Trình tự giám sát của tổ đại biểu HĐND tỉnh

Đăng ngày: 20/05/2013
Để triển khai thực hiện Nghị quyết số 15/NQ- HĐND ban hành kèm theo Quy chế hoạt động của HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016, ngày 22/7/2011, Thường trực HĐND tỉnh Đồng Nai đã ban hành văn bản số 226/HD-HĐND  hướng dẫn một số nội dung thực hiện Quy chế trong đó nội dung nổi bật nhất là triển khai hoạt động giám sát của tổ đại biểu HĐND tỉnh. ​
     Thường trực HĐND tỉnh xác định rõ: giám sát của tổ đại biểu sẽ góp phần vào việc nâng cao chất lượng hoạt động của tổ, hỗ trợ cho hoạt động của Thường trực, các ban HĐND tỉnh, nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND để HĐND tỉnh đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong một địa bàn có tốc độ phát triển kinh tế cao, ngành Công nghiệp phát triển nhanh và nhiều vấn đề đặc thù về địa lý, dân cư, điều kiện tự nhiên như Đồng Nai. Thông qua giám sát của tổ sẽ giúp các đại biểu phát hiện những vấn đề còn hạn chế trong quá trình triển khai, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật của nhà nước và các nghị quyết của HĐND tỉnh, từ đó kiến nghị UBND các cấp và các cơ quan chuyên môn thuộc UBND trong việc tìm ra các giải pháp khắc phục kịp thời. Dây cũng là việc làm nhằm tạo điều kiện cho mỗi đại biểu thể hiện năng lực, trách nhiệm của người đại biểu đối với cử tri và nhân dân trên địa bàn ứng cử.
     
     Nội dung giám sát được Thường trực HĐND tỉnh hướng dẫn cần tập trung vào các vấn đề: Giám sát kết quả tổ chức, triển khai, thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh trên các lĩnh vực và tình hình thực thi pháp luật trên địa bàn tổ đại biểu; việc đảm bảo vệ sinh môi trường trên địa bàn; giải quyết và thực hiện các Quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân trên địa bàn và công tác hòa giải ở cơ sở; việc thực hiện trả lời chất vấn của đại biểu, trả lời ý kiến cử tri của các cơ quan có thẩm quyền; thực hiện ý kiến kết luận của Chủ toạ kỳ họp tại các kỳ họp HĐND tỉnh về những vấn đề bức xúc trên địa bàn; việc thực hiện các mục tiêu, chương trình Quốc gia trên địa bàn và các vấn đề khác phù hợp với tình hình cụ thể.

     
     Việc thực hiện quyền giám sát của tổ đại biểu phải bảo đảm công khai, khách quan, đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật và không làm cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát. Tổ đại biểu chịu trách nhiệm về quyết định, yêu cầu, kiến nghị giám sát của mình.

     Một vấn đề đặt ra trong giám sát của tổ đại biểu luôn được Thường trực HĐND hai cấp tỉnh, huyện cùng quan tâm trong quá trình phối hợp thực hiện nhiệm vụ là phải đảm bảo không có sự trùng lắp về nội dung với giám sát của cấp huyện, cấp xã. Để thực hiện được việc này, tổ đại biểu phải thực hiện theo đúng trình tự giám sát đã được Thường trực HĐND tỉnh hướng dẫn.

     Mỗi quý, tổ đại biểu tổ chức ít nhất một cuộc khảo sát hoặc giám sát; trường hợp địa bàn có nhiều vấn đề phát sinh thì số lượng có thể tăng thêm do tổ trưởng quyết định sau khi thống nhất với các thành viên trong tổ. Tổ trưởng tổ đại biểu căn cứ vào chương trình giám sát năm của HĐND và tình hình thực tế tại địa bàn để lựa chọn những vấn đề cần tập trung giám sát; xây dựng thành chương trình giám sát hàng năm sau đó cụ thể hoá ra thành chương trình giám sát 6 tháng, hàng quý. Quá trình xây dựng chương trình có sự tham gia đóng góp ý kiến của cấp huyện; sau khi hoàn thành được gửi đến Thường trực, các Ban HĐND cấp huyện thuộc địa bàn ứng cử của tổ đại biểu để biết, phối hợp.

     Căn cứ chương trình giám sát đã được xây dựng, tổ đại biểu xây dựng kế hoạch giám sát trong đó xác định rõ các vấn đề sau: Nội dung giám sát; đơn vị chịu sự giám sát; đề nghị Trưởng đoàn, phó Trưởng đoàn và các thành phần tham gia đoàn giám sát (các thành viên tổ đại biểu là thành phần đương nhiên); thời gian tổ chức giám sát; chế độ thông tin, báo cáo của đơn vị chịu sự giám sát về tổ đại biểu.

