TRAO ĐỔI THÔNG TIN VỚI CỬ TRI

Đăng ngày: 20/05/2013
TRAO ĐỔI THÔNG TIN VỚI CỬ TRI.​

     1. Cử tri phường Long Bình Tân, thành phố Biên Hòa kiến nghị: UBND tỉnh kiến nghị với Chính phủ không thực hiện dự án thủy điện Đồng Nai 6 + 6A theo đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vì khi thực hiện dự án sẽ phá gần 200 ha diện tích rừng đầu nguồn thuộc vườn quốc gia Nam Cát Tiên, làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và cuộc sống của cộng đồng dân cư thuộc các tỉnh miền Đông Nam bộ.

     Sở Công thương Đồng Nai đã trả lời tại văn bản số 1028/SCT-KHTC ngày 15/7/2011, cụ thể như sau:

     Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A nằm trên lưu vực sông Đồng Nai vừa được Bộ Công Thương (được sự ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ) xem xét phê duyệt bổ sung vào quy hoạch thủy điện sông Đồng Nai tại Quyết định số 5117/QĐ-BCT ngày 14/10/2009. Khu vực dự án nằm trên địa bàn 3 tỉnh Lâm Đồng, Bình Phước và Đắc Nông (bao gồm các xã Hưng Bình tỉnh Đắc Nông, xã Đồng Nai Thượng, Phước Cát 2 tỉnh Lâm Đồng và xã Đồng Nai tỉnh Bình Phước). Như vậy thủy điện Đồng Nai 6 và 6A hoàn toàn không nằm trên địa phận tỉnh Đồng Nai.

     Theo quy định về thẩm quyền quyết định đầu tư thì dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A nằm trên địa bàn nhiều tỉnh sẽ do Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư sau khi xem xét ý kiến của các Bộ ngành liên quan và các địa phương có dự án. Tuy nhiên, do tỉnh Đồng Nai nói riêng và các tỉnh miền Đồng Nam bộ nói chung phần lớn nằm trên hạ du sông Đồng Nai (phía dưới thủy điện Đồng Nai 6 và 6A) đồng thời khi thực hiện thủy điện Đồng Nai 6 và 6 A phải sử dụng một phần diện tích đất rừng thuộc vườn quốc gia Nam Cát Tiên làm hồ chứa thủy điện.

     
     Do đó, khi thực hiện dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, đối với Đồng Nai có thể không những ảnh hưởng đến đất rừng, bảo vệ rừng mà còn tác động về môi trường, điều tiết lũ, đẩy mặn, cấp và thoát nước. Đồng thời, quá trình thi công phải mở đường giao thông, vận chuyển, khai thác đá, vận hành công trình, di dân tự do…sẽ ảnh hưởng lớn đến nguồn tài nguyên động thực vật rừng và công tác bảo vệ rừng mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Đồng Nai đã ra sức gìn giữ mấy chục năm qua, không những cho tỉnh Đồng Nai mà cho cả các tỉnh trong Vùng Đông Nam bộ.

     Do thủy điện Đồng Nai 6 và 6A không nằm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai nên trong quá trình xem xét, đánh giá hiệu quả của dự án đã không lấy ý kiến của tỉnh Đồng Nai. Do vậy, UBND Tỉnh sẽ có kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ, trước khi quyết định đầu tư dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A cần xem xét, đánh giá kỹ các tác động tích cực cũng như các tác động tiêu cực khi thực hiện dự án, đồng thời tổ chức lấy ý kiến của các nhà khoa học; Ý kiến chính quyền và nhân dân các tỉnh, thành nơi có thể bị ảnh hưởng bởi dự án.

     2. Cử tri huyện Trảng Bom kiến nghị: Cụm Công nghiệp Sông Thao đã được UBND tỉnh phê duyệt, đề nghị sớm triển khai thực hiện để kinh tế địa phương phát triển.

