Công tác đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn huyện Trảng Bom nhân tháng An toàn giao thông:

Đăng ngày: 20/05/2013
Mô hình nữ cảnh sát giao thông thực hiện tuần tra kiểm soát góp phần thực hiện văn hóa giao thông.​

     Theo báo cáo của Công an huyện Trảng Bom, trong 6 tháng đầu năm 2011, trên địa bàn huyện đã xảy ra 19 vụ tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ. nếu so sánh với 6 tháng đầu năm 2010 thì TNGT đường bộ trên địa bàn huyện Trảng Bom đã giảm về cả ba mặt: số vụ, số người chết cũng như số người bị thương. Nguyên nhân thành công của chương trình này được xác định là do sự quan tâm chỉ đạo của Công an tỉnh; huyện ủy, UBND huyện; sự vào cuộc tích cực của tập thể cán bộ chiến sỹ (CBCS) Công an huyện song còn một yếu tố khá mới góp phần vào thành công chính là Trảng Bom đưa vào thực hiện thí điểm mô hình nữ cảnh sát giao thông (CSGT) tham gia tuần tra kiểm soát (TTKS), điều hòa và đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT), nhất là vào những giờ cao điểm.

     Thí điểm mô hình mới:

     Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Ngô Văn Thạch, Đội trưởng đội CSGT, Công an huyện kể lại: vào khoảng tháng 7-2010, với sáng kiến của Trung tá Ngô Quang Tuấn, Phó Trưởng Công an huyện chuyên phụ trách lĩnh vực này đã đề xuất với Ban chỉ huy (BCH) Công an huyện và báo cáo với Công an tỉnh về việc thí điểm mô hình mới: đưa lực lượng nữ CSGT tham gia TTKS và điều hòa giao thông, nhất là vào các giờ cao điểm, các dịp lễ tết để tăng cường TTATGT và giảm TNGT.

     Khi được sự đồng ý của cấp trên, lực lượng nữ CSGT được TTKS và điều hòa giao thông cùng các đồng nghiệp nam. Xuất phát từ những ưu thế và hạn chế của nữ nên khi mô hình được thực hiện đã ngay lập tức được các chị em vui vẻ nhận lời. Chị Huệ, một trong số nữ CSGT được đưa ra TTKS giao thông ngay từ đầu cho biết: khi nhận nhiệm vụ của BCH giao cho, tôi rất vui vẻ sẵn lòng và cũng các đồng nghiệp nam thi hành nhiệm vụ. Lúc đầu khi mới ra TTKS cùng đồng nghiệp, chị cũng gặp phải khó khăn chính là sự chọc ghẹo của các tài xế lái xe là nam khi họ vi phạm. Nhưng với kiến thức đã được trang bị cùng kinh nghiệp đã được các đồng nghiệp nam hỗ trợ, mọi khó khăn nhanh chóng lùi dần và chị cùng lực lượng nữ vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ mà BCH giao cho. Cũng như chị Huệ, chị Xuân còn rất trẻ lại tâm sự: có nhiều trường hợp lái xe là nam giới khi thấy nữ đứng điều hòa giao thông tại chốt đèn họ tông thẳng xe vào chỗ các chị đứng nhằm chọc ghẹo. Song với bản lĩnh và kiến thức được trang bị, các chị vẫn kiên quyết xử lý, lập biên bản ghi nhận những vi phạm và những khó khăn dần được khắc phục.

 

     Khi chúng tôi đến chốt đèn ngã tư thị trấn Trảng Bom, hình ảnh của người nữ CSGT mềm mỏng song kiên quyết thực thi nhiệm vụ đúng luật pháp và trách nhiệm khiến cho tình trạng vi phạm ATGT dần được khắc phục. Người dân vì thế cũng hiểu và chấp hành nghiêm về pháp luật ATGT.
Hiệu quả bước đầu.

