1. Cử tri xã An Hòa và Long Hưng, thành phố Biên Hòa kiến nghị: UBND tỉnh kiểm tra và xử lý trại heo Phú Sơn và một số hộ chăn nuôi heo ở xã Bắc Sơn và xã Phước Thái xả nước chăn nuôi trực tiếp xuống suối ấp Tân Cang và sông Buông xã Phước Tân gây ô nhiễm môi trường.
Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai trả lời tại văn bản số 2308/STNMT-VP ngày 09/8/2011, cụ thể như sau:
Công ty cổ phần chăn nuôi heo Phú Sơn (Công ty Phú Sơn) thuộc danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 333/QĐ-UBND ngày 11/02/2009 của UBND tỉnh Đồng Nai.
Thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường thường xuyên phối hợp với các các cơ quan liên quan đôn đốc Công ty Phú Sơn thực hiện biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường. Kết quả cho thấy Công ty Phú Sơn đã hoàn thành thủ tục thẩm định công nghệ xử lý nước thải, vay vốn từ Quỹ Bảo vệ môi trường và đang tiến hành xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải công suất 550 m3/ngày để đảm bảo xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn quy định
Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đang tiếp tục đôn đốc Công ty Phú Sơn thực hiện biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường theo đúng tiến độ khắc phục xử lý ô nhiễm triệt để.
Riêng đối với việc kiểm tra và xử lý một số hộ chăn nuôi heo ở xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom và xã Phước Tân, thành phố Biên Hòa xả nước thải chăn nuôi trực tiếp xuống suối ấp Tân Cang và sông Buông xã Phước Tân gây ô nhiễm môi trường. Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ có văn bản đề nghị UBND huyện Trảng Bom và UBND thành phố Biên Hòa kiểm tra và xử lý theo thẩm quyền quy định.
2. Cử tri thành phố Biên Hòa kiến nghị: Còn 120 hộ dân ở tổ 10A, khu phố 4, phường Trảng Dài từ 10 năm nay phải mắc nhờ điện sinh hoạt giá cao, đề nghị tỉnh quan tâm. Bên cạnh đó, cử tri đề nghị đường điện ở tổ 20, khu phố 3 mất an toàn cần được kiểm tra, hỗ trợ chuyển đường dây sang vị trí mới để đảm bảo an toàn cho người dân khu vực này.
Công ty TNHH MTV Điện Lực Đồng Nai trả lời tại văn bản số 2538/PCĐN2 ngày 02/8//2011, cụ thể như sau:
1- Về nội dung: còn 120 hộ dân ở tổ 10A, khu phố 4, phường Trảng Dài từ 10 năm nay phải mắc nhờ điện sinh hoạt giá cao, Điện Lực Biên Hòa đã làm việc với cử tri Dương Quang Đông (phản ánh ý kiến trên) và đại diện chính quyền địa phương. Xin trả lời như sau :
Khu vực phường Trảng Dài, diện tích đất quy hoạch chủ yếu là đất nông nghiệp, dân cư phát triển theo cơ học, đất nền tự phát phân lô trái phép nên việc cấp điện cho dân cư rất hạn chế - do địa phương quan ngại phá vỡ quy hoạch. Vì vậy trong thời gian qua việc cấp điện cho khu vực phường Trảng Dài Điện lực chỉ có thể phát triển cải tạo và đầu tư lưới điện ở những khu quy hoạch khu dân cư hiện hữu, khu quy hoạch dân cư và những con đường chính của phường Trảng Dài, còn đối với các khu dân cư ngoài quy hoạch chủ đầu tư phải có thỏa hiệp hướng tuyến được sự chấp thuận của UBND phường thì Điện lực mới giải quyết cấp điện.
Đối với tổ 10 khu phố 4 phường Trảng Dài, tổng số hộ đang sinh sống là 160 hộ và Điện lực đã thực hiện cấp điện được 40 hộ thông qua trạm biến áp 160 kVA Trảng Dài 4-5. Tuy nhiên để cấp điện cho số hộ dân còn lại trong tháng 8/2011 Điện Lực Biên Hòa sẽ phối hợp với UBND Phường Trảng dài tiến hành khảo sát chi tiết và làm việc với UBND thành phố Biên Hòa xin ý kiến chủ trương cấp điện, Công ty sẽ có báo cáo tới các cơ quan và cử tri phản ánh liên quan kết quả làm việc chậm nhất cuối tháng 8/2011.
