Thường trực HĐND tỉnh giám sát tình hình thực hiện dự án chợ Tân Hiệp, thành phố Biên Hòa

Đăng ngày: 03/06/2013
​Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, ngày 18/4/2012 Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh do bà Huỳnh Thị Nga, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn đã tổ chức giám sát đối với các Sở:  Kế hoạch - Đầu tư, Xây dựng, Công thương và UBND thành phố Biên Hòa về tình hình thực hiện dự án chợ Tân Hiệp. Tham dự cùng Đoàn giám sát có ông Trần Văn Tư, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Đinh Quốc Thái, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; ông Nguyễn Công Ngôn, Phó Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh.

​     Chợ Tân Hiệp nằm trên địa bàn phường Tân Hiệp, thành phố Biên Hòa, là chợ loại 1, được Nhà nước và các hộ kinh doanh đầu tư xây dựng từ năm 1999; có tổng diện tích 15.990 m2 (trong đó diện tích xây dựng chợ là 6.602 m2 ); đất có nguồn gốc do Nhà nước quản lý. Chợ có 702 điểm kinh doanh, trong đó có 650 điểm kinh doanh cố định, 52 điểm kinh doanh không cố định. Qua thời gian sử dụng chợ đã xuống cấp. Để xây dựng lại chợ mới xứng tầm với phát triển đô thị loại II, năm 2006, trên cơ sở đề xuất của một số nhà đầu tư, UBND thành phố Biên Hòa kiến nghị UBND tỉnh xây dựng lại chợ theo mô hình Trung tâm thương mại - Siêu thị kết hợp chợ truyền thống Tân Hiệp và được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương.

     Ngày 05/01/2007, UBND tỉnh ban hành quyết định giới thiệu địa điểm cho Công ty TNHH Tư vấn Xây dựng Điện Thành Phát và Ngân hàng thương mại Cổ phần Phương Nam. Ngày 10/4/2007, UBND tỉnh chấp thuận điều chỉnh chủ đầu tư thực hiện dự án là Công ty Cổ phần Tân Trung Sơn. Ngày 18/4/2008, UBND tỉnh ban hành quyết định thu hồi đất để thực hiện dự án, với tổng diện tích 15.990,2 m2.

     Ngày 31/12/2008, UBND tỉnh chấp thuận cho Công ty Cổ phần Tân Trung Sơn thuê 15.264,5 m2 đất để thực hiện dự án, thời gian thuê 50 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Khi được chấp thuận chủ trương thuê đất, Công ty Cổ phần Tân Trung Sơn đã lập thủ tục triển khai, thực hiện dự án: Ngày 01/11/2007, UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư; ngày 30/3/2009 Sở Xây dựng cấp Giấy phép xây dựng  số 12/GPXD; chuẩn bị mặt bằng chợ tạm; phối hợp lập phương án di dời các hộ kinh doanh sang chợ tạm để xây dựng công trình.

     Trong quá trình di dời, các hộ tiểu thương đã có nhiều đơn thư phản ánh, kiến nghị liên quan đến lợi ích của các hộ tiểu thương. Chủ đầu tư đã phối hợp với UBND thành phố Biên Hòa tổ chức công khai mô hình, thiết kế; đồng thời, cam kết một số nội dung với các hộ tiểu thương như: chính sách hỗ trợ di dời, điều chỉnh một số nội dung trong thiết kế theo kiến nghị của tiểu thương; việc tái bố trí các hộ kinh doanh khi công trình hoàn thành.

    Trên cơ sở đề nghị của Chủ đầu tư, tháng 4/2010 UBND thành phố Biên Hòa xin chủ trương UBND tỉnh thay đổi phương án sắp xếp sạp, ki-ốt. Ngày 22/4/2010, UBND tỉnh đồng ý chủ trương; ngày 8/2/2011, Sở Xây dựng cấp phép xây dựng số 22/GPXD thay thế giấy phép xây dựng số 12/GPXD ngày 30/3/2009.

DSC03934.jpg 
 Đồng chí Trần Văn Tư, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu kết luận
 tại cuộc giám sát​ 

     Khi thay đổi giấy phép xây dựng, Chủ đầu tư tiếp tục xây dựng công trình. Vào cuối năm 2011, đầu năm 2012 các hộ tiểu thương tiếp tục phản ánh về những bất lợi khi thực hiện dự án. Các tiểu thương cho rằng: Nhà nước không thực hiện đúng cam kết ban đầu, đồng thời tổ chức tập trung đông người tại khu vực công trình thi công, cản trở xây dựng công trình; bên cạnh đó, các hộ tiểu thương đã nhiều lần tập trung đông người tại Trụ sở Khối Nhà nước tỉnh, Tỉnh ủy, Đoàn ĐBQH tỉnh, gây mất an ninh trật tự.

