Tính đến hết tháng 7-2011, dư nợ cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh đạt 8.421 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 16,46% tổng dư nợ, tăng 2,05% so với đầu năm và tăng 10,87% % so với thời điểm bắt đầu triển khai Nghị định 41/2010/NĐ-CP (tháng 6-2010). Trong đó, cho vay sản xuất công nghiệp, thương mại và dịch vụ phi nông nghiệp trên địa bàn nông thôn đạt 2.790 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng trên 33,13% trong dư nợ cho vay nông nghiệp - nông thôn.
Nếu phân theo đối tượng cho vay thì đối tượng vay là cá nhân, hộ gia đình, hộ kinh doanh chiếm tỷ trọng cao: 53.058 cá nhân còn dư nợ 2.544 tỷ đồng chiếm tỷ trọng 29,81% trong dư nợ vay nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn; 130.573 hộ gia đình, hộ kinh doanh với dư nợ 3.290 tỷ đồng chiếm tỷ trọng 39,07% tổng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn.
Trong tổng dự nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn, dư nợ cho vay không có đảm bảo đạt 927 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 11,01% trong tổng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn. Dư nợ xấu cho vay nông nghiệp, nông thôn là 123 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 1,56% trong dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn.
Ngoài hệ thống Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách Xã hội, Phòng giao dịch tại các huyện trong tỉnh, các ngân hàng thương mại, quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn cũng đã phát triển mạng lưới hoạt động đến các huyện, góp phần phục vụ nông nghiệp nông thôn. Tính đến 31/7/2011, toàn tỉnh có 1 Sở giao dịch của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Á, 50 chi nhánh cấp I, 174 phòng giao dịch và 31 quỹ tín dụng nhân dân cơ sở. Đây là những đầu mối phục vụ cho vay nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn, trong đó có 27 ngân hàng thương mại và 23 quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn tham gia cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, các ngân hàng thương mại nhà nước đóng vai trò chủ lực trong lĩnh vực cho vay nông nghiệp, nông thôn, cụ thể: dư nợ của khối ngân hàng thương mại nhà nước đạt 4.196 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 49,83% trong dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn.
Nguồn vốn cho vay của các tổ chức tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn chủ yếu là từ nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng. Tính đến cuối tháng 7, nguồn vốn huy động trên địa bàn đạt 53.526 tỷ đồng tăng 10,21% so với 31/12/2010 và tăng 21,36% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, hàng năm Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội nhận vốn ủy thác tại địa phương là 6 tỷ đồng, thực hiện cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn nông thôn và đến nay nguồn vốn này đã là 82 tỷ đồng.
Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng việc triển khai Nghị định 41 trên địa bàn tỉnh cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ. Đó là nguồn vốn cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cũng là nguồn vốn huy động với lãi suất cao và thiếu ổn định, do đó lãi suất đầu ra cao - đây là khó khăn lớn đối với những ngân hàng muốn tăng trưởng dư nợ nông nghiệp - nông thôn. Mặt khác, số lượng ngân hàng thương mại tham gia cho vay ở khu vực nông nghiệp - nông thôn còn khá hạn chế. Hiện tại, dư nợ chủ yếu của lĩnh vực này tập trung vào một số ngân hàng như: Nông nghiệp và phát triển nông thôn, ngân hàng Đại Á, ngân hàng Chính sách xã hội…. Còn lại gần 20 chi nhánh ngân hàng khác đang hoạt động trên địa bàn tỉnh dù có tham gia nhưng lượng vốn bỏ ra không nhiều, bởi một số lý do: mạng lưới bó hẹp ở đô thị, lo ngại rủi ro, không mặn mà với các khoản vay nhỏ lẻ trên địa bàn nông thôn…Về phía đối tượng được thụ hưởng cũng gặp không ít những khó khăn. Nhiều nông dân muốn vay nhưng không đủ các điều kiện pháp lý về sản xuất kinh doanh như thiếu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận kinh tế trang trại, kinh tế tập thể… Các hộ gia đình sản xuất nông nghiệp, buôn bán nhỏ lẻ và các hộ dân canh tác trên đất nông lâm trường tại các phường, thị trấn không thuộc diện cho vay theo Nghị định 41, do vậy không thể tăng dư nợ đối với các đối tượng này. Hơn nữa, Đồng Nai đang trong thời kỳ chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu đầu tư nên quy hoạch chưa ổn định, dẫn đến các dự án sản xuất tập trung chưa nhiều vì vậy các ngân hàng vẫn đầu tư nhỏ lẻ, ngắn hạn là chủ yếu nên hiệu quả đầu tư chưa cao.
Thùy Trang