Kết quả thực hiện Đề án vận động đóng góp xây dựng quỹ bảo trợ trẻ em tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2004-2010

Đăng ngày: 16/05/2013
​ Sau 7 năm thực hiện nghị quyết số 67/2004/NQ-HĐND ngày 14/01/2004 của HĐND tỉnh Đồng Nai về Đề án vận động đóng góp xây dựng quỹ bảo trợ trẻ em tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2004-2010, Quỹ bảo trợ trẻ em đã vận động được 44 tỷ đồng từ các nguồn được hỗ trợ bằng tiền mặt và các chương trình dự án và đã có hơn 59.000 lượt trẻ em trong tỉnh được hưởng lợi do đề án mang lại. 

​      ​Với việc tổ chức thực hiện các chương trình như dự án vốn học nghề, chăn nuôi, sản xuất ổn định cuộc sống; “Phẫu thuật Nụ cười” cho trẻ em sứt môi – hở hàm ếch; “Vì ánh mắt trẻ thơ”; dự án “Ngôn ngữ trị liệu cho trẻ em sau phẫu thuật hàm ếch”; chăm sóc trẻ em bị xâm hại ngược đãi; phẫu thuật cho trẻ em bị bại liệt, dị tật chân tay, sẹo bỏng, dị tật đường niệu… và một số chương trình, dự án khác đã giúp cho 503 trẻ em bị bệnh tim được phẫu thuật trở lại cuộc sống bình thường; 706 em bị sứt môi, hở hàm ếch được tổ chức khám sàng lọc hàng năm và phẫu thuật an toàn thẩm mỹ; hỗ trợ 64 em lang thang, có hoàn cảnh khó khăn được học nghề; 548 em được phẫu thuật dị tật đường tiết niệu; hàng vạn lượt em được khám lọc, cấp thuốc miễn phí để kiểm tra sức khỏe và phát hiện bệnh tật, hàng ngàn em có nguy cơ bỏ học được cấp học bổng để tiếp tục đến trường; 97 em sau phẫu thuật hở hàm ếch có khả năng tham gia dự án Ngôn ngữ trị liệu; 88 ngôi nhà tình thương cho các em bị xâm hại, ngược đãi, mồ côi, khuyết tật được xây dựng; 1153 em bị dị tật về mắt được khám lọc và chữa trị đã giúp các em thoát cảnh mù lòa, vươn lên học tốt, sống tốt …

      Có được kết quả như trên, trong những năm qua, Quỹ Bảo trợ trẻ em đã được sự quan tâm, chia sẻ, đóng góp của các cấp lãnh đạo, các ngành, các tổ chức, cá nhân, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, còn được sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát thường xuyên của cấp ủy Đảng, chính quyền cấp trên, trực tiếp qua Hội đồng Bảo trợ Quỹ BTTE và sự lãnh đạo trực tiếp của ngành chủ quản; công tác quản lý Quỹ luôn thực hiện chặt chẽ, đúng quy chế và theo quy định hiện hành; các cán bộ, cộng tác viên tâm huyết, nhiệt tình, yêu trẻ, được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ thường xuyên, hàng năm.

      Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, Quỹ BTTE còn gặp một số khó khăn như các dự án chưa được mở rộng, chưa đa dạng các hình thức, đối tượng được hỗ trợ; hình thức vận động còn nghèo nàn, chưa đa dạng, phong phú; một số bậc cha mẹ, người thân của các em chưa tích cực phối hợp trong việc hỗ trợ, điều trị bệnh cho các em; cán bộ của quỹ hầu hết là kiêm nhiệm, năng lực còn hạn chế… Nguyên nhân của các khó khăn trên là do việc thay đổi bộ máy và cán bộ chuyên trách trẻ em, cộng tác viên từ tỉnh đến cơ sở dẫn đến việc hạn chế trong công tác thu thập thông tin, khảo sát về các đối tượng trẻ em cần được giúp đỡ; thiếu sự sáng tạo trong hình thức vận động và hỗ trợ các em; thu nhập của công nhân lao động còn thấp nên việc đóng góp, ủng hộ một ngày lương còn hạn chế; cán bộ công tác Quỹ ít được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, cập nhật thông tin về các nội dung liên quan hàng năm,…

                                                                                        Hòa Bình