     Kết quả giám sát cho thấy: Chủ trương xây dựng lại chợ Tân Hiệp thành Trung tâm Thương mại kết hợp chợ truyền thống là cần thiết, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Biên Hòa theo hướng văn minh, hiện đại, phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị loại II. Trong quá trình triển khai thực hiện dự án, các sở chuyên ngành, UBND thành phố Biên Hòa và Chủ đầu tư đã căn cứ quy định của Nhà nước về đầu tư, xây dựng thực hiện cơ bản đúng quy trình, thủ tục để triển khai, thực hiện dự án Trung tâm thương mại kết hợp chợ truyền thống Tân Hiệp. Cụ thể: các sở chuyên ngành, UBND thành phố Biên Hòa đã cùng tham gia các cuộc họp, đề xuất ý kiến bằng văn bản, tham mưu, đề xuất UBND tỉnh ban hành các quyết định lựa chọn nhà đầu tư, giới thiệu địa điểm, điều chỉnh quy hoạch; cấp giấy chứng nhận đầu tư; thực hiện việc di dời, bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư; giải quyết kiến nghị, phản ánh của các hộ tiểu thương; lập phương án bố trí sạp, ki ốt mới. 

     Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, các cơ quan, đơn vị, UBND thành phố Biên Hòa và Chủ đầu tư đã có một số khuyết điểm, thiếu sót, chưa hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, làm ảnh hưởng đến lợi ích của các hộ tiểu thương, gây bức xúc, nhiều lần phản ánh, kiến nghị với cơ quan Nhà nước; có thời điểm các hộ tiểu thương tập trung đông người tại Trụ sở Khối Nhà nước tỉnh, Tỉnh ủy, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, ảnh hưởng trật tự, an ninh trên địa bàn. Cụ thể:

     - Việc giới thiệu địa điểm: Khi có thay đổi Chủ đầu tư, Sở Kế hoạch - Đầu tư chưa thông báo cho các sở chuyên ngành liên quan biết để cùng phối hợp thực hiện quản lý nhà nước đối với dự án; tại thời điểm giới thiệu đất để thực hiện dự án chưa phù hợp với quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch thương mại, tuy nhiên hiện nay các quy hoạch nêu trên đã được điều chỉnh, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố Biên Hòa.

     - Việc cấp giấy chứng nhận đầu tư: Sở Kế hoạch - Đầu tư chưa thực hiện kiểm tra chủ đầu tư và theo dõi đầy đủ dự án đầu tư theo quy định.

    - Việc cấp giấy phép xây dựng: Việc điều chỉnh giấy phép xây dựng, các cơ quan liên quan chưa thực hiện đúng và đầy đủ chỉ đạo của UBND tỉnh. Sở Xây dựng chưa xác định chỉ đạo của UBND tỉnh là điều kiện bắt buộc trước khi điều chỉnh giấy phép xây dựng; chưa thực hiện hậu kiểm toàn diện các nội dung yêu cầu trong giấy phép xây dựng; mật độ xây dựng của dự án vượt so với thỏa thuận chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật.

     - Việc thực hiện cam kết với các hộ tiểu thương: UBND thành phố Biên Hòa và Chủ đầu tư không thực hiện được nội dung tái bố trí vị trí kinh doanh theo cam kết do thực hiện giấy phép xây dựng mới.

    - Khi các hộ tiểu thương bức xúc, tập trung đông người phản ánh, UBND tỉnh và UBND thành phố Biên Hòa có tổ chức đối thoại nhưng thời gian tổ chức đối thoại chậm so với mong muốn của các hộ tiểu thương; công tác tuyên truyền về xây dựng Trung tâm Thương mại kết hợp chợ truyền thống đối với các hộ tiểu thương của UBND thành phố Biên Hòa, UBND phường Tân Hiệp còn nhiều hạn chế. 

     Trên cơ sở đánh giá những mặt được, chưa được trong quá trình thực hiện dự án chợ Tân Hiệp, Thường trực HĐND tỉnh kiến nghị UBND tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan một số nội dung:

     - Đối với UBND tỉnh: Kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo và kiểm tra việc thực hiện dự án liên quan đến số đông người dân và công tác giải quyết các vụ việc phản ánh kiến nghị, tụ tập đông người. Chỉ đạo các sở chuyên ngành như: Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Xây dựng và các địa phương phối hợp xây dựng quy định phân cấp, cơ chế phối hợp thực hiện hậu kiểm về đầu tư và xây dựng trên địa bàn tỉnh. Thông qua việc thực hiện dự án đầu tư chợ Tân Hiệp, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND cấp huyện, cấp xã nghiêm túc triển khai thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, giám sát đầu tư cộng đồng theo quy định tại Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 ngày 20/4/2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quyết định số 80/2005/QĐ-TTg ngày 18/4/2005 của Thủ trướng Chính Phủ. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và địa phương có liên quan đến việc triển khai thực hiện dự án chợ Tân Hiệp tự kiểm điểm, đánh giá, rút kinh nghiệm trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao để công tác quản lý nhà nước về đầu tư, xây dựng trên địa bàn tỉnh đạt được hiệu quả tốt hơn trong thời gian tới.