     Sở Công thương Đồng Nai đã trả lời tại văn bản số 1028/SCT-KHTC ngày 15/7/2011, cụ thể như sau:

     Cụm Công nghiệp Sông Thao có diện tích 50ha, xã Sông Thao, huyện Trảng Bom đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/2000 tại Quyết định số 238/QĐ-UBND ngày 04/2/2009, do Tổng Công ty Tín Nghĩa làm Chủ đầu tư. Tiến độ triển khai thực hiện đầu tư cụm công nghiệp Sông Thao như sau:

     Trên cơ sở Quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/2000 đã được UBND tỉnh phê duyệt, Chủ đầu tư đã thực hiện công bố quy hoạch tại địa phương, đã triển khai thực hiện dự thảo quy chế quản lý xây dựng theo quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/2000, hoàn tất công tác đo vẽ, khảo sát địa hình, địa chính, hồ sơ kỹ thuật từng thửa, danh sách thu hồi đất.

     UBND huyện Trảng Bom đã có Tờ trình UBND tỉnh và Hội đồng Thẩm định tỉnh về phương án bồi thường tổng thể trong tháng 9/2009. Tuy nhiên, ngày 13/8/2009 Chính phủ đã ban hành hành Nghị định số 69/2009/NĐ-CP về Quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (Nghị định có hiệu lực kể từ ngày 01/10/2009). Để phù hợp với quy định hiện hành, UBND huyện Trảng Bom đang phối hợp Chủ đầu tư điều chỉnh trình tự, thủ tục thu hồi đất và phương án bồi thường tổng thể.

     Tổng Công ty Tín Nghĩa đã tiến hành mời các đơn vị tư vấn khảo sát địa hình, địa chất, thiết kế cơ sở, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và thiết kế thi công toàn bộ hạ tầng dự án, nhưng trong quá trình triển khai thực hiện lại gặp khó khăn không thực hiện được do một số hộ dân có đất nằm trong dự án thuộc diện thu hồi cản trở, không cho các đơn vị triển khai. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến việc triển khai xây dựng hạ tầng Cụm công nghiệp Sông Thao chậm trễ tiến độ.

     Về vấn đề này, Sở Công Thương đề nghị UBND huyện Trảng Bom tiếp tục phối hợp Tổng Công ty Tín Nghĩa rà soát, xử lý dứt điểm các vướng mắc trong bồi thường, đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp Sông Thao.

     Đối với Sở Công Thương, dự kiến cuối tháng 7/2011, sẽ có kế hoạch làm việc với UBND các huyện, các chủ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp để rà soát lại toàn bộ tình hình về thủ tục đầu tư, tiến độ triển khai đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Quyết định 32/2010/QĐ-UBND ngày 26/5/2010 của UBND tỉnh Đồng Nai. Trên cơ sở đó, sẽ có báo cáo đề xuất cụ thể cho UBND tỉnh chỉ đạo xử lý các vướng mắc, khó khăn nhằm đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

     3. Cử tri huyện Nhơn Trạch kiến nghị: UBND tỉnh chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải đẩy nhanh tiến độ thi công đường 769 vì mùa mưa đến gây khó khăn trong sinh hoạt cũng như đi lại của người dân dọc theo tuyến đường này.
Sở Giao thông Vận tải Đồng Nai đã trả lời tại văn bản số 1882/SGTVT-KH ngày 01/7/2011, cụ thể như sau:

     Dự án cải tạo nâng cấp tỉnh lộ 25 A (ĐT 769) đoạn từ phà Cát Lái đến Ngã 3 Quốc lộ 51 đi qua địa bàn huyện Nhơn Trạch và Long Thành được UBND tỉnh giao Khu Quản lý đường bộ đường thuỷ Đồng Nai làm chủ đầu tư thực hiện dự án. Thời gian thực hiện hoàn thành dự án là đến hết năm 2013.
Hiện nay về tình hình thực hiện chung, Chủ đầu tư có báo cáo cụ thể như sau: dự án được chia làm 4 đoạn gồm:

     - Đoạn 1 (Km0+000 (phà Cát Lái) – Km5+021): đã triển khai thực hiện đạt 83% giá trị xây lắp, nguyên nhân chậm tiến độ là do vướng giải phóng mặt bằng và do vướng đường ống cấp nước. Đến nay giải phóng mặt bằng cơ bản đã hoàn thành, tuy nhiên hiện nay còn vướng 3 hộ dân tại vị trí cầu Phước lý chưa bàn giao mặt bằng thi công và còn vướng đường ống cấp nước từ Km4+800 – Km3+940 (đơn vị thi công di dời nước đang trình phương án đấu nối cho Công ty Cổ Phần Cấp Nước Nhơn Trạch để thực hiện việc di dời đoạn ống nước nêu trên).

