Trao đổi về việc ban hành Nghị quyết của Thường trực HĐND

Đăng ngày: 27/05/2013
​Ngày 19 tháng 01 năm 2011, Bộ Nội vụ ban hành Thông tư số 01/2011/TT-BNV hướng dẫn thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản hành chính. Có thể nói, với sự ra đời của Thông tư này cùng với Thông tư liên tịch số 55/2005/TTLT-BNV-VPCP ngày 06 tháng 5 năm 2005 của Bộ Nội vụ và Văn phòng Chính phủ hướng dẫn thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản hành chính nhìn chung đã tạo cơ sở pháp lý và thuận lợi cho các ngành, địa phương trong công tác xây dựng và đảm bảo tính thống nhất của hệ thống văn bản hành chính.

​     Mặc dù cùng hướng dẫn về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản nhưng hai Thông tư nêu trên có sự khác nhau cơ bản, đó là loại hình văn bản hướng dẫn. Nếu như Thông tư số 55/2005/TTLT-BNV-VPCP hướng dẫn việc ban hành cả văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hành chính thì Thông tư 01/2011/TT-BNV chỉ hướng dẫn riêng về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản hành chính và bản sao văn bản. Chính vì vậy, trong điều khoản thi hành của Thông tư 01 đã quy định rõ những quy định về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản hành chính và bản sao văn bản được quy định tại Thông tư liên tịch số 55/2005/TTLT-BNV-VPCP ngày 06 tháng 5 năm 2005 của Bộ Nội vụ và Văn phòng Chính phủ hướng dẫn thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản hành chính trái với Thông tư này bị bãi bỏ.

     Sau khi được ban hành, Thông tư 01/2011/TT-BNV đã được các ngành, địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện. Đối với cơ quan HĐND các cấp, Thông tư quy định Thường trực HĐND được ban hành Nghị quyết cá biệt. Có thể nói đây là loại hình văn bản từ trước đến nay chưa có quy định Thường trực HĐND các cấp ban hành, chính vì vậy làm nảy sinh nhiều băn khoăn, vướng mắc cho những người công tác trong hệ thống HĐND cũng như các Văn phòng giúp việc. Có hai quan điểm xoay quanh việc thực hiện quy định này.

     Quan điểm thứ nhất cho rằng Thường trực HĐND ban hành Nghị quyết là không thực sự cần thiết. Nếu như tồn tại song song hai hệ thống Nghị quyết sẽ “rối” cho cơ quan chấp hành bởi lẽ trong các cơ quan hành chính địa phương đã quá quen thuộc với Nghị quyết của HĐND. Khi Thường trực HĐND ban hành Nghị quyết thì việc ban hành đó không thể giản đơn như việc cho ý kiến điều hành các vấn đề phát sinh tại kỳ họp mà phải trải qua một trình tự nhất định nào đó. Nếu như trình tự này đơn giản thì sẽ không có tác động gì lớn nhưng nếu trình tự này phức tạp thì việc xử lý các vấn đề phát sinh của địa phương có tính chất cấp bách chắc chắn sẽ bị chậm lại làm ảnh hưởng đến công tác điều hành của UBND. Mặt khác, trên thực tế việc Thường trực HĐND ban hành các quyết định hoặc các văn bản cho ý kiến thống nhất, chấp thuận đối với UBND và các cơ quan chuyên môn cũng không gặp khó khăn, vướng mắc bởi lẽ UBND là cơ quan chấp hành của HĐND. Do vậy đối với các vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp, quan điểm này cho rằng chỉ cần Thường trực HĐND cho ý kiến bằng văn bản hành chính thông thường và báo cáo HĐND tại kỳ họp gần nhất là kịp thời, đầy đủ và phù hợp.

     Quan điểm thứ hai đồng tình với việc Thường trực HĐND cần ban hành Nghị quyết vì như vậy là thể hiện giá trị pháp lý cao hơn của văn bản, thể hiện  vị thế của Thường trực HĐND với vai trò đại diện cho cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương giữa hai kỳ họp đồng thời cũng là việc thực hiện chủ trương chung về hiện đại hóa nền hành chính. Trên thực tế có những vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp là vấn đề lớn, quan trọng của địa phương cả về chủ trương, biện pháp thực hiện nhưng nếu Thường trực HĐND chỉ cho ý kiến bằng những văn bản hành chính dạng công văn thì sẽ không xứng tầm giữa hình thức văn bản và nội dung văn bản điều chỉnh. Mặt khác, nếu như xem xét về tính thống nhất trong công tác ban hành văn bản thì Quốc hội ban hành Nghị quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng ban hành Nghị quyết do đó HĐND và Thường trực HĐND cùng ban hành Nghị quyết là thống nhất và phù hợp. 

     Nhưng người theo quan điểm này cũng băn khoăn: Vậy những vấn đề gì và những nội dung nào sẽ được Thường trực HĐND quyết nghị bằng hình thức văn bản Nghị quyết hay quyết theo cảm tính về mức độ quan trọng nhiều hay ít của vấn đề và sẽ có hay không tình trạng lạm dụng việc ban hành Nghị quyết của Thường trực HĐND. Trình tự, thủ tục ban hành như thế nào để quy trình UBND trình Thường trực HĐND cho ý kiến trước khi quyết nghị phải được thực hiện chặt chẽ, phải qua một trình tự nhất định tránh tình trạng làm quan trong hóa các vấn đề hay “vỏ mới, ruột cũ” đồng thời cũng phải đảm bảo tính kịp thời cho cơ quan chấp hành khi xử lý các vấn đề cấp bách. Chính từ những băn khoăn này nên tham khảo việc vận dụng Thông tư 01/2011/TT-BNV của các địa phương, được biết việc Thường trực HĐND ban hành Nghị quyết đến thời điểm hiện nay hầu như vẫn còn “dậm chân tại chỗ”.

     Trên thực tế khi tiếp nhận một vấn đề mới không tránh khỏi những khó khăn, lúng túng thậm chí là ngán ngại cho đối tượng thực hiện nhưng nếu có sự hướng dẫn rõ ràng, cụ thể thì việc triển khai thực hiện sẽ trở nên đơn giản, thuận lợi và hiệu quả. Để giúp Thường trực HĐND các cấp ban hành Nghị quyết cá biệt, thiết nghĩ Bộ Nội vụ cần có hướng dẫn thêm để việc triển khai thực hiện ở HĐND các địa phương, các cấp đảm bảo sự thống nhất và hiệu quả.

  Nguyễn Thị Oanh