 

 

     Nhận xét về mô hình thí điểm này, Trung tá Ngô Văn Thạch chia sẻ: ưu điểm đầu tiên phải kể đến khi triển khai mô hình thí điểm đưa lực lượng nữ CSGT tham gia tuần tra kiểm soát (TTKS), điều hòa và đảm bảo trật tự an toàn giao thông chính là phòng ngừa được sai phạm cho cán bộ, chiến sỹ cũng như góp phần thực hiện tốt văn hóa ứng xử của cán bộ chiến sỹ với lái xe và người vi phạm; giảm đáng kể vấn đề tai nạn giao thông trên địa bàn. Mặt khác cũng qua mô hình cho thấy đã hạn chế cơ bản tình trạng lái xe chống lại người thi hành công vụ và nâng cao hiệu quả khi xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATGT. Nếu như so với 6 tháng đầu năm 2010 thì 6 tháng đầu năm 2011 mức xử lý vi phạm cao hơn nhiều, do đó đã hạn chế tình trạng TNGT trên cả 3 mặt: số vụ, số người chết và số người bị thương. Cùng đó, lực lượng nữ ở một góc độ nào đó họ thực hiện khá nghiêm túc điều lệnh Công an nhân dân và hạn chế đến mức tối thiểu những vấn đề sai phạm tiêu cực xảy ra và nâng cao ý thức chấp hành Luật giao thông đường bộ cho người tham gia giao thông.

 

     
     Tuy nhiên, cũng theo anh Thạch thì vì họ là nữ nên trong quá trình bố trí tham gia TTKS và điều hòa giao thông phải thực hiện thời gian ngắn, hợp lý, không nên bố trí lâu dài và thường phải bố trí cùng với các đồng nghiệp nam để hạn chế những sự chọc ghẹo hay những bất tiện có thể xảy ra. Do đó, trong gần 1 năm thí điểm, lực lượng này được bố trí TTKS cùng các nam CSGT vào những giờ cao điểm, vào những đợt lễ, tết, bầu cử có yêu cầu quân số nghiêm ngặt. Những thời điểm còn lại, họ được bố trí trực tiếp dân, giải quyết những công việc liên quan thủ tục hành chính, xử lý vi phạm và tuyên truyền Luật Giao thông cho người dân thực sự có hiệu quả. Nếu chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2011, Công an huyện đã tổ chức tiếp nhận đăng ký cấp biển số xe mô tô 2 bánh, xe gắn máy cho 7.942 trường hợp; quản lý trên 46.800 hồ sơ đăng ký mới và 112.000 hồ sơ do Công an tỉnh chuyển về; phối hợp với Đài Truyền thanh huyện, Phòng văn hóa thông tin và các trường học trên địa bàn tuyên truyền 12 buổi với trên 3.750 lượt người tham dự về TTATGT cho học sinh, giáo viên, công nhân và nhân dân khi tham gia giao thông bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú; 5.650 trường hợp ký cam kết chấp hành Luật giao thông của công nhân KCN Hố Nai- Sông Mây; phát trên đài truyền thanh huyện trên 4.140 phút về ATGT; phối hợp với Hội nông dân huyện tuyên truyền Luật giao thông cho 120 cán bộ chủ chốt của hội... từ đó xây dựng “văn hóa giao thông” cho người dân khi tham gia giao thông. Tất cả những hoạt động trên đều có vai trò của lực lượng nữ CSGT
 
     Những kết quả bước đầu đã khẳng định, vai trò của lực lượng nữ CSGT trong việc đảm bảo TTATGT trên địa bàn. Đây là mô hình mới, được thực hiện đầu tiên tại huyện Trảng Bom đã và đang có hiệu quả thiết nghĩ cần được nhân rộng trong thời gian tới để thực hiện nghiêm Luật giao thông đường bộ, giảm thiểu TNGT và góp phần xây dựng hình ảnh đẹp về người nữ CSGT nói riêng, người chiến sỹ Công an nói chung theo chỉ đạo của Công an tỉnh./.
  
                                                                                   Ngọc Hà