     Căn cứ kế hoạch và đề nghị của tổ, Thường trực HĐND tỉnh xem xét ban hành Quyết định thành lập đoàn giám sát làm cơ sở để tổ đại biểu, đơn vị chịu sự giám sát và các tổ chức, cá nhân có liên quan triển khai thực hiện. Như vậy, mặc dù việc tổ chức giám sát do tổ đại biểu HĐND thực hiện nhưng đoàn giám sát chính là đoàn của Thường trực HĐND tỉnh, đây là một cách vận dụng linh hoạt quy định của Luật và quy chế hoạt động của HĐND để tăng thêm quyền và nâng cao vai trò, vị thế của tổ đại biểu.

     Thư ký Đoàn giám sát do chuyên viên giúp việc của Văn phòng Đoàn ĐBQH&HĐND tỉnh đảm nhiệm. Đồng thời với việc Thường trực HĐND tỉnh phân công đại biểu hoạt động chuyên trách theo dõi, phối hợp địa bàn, Chánh văn phòng ĐĐBQH&HĐND tỉnh cũng phân công chuyên viên tham mưu, giúp việc các tổ đại biểu. Vấn đề này phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của văn phòng là tham mưu, giúp việc cho hoạt động của HĐND.

     Quá trình giám sát, các tổ đại biểu tiến hành theo đúng trình tự mà Thường trực, các Ban HĐND tỉnh thực hiện; trường hợp cần thiết có thể tổ chức khảo sát trước, giám sát sau để thu thập thêm thông tin, tư liệu. Quy định này đã được cụ thể trong quy chế hoạt động của HĐND.

     Trên cơ sở ý kiến thống nhất của thành viên, Trưởng đoàn giám sát kết luận sau khi hoàn thành việc giám sát; kết luận của Trưởng đoàn là kết luận chính thức của đoàn giám sát và được lập thành báo cáo kết quả giám sát gửi đến Thường trực HĐND tỉnh chậm nhất là 7 ngày kể từ ngày kết thúc cuộc giám sát. Một nội dung quan trọng trong báo cáo kết quả giám sát của tổ đại biểu đó là những kiến nghị đối với đơn vị chịu sự giám sát, các cơ quan có liên quan trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình.

     Chậm nhất 5 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả của Đoàn giám sát, Thường trực HĐND tỉnh xem xét và ban hành Thông báo kết luận giám sát. Trong trường hợp cần trao đổi thêm để hoàn chỉnh Thông báo kết luận thì Thường trực HĐND tỉnh trao đổi với Tổ trưởng tổ đại biểu để đi đến thống nhất chung, nhưng tối đa không quá 7 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả của Đoàn giám sát.

     Trường hợp sau giám sát của tổ đại biểu phát hiện có những vấn đề phát sinh cần tiếp tục khảo sát, giám sát để làm rõ thì Thường trực HĐND tỉnh quyết định việc tiếp tục khảo sát, giám sát và Quyết định thành lập Đoàn của Thường trực HĐND tỉnh. Tổ đại biểu đã giám sát trước đó có trách nhiệm cung cấp những thông tin, tài liệu có liên quan đã thu thập được trong cuộc khảo sát, giám sát đó và phân công đại biểu tham gia cùng Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh. Tuy nhiên, trong giám sát của tổ đại biểu HĐND tỉnh khóa VII (triển khai từ năm 2008-2011) tình huống này chưa xảy ra.

     Triển khai hoạt động giám sát của tổ đại biểu giúp cho các kỳ họp của HĐND có nhiều thông tin từ thực tiễn trong triển khai, tổ chức thực hiện nghị quyết của HĐND và những vấn đề thực tiễn phát sinh trong quá trình xây dựng, phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, qua đó có giải pháp hợp lý, kịp thời tháo gỡ khó khăn, ngăn chặn những biểu hiện tiêu cực, tiếp tục đưa nền kinh tế tỉnh nhà phát triển hoàn thành mục tiêu kinh tế xã hội mà Nghị quyết Đại hội đại biểu tỉnh Đảng bộ lần thứ IX  và Nghị quyết của HĐND tỉnh đã đề ra, đảm bảo nghị quyết của HĐND tỉnh được ban hành đi vào cuộc sống có hiệu quả. Giám sát giúp cho tổ đại biểu phát huy vai trò, tính chủ động của mình đồng thời hỗ trợ cho Thường trực và các Ban HĐND cấp tỉnh, cấp huyện trong tổ chức thực hiện các hoạt động của HĐND hai cấp, từng bước nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các tổ đại biểu  HĐND tỉnh.

     Các đại biểu HĐND tỉnh có trách nhiệm tham gia đầy đủ các hoạt động của tổ, trường hợp vắng phải có lý do chính đáng và được sự chấp thuận của tổ trưởng. Tổ trưởng các tổ đại biểu HĐND tỉnh chủ động tổ chức triển khai thực hiện, trường hợp có khó khăn, vướng mắc báo cáo kịp thời về Thường trực HĐND tỉnh đồng thời Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh có trách nhiệm hỗ trợ, phối hợp với các tổ đại biểu trong hoạt động giám sát.
 
 
                                                                        Nguyễn Thị Oanh