     - Đoạn 2 (Km5+021 - Km12+000): đã triển khai thi công đạt 90% giá trị xây lắp, nguyên nhân chậm tiến độ thi công là do vướng mặt bằng thi công, đến nay đơn vị thi công đã hoàn thành công tác thảm bê tông nhựa nóng từ Km5+021-Km11+180. Tuy nhiên hiện nay đoạn tuyến từ Km11+180 đến Km12+000 các hộ dân chưa bàn giao mặt bằng để triển khai thi công, do đó đề xuất địa phương sớm hoàn tất các thủ tục đền bù, vận động  người dân bàn giao mặt bằng thi công.

     - Đoạn 3 và đoạn 4: chưa triển khai thi công do chưa có mặt bằng thi công, địa phương đang lập phương án bồi thường tổng thể, tiến hành kiểm kê, lập công tác thu hồi đất cá nhân.

     Nhìn chung, dự án gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng để thi công nên tiến độ thực hiện chậm. Khu Quản lý đường bộ đường thuỷ Đồng Nai đã rất tích cực phối hợp với UBND huyện Long Thành, Nhơn Trạch để đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng nhằm đảm bảo tiến độ triển khai của dự án.

     4. Cử tri huyện Định Quán kiến nghị: UBND tỉnh và nhà nước có chế độ phụ cấp cho cán bộ phụ trách là Tổ trưởng Tổ nhân dân và Trưởng khu dân cư.
 
     Sở Nội vụ Đồng Nai đã trả lời tại văn bản số 1259/SNV-XDCQ ngày 25/7/2011, cụ thể như sau:

    
     Căn cứ quy chế tổ chức, hoạt động của Tổ nhân dân ban hành kèm theo Quyết định số 2434/2005/QĐ-UBND ngày 05/7/2005 của UBND tỉnh Đồng Nai, Tổ nhân dân là tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư, là tổ chức dưới ấp, khu phố; mỗi tổ không quá 40 hộ dân và sinh hoạt định kỳ 03 tháng một lần. Tổ nhân dân không phải là một cấp chính quyền, Tổ thực hiện nhiệm vụ chủ yếu triển khai đến các hộ dân và mọi người dân trong tổ hiểu được các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là các chủ trương của địa phương có liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của mỗi người dân trong cộng đồng dân cư, nên hoạt động không thường xuyên. Do đó, kinh phí hoạt động của Tổ do UBND cấp xã tự cân đối từ nguồn thu của địa phương để hỗ trợ.

     Trước đây Sở Nội vụ đã có văn bản tham mưu, đề xuất việc quy định mức phụ cấp cho Tổ trưởng Tổ nhân dân mỗi suất 100.000 đồng/người/tháng và Tổ phó mỗi suất 50.000 đồng/người/tháng. Nhưng do số lượng Tổ nhân dân quá lớn, toàn tỉnh có 11.771 Tổ Nhân dân, với mức phụ cấp như trên thì hàng năm tỉnh phải chi trên 21 tỷ đồng. Sở Nội vụ đã có văn bản lấy ý kiến các ngành có liên quan và ngày 15/12/2008 Sở Tài chính có văn bản số 3270/STC–NSNN cho biết hiện nay ngân sách của tỉnh không đủ nguồn để đảm bảo kinh phí tới Tổ nhân dân và đề nghị Sở Nội vụ tạm ngưng trình UBND tỉnh việc giải quyết chế độ phụ cấp cho Tổ nhân dân.

     Do đó, việc quy định mức phụ cấp cho Tổ trưởng, Tổ phó Tổ nhân dân hiện nay chưa thể thực hiện. Sở Nội vụ xin ghi nhận ý kiến phản ánh của cử tri huyện Định Quán và sẽ tiếp tục cùng các Sở, ngành có liên quan nghiên cứu, đề xuất UBND tỉnh.