Tình hình xây dựng và phát triển hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn tỉnh

Đăng ngày: 20/05/2013
Hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) trên địa bàn tỉnh được hình thành và phát triển qua các giai đoạn: thí điểm (1994-1999); củng cố và chấn chỉnh (2000-2005) và hoàn thiện và phát triển (2006 - đến nay) theo tinh thần Quyết định số 390/QĐ-TTG ngày 27/7/1993 của Thủ tướng Chính phủ. Quá trình phát triển và đi vào hoạt động đến nay, QTDND đã không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng, khẳng định được vai trò tích cực trong việc góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, hạn chế cho vay nặng lãi ở nông thôn.​

     Tính đến 30/6/2011, toàn tỉnh có 31 QTDND cơ sở, 01 chi nhánh QTD Trung ương hoạt động trên phạm vi 11 huyện, thị xã, thành phố. Về tổ chức bộ máy, 93% QTD  trên địa bàn tỉnh thực hiện theo mô hình 2 bộ máy: quản lý (Hội đồng quản trị) và điều hành (Ban giám đốc). Hầu hết các QTD đã bố trí cán bộ đủ về số lượng, đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định. Trong tổng số 295 cán bộ QTD của toàn hệ thống, 68% có trình độ trung cấp trở lên và 72% được đào tạo nghiệp vụ QTDND. Về cơ sở vật chất, 17/31 QTD đã xây dựng trụ sở làm việc và được trang bị phương tiện làm việc hiện đại, đáp ứng được yêu cầu; 27/31 QTD áp dụng áp dụng công nghệ tin học vào hoạt động...

     Đến nay, hoạt động của hệ thống QTD đã đạt được những kết quả bước đầu khả quan với tổng nguồn vốn hoạt động là 922 tỷ đồng (bình quân 32 tỷ đồng/quỹ), trong đó vốn điều lệ 46,3 tỷ đồng (bình quân 1,5 tỷ đồng/quỹ), vốn huy động tiền gửi dân cư 709 tỷ đồng (bình quân 22,87 tỷ đồng/quỹ).

     Tổng dư nợ tín dụng đạt 716 tỷ đồng (bình quân 23 tỷ đồng/quỹ), trong đó, dư nợ ngắn hạn đạt 543 tỷ, chiếm 75,8% tổng dự nợ; dư nợ trung dài hạn đạt 173 tỷ, chiếm 24,2% tổng dư nợ; nợ quá hạn 3,5 tỷ, chiếm 0,49% tổng dư nợ. Nếu so sánh với năm 2001, tổng nguồn vốn hoạt động tăng 6 lần, vốn điều lệ tăng 5 lần, vốn huy động tăng 7,5 lần, dư nợ cho vay tăng 5,7 lần.

     Hoạt động của QTDND trong thời gian qua đã mang lại hiệu quả về mặt kinh tế, chính trị và xã hội. Theo đó, QTDND phục vụ trực tiếp công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn và nông dân, làm nhiệm vụ cung ứng vốn cho sản xuất kinh doanh, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và đời sống nhân dân tại địa phương; đã giải quyết cho 15.765 lượt người vay với doanh số cho vay 661 tỷ đồng để phát triển sản xuất, làm giàu cho kinh tế gia đình, góp phần cải thiện đời sống và thực hiện đa dạng hoá các thành phần kinh tế. QTDND là loại hình tổ chức tín dụng hoạt động ổn định có hiệu quả nhất trong các loại hình HTX, thực hiện mục  tiêu tương trợ cộng đồng, đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế địa phương. Thông qua QTDND đã huy động nguồn vốn nhàn rỗi trong nhân dân phục vụ phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, giải quyết hàng chục ngàn lao động nông thôn có thêm việc làm, tăng thu nhập, góp phần cải thiện đời sống để xóa đói giảm nghèo, hạn chế cho vay nặng lãi.

     Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của hệ thống QTDND cơ sở cũng gặp không ít khó khăn và vướng mắc. Đó là hiệu quả hoạt động và khả năng cạnh tranh của hệ thống QTDND so với các tổ chức tín dụng khác còn rất hạn chế. Dù so với thời điểm mới ra đời, hệ thống QTDND đã có bước phát triển nhanh nhưng so với yêu cầu đặt ra thì hệ thống QTDND hiện nay vẫn còn ở vị thế rất khiêm tốn, quy mô và địa bàn hoạt động còn nhỏ hẹp, chủ yếu ở khu vực nông nghiệp, nông thôn; bên cạnh đó, năng lực tài chính của QTDND còn rất hạn chế, trình độ cán bộ chưa cao, nội dung hoạt động còn đơn điệu, môi trường hoạt động là nông nghiệp, nông thôn chứa đựng nhiều rủi ro so với TCTD khác. Mặt khác, khả năng tự đảm bảo an toàn trong hoạt động của QTDND còn yếu, thể hiện thông qua chỉ tiêu vốn tự có thấp dẫn đến một số QTD chưa đảm bảo được tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu; nhiều QTD có chất lượng tín dụng chưa cao, do chưa làm tốt công tác thẩm định khi cho vay và kiểm tra, giám sát quá trình sử dụng vốn vay; lợi nhuận của nhiều QTD tăng trưởng thấp và chưa thực sự bền vững...

     Quá trình xây dựng và phát triển của hệ thống QTDND trong 10 năm qua cho thấy: hoạt động của QTDND cơ sở phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy chính quyền các cấp và chính quyền các cấp thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ theo tinh thần Nghị định số 48/2001/NĐ-CP ngày 13/8/2001 của Chính phủ về "Tổ chức và hoạt động của QTDND" và Nghị định số 69/2005/NĐ-CP ngày 26/5/2005 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 48/2001/NĐ-CP. Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước phải chủ động, tích cực, phát huy vai trò là cơ quan quản lý nhà nước trong việc quản lý QTDND; phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội QTD Việt Nam, QTD Trung ương, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam và các cơ quan chức năng của tỉnh trong việc hỗ trợ hoạt động của hệ thống QTDND.

     Bên cạnh đó, để đảm bảo cho sự thành công, khả năng tồn tại và phát triển của các QTD thì chỉ nên cấp phép thành lập và hoạt động cho QTD ở những nơi có đủ điều kiện về môi trường kinh tế, có cơ sở vật chất phù hợp với đội ngũ cán bộ có phẩm chất đạo đức, trình độ năng lực chuyên môn đáp ứng được yêu cầu về công tác tổ chức quản lý. Các QTDND phải luôn theo sát diễn biến tình hình hoạt động; hàng năm có tổ chức sơ, tổng kết nhằm đánh giá những kết quả đạt được và chấn chỉnh kịp thời những yếu kém;  thường xuyên tổ chức đào tạo bồi dưỡng cho cán bộ QTD; làm tốt công tác quản lý, thanh tra, giám sát hoạt động của QTD nhằm ngăn ngừa và sớm phát hiện những sai phạm, xử lý kịp thời. Ngoài ra, để hoạt động của hệ thống QTD được an toàn, đúng quy định của pháp luật thì việc ban hành cơ chế, chính sách phải kịp thời và đồng bộ, phù hợp với hoạt động của QTDND; đồng thời, có chính sách hỗ trợ thiết thực cho hoạt động của mô hình QTD tại địa bàn nông nghiệp, nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho QTD hoạt động và phát triển rộng lớn.
                                                                                                     

                                                                               Thùy Trang