2- Về nội dung: tại tổ 20, khu phố 3, phường Trảng Dài đường điện mất an toàn cho người dân khu vực. Điện Lực Biên Hòa đã phối hợp với một số cán bộ (cán bộ phụ trách công trình công cộng của phường, đại diện khu phố và tổ trưởng tổ dân phố) phường Trảng Dài tiến hành kiểm tra lại tất cả các tuyến đường điện do Điện lực quản lý và cùng xác nhận tại đây không có hiện tượng dây điện mất an toàn. Tuy nhiên đoạn gần khu vực cây xăng 26 có một số dây cáp viễn thông len dưới cây cối ven đường, vì vậy nên bà con nhầm tưởng đây là đường dây điện của Điện lực.
3. Cử tri huyện Xuân Lộc kiến nghị: Tỉnh quan tâm xây dựng hồ Gia Măng, dự án này đã quá lâu đến nay chưa thực hiện, trong năm 2011 có thực hiện không, đề nghị tỉnh thông báo để người dân rõ.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời tại văn bản số 1736/SNN-KHTC ngày 08/8/2011, cụ thể như sau:
- Dự án hồ chứa nước Gia Măng được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt dự án đầu tư tại Quyết định số 1209/QĐ-UBND ngày 14/4/2008. Tổng mức đầu tư: 113.244.000.000 đồng. Chủ đầu tư: Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi.
- Ngày 24/11/2010 Chủ đầu tư phê duyệt hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công – dự toán và tổng dự toán tại Quyết định số 170/QĐ.KTTL, Quyết định số 171/QĐ.KTTL.
- Công trình hiện đang trong giai đoạn lập phương án bồi thường tổng thể khu đầu mối và đường quản lý thi công; dự kiến tháng 1/2012 hoàn thành phương án bồi thường chi tiết, giải phóng mặt bằng.
- Dự kiến hoàn thành công tác đấu thầu thi công trước 30/4/2012, triển khai thi công vào tháng 5/2012.
4. Cử tri huyện Trảng Bom kiến nghị: Tỉnh giao lại 2 hồ đập thủy lợi 3/2, hồ Thanh niên tại xã Hố Nai 3 cho địa phương quản lý để chủ động trong việc tu sửa, lấy nước tưới tiêu.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai trả lời tại văn bản số 1736/SNN-KHTC ngày 08/8/2011, cụ thể như sau:
Hồ chứa nước Bà Long và hồ chứa nước Thanh Niên hiện tại do Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi quản lý. Căn cứ Thông tư số 65/2009/TT-BNN ngày 06/11/2009 của Bộ NN&PTNT hướng dẫn tổ chức hoạt động và phân cấp quản lý, khai thác công trình thủy lợi:
- Đối với hồ chứa có dung tích nhỏ hơn 1 triệu m3 sẽ phân cấp cho địa phương quản lý; đối với hồ chứa có dung tích lớn hơn 1 triệu m3 do Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi quản lý.
- Căn cứ theo quy định, hồ Bà Long có dung tích 1.2 triệu m3 do Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi quản lý, hồ Thanh Niên có dung tích 600.000m3 phân cấp cho địa phương quản lý. Hiện Sở Nông nghiệp và PTNT đã trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt kết quả phân cấp tại Văn bản số 1506/SNN-TL ngày 13/7/2011.
5. Cử tri huyện Định Quán kiến nghị: UBND tỉnh tiếp tục thực hiện quy hoạch vùng bán ngập lòng hộ Trị An để nuôi trồng thủy hải sản, tránh tình trạng người dân đào ao tràn lan.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai trả lời tại văn bản số 1736/SNN-KHTC ngày 08/8/2011, cụ thể như sau:
Về nội dung này, tại kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh Đồng Nai khóa VIII, Đại biểu HĐND tỉnh Trần Văn Phước, đơn vị bầu cử số 24 có đặt câu hỏi chất vấn cụ thể như sau:
“Trong những năm vừa qua, huyện Định Quán nghiêm túc thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh xử lý việc vi phạm lòng hồ Trị An. Tuy nhiên, để đảm bảo việc ổn định và phát triển vùng bán ngập lòng hồ Trị An, góp phần phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn, tử năm 2005 huyện Định Quán đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo cho các sở, ngành có liên quan (Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và PTNT ) phối hợp cùng địa phương khảo sát đề xuất UBND tỉnh, song đến nay vẫn chưa thực hiện. Đề nghị UBND tỉnh cho biết nguyên nhân tại sao và quy hoạch này đến khi nào mới triển khai thực hiện.”
Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Nông nghiệp và PTNT đã thống nhất nội dung trả lời chất vấn của đại biểu Trần Văn Phước tại kỳ họp HĐND tỉnh lần thứ 2, khóa VIII, bằng Văn bản số 2075/STNMT-TNN, ngày 15/7/2011 của Sở Tài nguyên và môi trường, nội dung trả lời cụ thể như sau:
Việc xử lý các tồn tại và quản lý lòng hồ Trị An theo Văn bản số 54/TB-VPCP ngày 24/3/2005 của Văn phòng chính phủ về thông báo ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ về kết quả thanh tra công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và vi phạm ở lòng hồ Trị An và Nghị định 112/2008/NĐ-CP ngày 20/10/2008 của Chính phủ về quản lý, bảo vệ, khai thác tổng hợp tài nguyên và môi trường các hồ chứa thủy điện, thủy lợi.
Thực hiện Văn bản số 54/TB-VPCP ngày 24/3/2005 của Văn phòng Chính phủ; UBND tỉnh đã giao cho Sở tài nguyên và Môi trường chỉ đạo cắm mốc đường độ cao 62 m để phục vụ việc xử lý tồn tại và thực hiện công tác quản lý. Sở Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo Trung tâm kỹ thuật Địa chính – Nhà đất tiến hành cắm mốc đường độ cao 62 m; đến tháng 12/2005 công tác cắm mốc đã hoàn thành và bàn giao cho địa phương (tổng số đã cắm 400 mốc, với diện tích của vùng lòng hồ là 32.900 ha).
Thực hiện Văn bản số 7239/TB-UBND ngày 24/10/2006 về thông báo kết luận cuộc họp kiểm tra, rà soát, tổng hợp kết quả thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; Sở Tài nguyên và Môi trường đã giao nhiệm vụ cho Trung tâm Kỹ thuật Địa chính- Nhà đất tiếp tục khảo sát, lập thiết kế kỹ thuật và dự tóan kinh phí đo đạc và cắm mốc đường độ cao 65m để phục vụ cho công tác lập quy hoạch khai thác và sử dụng hiệu quả các tài nguyên khác, bảo vệ môi trường vùng hồ Trị An trong phạm vi cao trình từ 62m đến 65m.
Tuy nhiên, đến ngày 23/4/2007 Công ty Thủy điện Trị An có Văn bản số 427/CV-TĐTA-KT cho biết việc thống nhất cao trình cắm mốc giới vùng phụ cận bảo vệ khu vực lòng hồ Trị An sẽ do Bộ Công thương chủ trì tổ chức cuộc họp trong tháng 5/2007 với Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Đồng Nai, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị có liên quan để thống nhất khu vực cắm mốc giới xác định hành lang bảo vệ an tòan công trình và các vấn đề có liên quan đến việc quản lý đất có mặt nước từ cao trình mặt nước dâng bình thường trở xuống, trên cơ sở đó sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế chung về quản lý tất cả các lòng hồ thủy điện.
Ngày 25/5/2007, UBND tỉnh Đồng Nai có Văn bản số 3843/UBND-CNN về việc tạm ngưng xác định mốc giới cao trình từ 62m đến 65 m ven lòng hồ Trị An.
Ngày 20/10/2008, Chính phủ ban hành Nghị định số 112/2008/NĐ-CP về quản lý, bảo vệ, khai thác tổng hợp tài nguyên và môi trường các hồ chưa thủy điện, thủy lợi. Theo quy định tại Nghị định 112/NĐ-CP thì các hồ chứa thủy điện, thủy lợi có 2 vùng là vùng lòng hồ và hành lang bảo vệ hồ chứa. Đối với hồ Trị An thì vùng lòng hồ từ đường độ cao 62m trờ xuống (trong đó vùng bán ngập từ độ cao 50 m đến độ cao 62 m), vùng hành lang bảo vệ hồ chưa từ độ cao 62m đến 63,9 m.
