Tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm cần được ưu tiên và tập trung chỉ đạo

Đăng ngày: 28/05/2013
​Ngày 06 tháng 8 năm 2011, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 06/2011/QH13 về việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992. Căn cứ Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các kế hoạch để triển khai thực hiện.

​     Đối với HĐND và UBND các cấp, tổng kết việc thi hành Hiến pháp nhằm đánh giá những vấn đề cơ sở lý luận và thực tiễn về địa vị pháp lý, vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và các quy định khác liên quan đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân từ đó xác định tính đúng đắn của nội dung Hiến pháp đã được thực tiễn kiểm nghiệm; những vấn đề bất cập trong các quy định của Hiến pháp từ đó đề xuất nội dung cụ thể để sửa đổi, bổ sung và những vấn đề cần quy định bổ sung trong Hiến pháp để thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 và các văn kiện khác của Đảng, Nhà nước phù hợp với tình hình mới. 

     Theo yêu cầu kế hoạch của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp và kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ, việc tổng kết thi hành nội dung quy định của Hiến pháp về Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp tập trung vào bốn vấn đề sau:

     - Vấn đề 1: Tổng kết việc thi hành các quy định của Hiến pháp về địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp.

     - Vấn đề 2: Tổng kết việc thi hành các quy định của Hiến pháp về mối quan hệ: Giữa Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ; giữa Hội đồng nhân dân với Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân; giữa Hội đồng nhân dân các cấp và Ủy ban nhân dân các cấp và giữa Hội đồng nhân, Ủy ban nhân dân với Ủy ban Mặt trận tổ quốc cùng cấp.

     - Vấn đề 3: Tổng kết việc thi hành các quy định của Hiến pháp về tổ chức của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân theo cấp hành chính.

     - Vấn đề 4: Tổng kết việc thi hành các quy định của Hiến pháp có liên quan đến tổ chức, hoạt động của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân.

     Về vai trò, trách nhiệm của Thường trực HĐND tỉnh trong tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 đã được xác định cụ thể trong các văn bản do các ngành Trung ương ban hành: “Có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với UBND tổ chức tổng kết việc thi hành các quy định của Hiến pháp năm 1992 trong phạm vi địa phương”. Trên cơ sở quy định, Thường trực HĐND tỉnh đã thống nhất với UBND thành lập tổ giúp việc HĐND, UBND tỉnh tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992 đồng thời xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện.

     Thường trực Hội đồng nhân dân các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hoà chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cùng cấp tổ chức tổng kết thi hành hiến pháp tại địa phương.

     Sở Tư pháp với vai trò thường trực Tổ giúp việc Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh trong tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992 chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Văn phòng Đoàn ĐBQH&HĐND tỉnh, Văn phòng UBND và Sở Nội vụ hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị trong việc triển khai thực hiện tổng kết thi hành Hiến pháp và tổng hợp báo cáo của các đơn vị, xây dựng dự thảo báo cáo tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Dự kiến báo cáo hoàn thành vào khoảng giữa tháng 12 năm 2011 để kịp thời báo cáo về Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp và Bộ Tư pháp.

     ​Với những nội dung quan trọng nêu trên, với khoảng thời gian để triển khai thực hiện không nhiều, tổ chức tổng kết thi hành Hiến pháp 1992 phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm cần được ưu tiên và tập trung chỉ đạo của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp, các cơ quan chuyên môn thuộc Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp để hoàn thành tốt công tác tổng kết thi hành Hiến pháp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Nguyễn Thị Oanh