Tình hình triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2008 – 2010

Đăng ngày: 20/05/2013
Theo số liệu thống kê năm 2010, số trẻ em dưới 16 tuổi trên địa bàn tỉnh là 701.850 em. Trong đó, trẻ em nữ là 350.925 em (tỷ lệ 50%), trẻ em trong các gia đình nghèo là 84.222 em (tỷ lệ 12%) và 5.500 em (tỷ lệ 0,8%) có hoàn cảnh đặc biệt. Giai đoạn 2008 - 2010, trên địa bàn tỉnh có 127 trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại.​

     Trong những năm qua, thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em và Chỉ thị số 55-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng ở cơ sở đối với công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, bên cạnh đó được sự quan tâm, lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự điều hành của UBND và sự phối hợp giữa các cơ quan, đoàn thể, các ngành chức năng, công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em đã có những chuyển biến tích cực ở nhiều mặt và đạt được nhiều kết quả khả quan, hầu hết các chỉ tiêu có liên quan đến công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em đều đạt, số lượng trẻ em được tiếp cận, có cơ hội học tập, giáo dục thể chất, chữa bệnh tăng lên, số trẻ em nghèo, khó khăn được giúp đỡ nhiều hơn,… đã tạo môi trường thuận lợi cho trẻ em trong tỉnh được phát triển bình đẳng như: giai đoạn 2001 - 2010, từ nguồn kinh phí vận động của các tổ chức, cá nhân với tổng số tiền trên 43 tỉ đồng, tỉnh đã kịp thời giúp đỡ, hỗ trợ cho hơn 57 ngàn lượt trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, giúp cho hàng ngàn gia đình khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống; giai đoạn 2008 - 2010, đã tập huấn nâng cao năng lực quản lý về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em và công tác phòng ngừa giải quyết tình trạng trẻ em lang thang, trẻ em bị xâm hại tình dục và trẻ em phải lao động trong tình trạng nặng nhọc độc hại, nguy hiểm cho gần 1.000 cán bộ cơ sở, gần 20 đối tượng lang thang được hỗ trợ hồi gia, hoặc đưa vào các trung tâm bảo trợ xã hội…; hiện nay, tỉnh đã và đang thực hiện một số dự án do các tổ chức phi chính phủ tài trợ như “Ngăn ngừa người chưa thành niên vi phạm pháp luật và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng”; “Phòng ngừa và xóa bỏ lao động trẻ em”…

     Tuy nhiên, hiện nay, do sự phát triển của xã hội cùng với đó là sự xâm nhập thiếu kiểm soát của nhiều loại phim ảnh, sách báo, văn hóa phẩm đồi trụy có nội dung kích động, bạo lực đã tác động đến một số đối tượng có lối sống buông thả, xem thường đạo lý, vi phạm pháp luật. Mặt khác, do sự thiếu hiểu biết của một bộ phận người dân, có gia đình bố mẹ không quan tâm con cái, các em không được học hành, thiếu kiến thức, lối sống thích ăn chơi… dẫn đến các hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em có chiều hướng phức tạp.

     Bên cạnh đó, công tác phòng ngừa, trợ giúp trẻ em phòng tránh bạo lực, xâm hại còn gặp nhiều khó khăn như: kinh phí cho các hoạt động trợ giúp trẻ em bị xâm hại còn hạn hẹp; sự quan tâm của các cấp chính quyền chưa đúng mức; sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và các cấp cơ quan, đoàn thể chưa chặt chẽ, đồng bộ trong công tác phòng chống bạo lực, xâm hại và tai nạn thương tích đối với trẻ em; các cơ sở tổ chức vui chơi giải trí dành cho trẻ em trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu cho các em; các trò chơi điện tử thiếu lành mạnh phát triển nhanh trong khi chưa có biện pháp quản lý, kiểm soát chặt chẽ đã ảnh hưởng đến nhân cách và hành động của các em trong độ tuổi học sinh; công tác xử lý tội phạm xâm hại tình dục, bạo lực trẻ em không kịp thời, chưa nghiêm minh, chưa đủ sức răn đe…

     Qua đợt khảo sát tình hình triển khai thực hiện các chính sách, pháp luật về phòng chống bạo lực, xâm hại trên địa bàn tỉnh vừa qua của Ban VHXH HĐND tỉnh đã kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét xây dựng, đưa nội dung giáo dục kỹ năng sống, đặc biệt kỹ năng phòng ngừa bị xâm hại tình dục vào chương trình giáo dục ngoại khóa tại các trường học, đặc biệt là cấp Tiểu học và Trung học cơ sở. Đối với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tăng cường các biện pháp quản lý chặt chẽ đối với các loại hình văn hóa độc hại, ảnh hưởng xấu đến các em; chỉ đạo các địa phương tiếp tục xây dựng mô hình điểm, khu phố phù hợp với các em. Đối với Chính phủ xem xét, sớm ban hành văn bản thay thế Quyết định số 19/2004/QĐ-TTg ngày 12/02/2004 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình ngăn ngừa và giải quyết tình trạng trẻ em lang thang, trẻ em bị xâm hại tình dục và trẻ em phải lao động nặng nhọc trong điều kiện độc hại, nguy hiểm giai đoạn 2004-2010 đã hết hiệu lực thi hành trên cơ sở giảm bớt thủ tục hành chính về hỗ trợ đối với các trường hợp trẻ em bị xâm hại; tái lập và hỗ trợ kinh phí hoạt động cho mạng cộng tác viên bảo vệ, chăm sóc trẻ em cấp phường, xã…

                                                                             Hòa Bình