Ngày 05/12/2008, Sở Tài nguyên và Môi trường đã làm việc với Công ty Thủy điện Trị An để thống nhất phương án cắm mốc hành lang bảo vệ hồ chứa nuớc thủy điện Trị An theo đúng Nghị định 112/ND-CP, ngày 20/10/2008 của Chính phủ như: cắm mốc đường độ cao 63,9m (thay cho việc cắm mốc đường độ cao 65m), lập bản đồ hiện trạng sử dung đất có thể hiện vị trí mốc hành lang bảo vệ hồ chứa ở độ cao 62m, 63,9m và thể hiện đường bình độ 62m, 63m,64m.
Ngày 17/9/2009, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2651/QĐ-UBND về việc phê duyệt phương án cắm mốc bảo vệ hành lang hồ chứa nuớc Trị An, Sở Tài nguyên và Môi trường đã triển khai thực hiện. Đến tháng 6/2010, công tác cắm mốc đường độ cao 63,9m đã hoàn thành (tổng số đã cắm 700 mốc, với diện tích của vùng lòng hồ là 32.000 ha) và bàn giao tài liệu cắm mốc hành lang hồ chứa nước Trị An cho các xã, huyện và công ty Thủy điện Trị An để thực hiện công tác quản lý.
+ Về công tác lập quy hoạch chi tiết.
Trước ngày 20/10/2008 (ngày Chính phủ ban hành Nghị định số 112/2008/NĐ-CP về quản lý, bảo vệ, khai thác tổng hợp tài nguyên và môi trường các hồ chứa thủy điện, thủy lợi), thực hiện Văn bản số 7239/TB-UBND ngày 24/10/2006 về thông báo kết luận cuộc họp kiểm tra, rà sóat, tổng hợp kết quả thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chủ yếu là cắm mốc và xử lý các tồn tại ở lòng hồ Trị An, trong đó có giao Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, hoàn chỉnh đề án nuôi trồng, khai thác thủy sản theo hướng thân thiện với môi trường. Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp Khu bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai lập dự án để thực hiện. Tuy nhiên UBND tỉnh đã chỉ đạo chở hoàn thành quy hoạch tổng thể Khu Bảo tồn Thiên nhiên – Văn hóa Đồng Nai giai đọan 2011-2020 ( Quy hoạch này hiện Khu Bảo tồn Thiên nhiên- Văn hóa Đồng Nai đang hoàn thiện theo góp ý của các Sở, ngành, dự kiến sẽ trình UBND tỉnh phê duyệt trong tháng 8/2011).
Ngòai ra, trên cơ sở đề nghị của Sở Nông nghiệp và PTNT, ngày 4/5/2011 UBND tỉnh đã có Văn bản 2900/UBND-CNN chấp thuận cho Sở Nông nghiệp và PTNT thuê đơn vị tư vấn điều tra, xác định khả năng sinh trưởng, phát triển và đánh giá hiệu quả của việc trồng Tràm vùng bán ngập hồ Trị An, dự kiến sẽ trình phê duyệt đề cương và dự toán kinh phí triển khai trong quý IV năm 2011.
Về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chi tiết, ngày 10/6/2011 UBND tỉnh Đồng Nai có Văn bản số 3938/UBND-CNN về việc xử lý tình hình vi phạm hành lang bảo vệ tại các huyện Vĩnh Cửu, Định Quán, theo đó UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp các ngành, UBND các địa phương có liên quan, Công ty Thủy điện Trị An khẩn trương xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chi tiết trong hành lang bảo vệ hồ Trị An, đảm bảo khai thác, sử dụng có hiệu quả đất đai, các tài nguyên khác, bảo vệ môi trường, không gây tác động xấu đến hồ và cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên, môi trường hồ chứa.
Hiện nay Trung tâm Kỹ thuật Địa chính- Nhà đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường đang lập dự án triển khai thực hiện. Dự kiến sẽ thực hiện vào quý IV/2011 và hoàn thành công việc trong Quý II/2012.
Quá trình lập quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất chi tiết vùng hành lang bảo vệ hồ chứa và vùng lòng hồ sẽ kết hợp chặt chẽ với với quy hoạch tổng thể Khu bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai giai đọan 2011-2012.
Trên đây là nội dung trả lời của Sở Tài nguyên Môi trường đối với ý kiến chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh Trần Văn Phước tại kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa VIII.
Trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường và các ngành, địa phương có liên quan tổ chức triển khai thực hiện những nội dung trên.