Một số hạn chế trong công tác Phòng chống tham nhũng

Đăng ngày: 30/05/2013
​Theo kết quả thống kê, trong năm 2011, Cơ quan cảnh sát điều tra các cấp đã thụ lý điều tra 14 vụ án tham nhũng với 36 bị can, giảm 01 vụ so với năm 2010.Trong đó, tổng thiệt hại khoảng 10,7 tỷ  đồng; đã thu hồi thiệt hại 9,5 tỷ. Kết quả xử lý chuyển Viện Kiểm sát nhân dân đề nghị truy tố 12 vụ với 30 bị can, đang tiếp tục điều tra 02 vụ với 06 bị can. Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã thụ lý và chuyển Tòa án nhân dân các cấp xét xử 09 vụ với 21 bị can; đang điều tra 04 vụ với 07 bị can, trong đó gồm 01 vụ với 02 vị can do Tòa án trả lại, 04 bị can Viện kiểm sát đình chỉ trước khi chuyển Tòa. Ngành Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý 15 vụ án với 38 bị cáo; kết quả đã xét xử 12 vụ với 31 bị cáo với mức án cao nhất là 15 năm tù và thấp nhất là 08 tháng, có 11 bị cáo cho hưởng án treo. Hiện đang thụ lý 02 vụ với 05 bị cáo.

​     So với những năm trước, năm nay công tác Phòng chống tham nhũng (PCTN) đã có những chuyển biến tích cực cả trong nhận thức lẫn hành động và đạt được những kết quả rõ nét hơn trong phòng ngừa, đấu tranh, xử lý tham nhũng.Tuy nhiên, cũng còn tồn tại những mặt hạn chế như:  Chế độ thông tin báo cáo về tình hình và kết quả công tác phòng, chống tham nhũng ở nhiều đơn vị báo cáo chậm, dẫn đến việc nắm bắt, xử lý thông tin còn chậm, việc báo cáo cấp trên không kịp thời. Một số mặt công tác còn bộc lộ hạn chế, cụ thể như công tác cải cách hành chính mặc dù được quan tâm đẩy mạnh, tuy nhiên trên thực tế quy trình giải quyết thủ tục hành chính vẫn còn nhiều rườm rà, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp.  Quá trình thưc hiện Quy chế phối hợp trong công tác điều tra - truy tố - xét xử còn thiếu đồng bộ, không mang tính thường xuyên, dẫn đến việc xử lý một số vụ việc thiếu thống nhất giữa các cơ quan tiến hành tố tụng. Việc phối hợp giữa UBND và UBMTTQ cùng cấp chưa chặt chẽ, chưa phát huy vai trò của quần chúng nhân dân trong công tác PCTN; các tổ chức xã hội, các Ban Thanh tra nhân dân chưa thực sự phát huy vai trò của mình trong việc phát hiện tiêu cực, tham nhũng. 

     Đánh giá công tác PCTN trong thời gian qua, trong đó ngoài những nguyên nhân khách quan như cơ chế, chính sách pháp luật về PCTN, lãng phí chưa thật sự hoàn thiện do hành vi tham nhũng ngày càng tinh vi, diễn ra trên diện rộng, nhiều lĩnh vực; đối tượng tham nhũng là những người có chức vụ, quyền hạn...thì yếu tố chủ quan vẫn là nguyên nhân chủ yếu như: Vai trò trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức ở một số đơn vị chưa cao, thiếu chủ động trong tổ chức thực hiện công tác PCTN, lãng phí của đơn vị mình; từ đó dẫn đến công tác đấu tranh PCTN ở một số nơi còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao. Mặt khác, công tác PCTN có phạm vi rộng lớn, liên quan đến nhiều lĩnh vực hoạt động; do đó muốn đạt hiệ quả cao cần phải có sự phối hợp của các ngành, các cấp, nhiều đơn vị nhưng trên thực tế lại thiếu sự phối hợp chặt chẽ và không mang tính hệ thống, thường xuyên nên chưa phát huy tốt hiệu quả. Lực lượng cán bộ giúp việc công tác PCTN của các đơn vị, địa phương không có cán bộ chuyên trách; cán bộ trực tiếp tham gia công tác PCTN còn thiếu, phần lớn chưa được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ trong khi cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật chưa đáp ứng được yêu cầu nên trong quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn, lúng túng, ảnh hưởng đếu hiệu quả công tác. Ở một số địa phương, đơn vị, công tác xử lý vụ việc tham nhũng có trường hợp còn thiếu kiên quyết.

                                                                               Ngọc Hiền