Công tác dân vận trong xây dựng nông thôn mới ở Đồng Nai giai đoạn 2010 - 2020

Đăng ngày: 27/05/2013
​Chương trình xây dựng nông thôn mới là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta, nhằm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn”. 

​     Tại Đồng Nai, quán tiệt các chỉ đạo của Trung ương, của Chính phủ, ngày 29/12/2008 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa VIII) đã ban hành Kế hoạch số 97-KH/TU; UBND tỉnh ban hành Quyết định số 74/2008/QĐ-UBND phê duyệt “Đề án nông thôn mới tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2008-2010 và tầm nhìn đến năm 2015”; Bộ tiêu chí nông thôn mới đến năm 2020. Toàn tỉnh chọn 33 xã điểm của 9 huyện để xây dựng nông thôn mới.

     Để góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu chương trình, ngày 9/6/2011 Ban Dân vận Tỉnh ủy ban hành Hướng dẫn số 04- HD/BDVTU về công tác dân vận thực hiện “Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2010-2020” trong đó tập trung vào 06 nội dung:

     - Hệ thống dân vận các cấp đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân về nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Chủ động, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo việc tổ chức quán triệt, học tập quan điểm, mục tiêu và nội dung của chương trình; phân công cán bộ, đảng viên trực tiếp theo dõi, tham mưu việc triển khai, thực hiện.

     - Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; tổ chức, hướng dẫn cho nhân dân phát huy quyền làm chủ tham gia ý kiến vào các vấn đề có liên quan như việc xây dựng đề án; cơ chế huy động sự đóng góp, tham gia của nhân dân; những việc nhân dân được biết, được bàn, được làm, được kiểm tra...

     - Hướng dẫn nhân dân thực hiện quyền giám sát đối với các dự án, các nguồn vốn đầu tư; tranh thủ ý kiến, kinh nghiệm của nhân dân đối với các công việc cụ thể trong quá trình thực hiện để tăng hiệu quả, chất lượng. Phát động nhân dân tham gia đấu tranh với những biểu hiện tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, lợi dụng dân chủ khiếu kiện, gây rối, cản trở việc thực hiện.

     - Hệ thống dân vận từ tỉnh đến cơ sở tăng cường nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nông dân, chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan nghiên cứu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền ban hành các cơ chế, nhằm ưu tiên, hỗ trợ, khuyến khích, động viên, phát huy vai trò của nhân dân trong thi đua, tích cực tham gia thực hiện. Hướng vào các nội dung như: tập trung đào tạo nguồn nhân lực ở nông thôn, nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất; hướng dẫn và phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn; xây dựng và nhân rộng các mô hình giảm nghèo bền vững....

     - Xây dựng, nâng cao chất lượng và nhân rộng các mô hình gia đình, ấp, khu phố văn hóa, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao quần chúng; vận động nông dân tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao; thực hiện các tiêu chí phát triển văn hóa nông thôn.

     - Tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo Mặt trận, các đoàn thể, các đơn vị phân công cán bộ đảm nhận việc hướng dẫn, động viên các đoàn viên, hội viên đi đầu trong thực hiện. Ví dụ như: Mặt trận với phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Hội nông dân với các câu lạc bộ năng suất cao, sản xuất giỏi. Hội phụ nữ với các dự án vay vốn phát triển kinh tế hộ, xây dựng gia đình bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Đoàn thanh niên với dự án đưa trí thức trẻ về xây dựng nông thôn. Hội Cựu chiến binh với việc vận động nhân dân giữ gìn an ninh trật tự... Cần tập trung đổi mới về phương pháp, cách làm; mỗi phong trào nên gắn với các nội dung của chương trình, có mục tiêu, địa chỉ cụ thể, có sơ kết, tổng kết tạo niềm tin trong nhân dân.

     Để thực hiện các tốt các nội dung trên, Hướng dẫn cũng xác định một số nhiệm vụ trọng tâm đó là: Một là, Ban Dân vận các cấp phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể phát động phong trào thi đua yêu nước, xây dựng tiêu chí cụ thể, gắn với phong trào thi đua “Dân vận khéo”; phát hiện và nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả. Hai là, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân tham gia tích cực thực hiện các chương trình dự án nông thôn mới tại địa phương; xây dựng kế hoạch cụ thể, sát với thực tế để thực hiện, nhất là ở 33 xã điểm. Ba là, cùng Ban chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ, vận động nhân dân thực hiện và giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ, hướng dẫn các cơ sở xây dựng, sửa đổi, bổ sung quy chế, quy ước, các quy định về phát huy quyền làm chủ của người dân trong xây dựng nông thôn mới. Bốn là, đề nghị Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của tỉnh phát động và ban hành tiêu chí thi đua “chung sức xây dựng nông thôn mới” rõ ràng, cụ thể để áp dụng. Các cơ quan thông tin đại chúng thường xuyên đưa tin về các mô hình, điển hình tiên tiến, những kinh nghiệm hay để phổ biến và nhân rộng. Năm là, phối hợp với các ngành chức năng giúp cấp ủy theo dõi, đôn đốc, kiểm tra. Quá trình thực hiện tổ chức sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm; đề xuất khen thưởng, đồng thời tổng hợp kiến nghị của nhân dân, các đơn vị, kịp thời phản ánh cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo.

                                                                             Viên Hồng Tiến