai thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2006-2010 đã kết thúc, với các kết quả đạt được Chương trình đã giảm đáng kể tình trạng nghèo khổ của một bộ phận dân cư, vị trí và đời sống của người nghèo đã được nâng lên từng bước, góp phần đáng kể vào chất lượng tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội, giữ vững ổn định chính trị, đã khẳng định đây là một chương trình thành công, hợp lòng dân, góp phần thay đổi bộ mặt kinh tế xã hội của tỉnh nhà. Và thêm một lần nữa đã khẳng định đây là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, qua đó đã thể hiện sự quan tâm sâu sát của chính quyền các cấp trong việc chăm lo đời sống của nhân dân, đặc biệt là đối tượng có hoàn cảnh khó khăn.

                                                                                   Hòa Bình