CẦN CHỦ ĐỘNG TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC KIỂM TRA, KIỂM SOÁT THỊ TRƯỜNG

Đăng ngày: 30/05/2013
​Trong năm 2011, do ảnh hưởng của nền kinh tế thế giới với vấn đề nợ công, tăng trưởng kinh tế chậm...thị trường tỉnh Đồng Nai cũng có nhiều biến động về giá cả, cung cầu hàng hóa …Tuy nhiên, lãnh đạo Chi cục và toàn thể cán bộ, công chức ngành Quản lý thị trường đã cố gắng, nỗ lực khắc phục những khó khăn, thực hiện tốt công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường. 

​     Xây dựng kế họach kiểm tra, kiểm soát có trọng tâm theo từng thời điểm để xác định đúng đối tượng, địa bàn, mặt hàng, các thủ đoạn gian lận thương mại, áp dụng tốt các biện pháp nghiệp vụ để kiểm tra ngăn chặn xử lý kịp thời những vụ buôn lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại, góp phần ổn định tình hình địa phương trong lĩnh vực thương mại, đảm bảo được thị trường ổn định, không có tình trạng đầu cơ, găm hàng, tự nâng, ép giá, đảm bảo kiểm soát các mặt hàng thuộc danh mục bình ổn giá theo quy định của Chính phủ…​

    Công tác quản lý thị trường đã gắn sát với tình hình chung, tập trung vào những thời điểm trên thị trường có biến động như dịp Tết, dịp phát sinh dịch bệnh. Xác định đúng tuyến, đối tượng, địa bàn, mặt hàng trọng điểm, đẩy mạnh công tác trinh sát vận động quần chúng nhân dân tham gia tố giác hành vi, vi phạm. Trong năm, đã tổ chức kiểm tra 2.754 vụ vụ, tăng 201 vụ so với năm 2010 (năm 2010 kiểm tra 2.553 vụ), trong đó số vu vi phạm là 2.659 vụ ( đạt 97% số vụ kiểm tra), đã xử lý 2.686 vụ, tổng số tiền nộp ngân sách 5.033.115.000 đồng… nội dung vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại của cơ sở, hộ kinh doanh, doanh nghiệp chủ yếu là vi phạm trong lĩnh vực niêm yết giá, ghi nhãn hàng hóa, hàng hóa giã mạo nhãn hiệu, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm về VSATTP...Bên cạnh công tác kiểm tra, xử lý những vi phạm, công tác giáo dục, phòng ngừa chung cũng được quan tâm thông qua các hoạt động tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về thương mại đến các doanh nghiệp, hộ kinh doanh. Chi cục QLTT đã phối hợp với báo Đồng Nai, đài phát thanh truyền hình Đồng Nai thông tin kết quả kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật và các vụ điển hình; Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, tổ chức kiểm tra các hoạt động kinh doanh đồng thời ký kết các quy chế phối hợp hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả công tác. 

P1000406.jpg
Ông Phạm Ngọc Tuấn – Ủy viên thường trực HĐND tỉnh phát biểu
 tại buổi giám sát Chi cục quản lý thị trường​
 

     Nhằm bình ổn thị trường trước, trong và sau tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012, ngay từ tháng 10/2011 Chi Cục Quản lý Thị trường đã chủ động xây dựng Kế hoạch về kiểm tra, kiểm soát thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Các Đội QLTT cũng đã xây dựng kế hoạch thực hiện chi tiết phù hợp với địa bàn quản lý. Qua kết quả kiểm tra, tổng hợp báo cáo của các Đội QLTT, nhìn chung hàng hóa phục vụ Tết Nguyên Đán Nhâm Thìn năm 2012 dồi dào, phong phú và đa dạng về mẫu mã, chủng loại; đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong những ngày lễ, tết của nhân dân; Qua kiểm tra thực tế cho thấy giá mua vào và giá bán ra không chênh lệch nhiều, nằm trong giới hạn cho phép khoảng 5 đến 10%. Chi cục đã chỉ đạo các Đội tiếp tục theo dõi tình hình giá cả hàng hóa, việc chênh lệch giá trên thị trường.

     Tuy nhiên, tình hình vi phạm trong lĩnh vực chấp hành đăng ký kinh doanh, lĩnh vực vi phạm quy định ghi nhãn hàng hóa, vi phạm niêm yết giá còn khá phổ biến và thường mang tính đối phó, khi có lực lượng kiểm tra mới niêm yết...; Số vụ việc vi phạm phát hiện trong quá trình kiểm tra chiếm một tỷ lệ lớn so với tổng số vụ đã tiến hành kiểm tra (97%) tuy nhiên, Chi cục quản lý thị trường và các Đội quản lý thị trường trong tỉnh mới chỉ dừng lại ở việc phát hiện, xử lý, chưa tìm ra và phân tích nguyên nhân chủ quan, khách quan của những vi phạm để từ đó có những kiến nghị với Ủy ban nhân dân tỉnh, UBND cấp huyện các biện pháp bảo đảm việc thi hành pháp luật và ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật; Công tác đấu tranh chống hàng giả, vi phạm quyền Sở hữu trí tuệ tuy lực lượng đã tích cực kiểm tra và xử lý kịp thời những vụ việc vi phạm, nhưng vụ việc phát hiện kiểm tra tại cơ sở sản xuất còn hạn chế, nhất là số vụ vi phạm có quy mô lớn vẫn chưa được phát hiện nhiều; Công tác kiểm tra, thanh tra việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được quan tâm, thường thì các cơ quan chỉ thực hiện theo đợt (tháng hành động VSATTP...), chưa tổ chức thanh tra, kiểm tra thường xuyên. Mặt khác, khi có vi phạm thì các cơ quan thường áp dụng biện pháp nhắc nhở, cảnh cáo ít khi xử lý triệt để. Do đó, đối tượng vi phạm đôi khi có sự ỷ lại và khó cho các cơ quan khác khi kiểm tra, xử lý trong lần tiếp theo; Công tác phối hợp trao đổi thông tin, cung cấp các phương thức, thủ đoạn hoạt động vi phạm của các đối tượng với các ngành chức năng còn chưa được thường xuyên, kịp thời. 

                                                                                Sĩ Tiến