     Về phương hướng khắc phục: Đoàn giám sát thống nhất phương án sắp xếp, bố trí quầy sạp đã được UBND tỉnh, UBND thành phố Biên Hòa chọn để đối thoại với các hộ tiểu thương vào ngày 28/3/2012 vì phù hợp yêu cầu, điều kiện thực tế của công trình, cụ thể: Các sạp và ki ốt sẽ được bố trí toàn bộ tại tầng trệt, đảm bảo đủ mặt bằng cho 574 điểm của 427 hộ tiểu thương; 03 mặt của Trung tâm Thương mại được bố trí 3 dãy ki ốt dọc theo các tuyến đường Nguyễn Ái Quốc, Đồng Khởi và đường khu phố chợ. Bên trong nhà lồng chợ giảm một số ki ốt để tăng sạp lồng chính và tạo thêm lối ra vào. Bên cạnh đó, có một số chính sách hỗ trợ kinh phí di dời từ chợ tạm về chợ mới; hỗ trợ tiền thuế hàng tháng cho các hộ kinh doanh có hợp đồng dài hạn trong 5 năm và cộng thêm thời gian hợp đồng thuê quyền sử dụng sạp 5 năm; miễn tiền thu hoa chi, miễn tiền thu phí giữ xe khách hàng trong thời hạn 5 năm...Theo phương án này, mật độ xây dựng có tăng lên hơn 2,5% so với thiết kế ban đầu nhưng vẫn đảm bảo các chỉ số quy định về lối đi dọc > 3,6m, lối đi ngang > 2,4m và hệ thống phòng, chống cháy nổ. Đề nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành liên quan, UBND thành phố Biên Hòa phối hợp với Ủy ban MTTQVN và đoàn thể các cấp tích cực tuyên truyền, vận động để được sự đồng thuận của các hộ tiểu thương, sớm ổn định tình hình, đưa công trình vào hoạt động. 

     Theo phương án trên thì diện tích đất xây dựng công trình có tăng so với phương án cũ (do xây dựng một số ki ốt vào diện tích đất vỉa hè của đường nội bộ chợ), vì vậy đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở chuyên ngành xác định diện tích đất thực tế của công trình để bổ sung vào hợp đồng thuê đất đối với Chủ đầu tư, tránh thất thu ngân sách nhà nước.

     - Đối với Sở Xây dựng: Kiểm điểm, rút kinh nghiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực xây dựng về các vấn đề: Không tính toán và dự liệu trước những vấn đề phức tạp xảy ra do thay đổi thiết kế; việc thay đổi giấy phép xây dựng là một trong những nguyên nhân làm phát sinh kiến nghị, tụ tập đông người của các tiểu thương tại chợ Tân Hiệp;  trong điều chỉnh giấy phép xây dựng, chưa thực hiện đầy đủ chỉ đạo của UBND tỉnh; thẩm định dự án cho phép mật độ xây dựng vượt so với thỏa thuận chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật. Đồng thời, thực hiện hậu kiểm toàn diện các nội dung theo giấy phép xây dựng đã cấp.

    - Đối với Sở Kế hoạch - Đầu tư: Rút kinh nghiệm trong việc tham mưu UBND tỉnh quyết định giới thiệu địa điểm thực hiện dự án chưa phù hợp với quy hoạch theo quy định. Đồng thời, tổ chức kiểm tra việc chấp hành của Chủ đầu tư và theo dõi đầy đủ dự án đầu tư theo quy định tại Nghị định số 113/2009/NĐ-CP ngày 15/12/2009 của Chính Phủ.

     - Đối với Sở Công Thương: Kiểm điểm việc chưa tích cực phối hợp theo dõi, kiểm tra ý kiến góp ý của Sở về phương án điều chỉnh sắp xếp sạp, ki ốt để có kiến nghị kịp thời, phù hợp. Đồng thời, nâng cao vai trò, trách nhiệm quản lý ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao; phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan và UBND thành phố Biên Hòa thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về thương mại, sớm ổn định tình hình để đưa Trung Tâm thương mại và chợ truyền thống hoạt động ổn định, hiệu quả.

    ​- Đối với UBND thành phố Biên Hòa: Kiểm điểm trách nhiệm của tập thể UBND và Chủ tịch UBND thành phố trong việc thực hiện quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn và giám sát đầu tư cộng đồng theo quy định của pháp luật. Xác định rõ trách nhiệm của cá nhân và tập thể trong việc không thực hiện đầy đủ kết luận chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại buổi đối thoại với tiểu thương và trong việc lấy ý kiến tạo sự đồng thuận của tiểu thương theo đề nghị của Sở Xây dựng, Sở Công thương và các hạn chế nêu nêu trong Báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát. Phối hợp với UBMTTQVN và các tổ chức đoàn thể địa phương tuyên truyền, vận động các hộ tiểu thương hiểu rõ chủ trương của nhà nước và quyền lợi của các hộ tiểu thương khi thực hiện dự án để tạo sự đồng thuận cao. 

    - Đối với UBND phường Tân Hiệp: Tăng cường công tác giám sát đầu tư cộng đồng theo Quyết định số 80/2005/QĐ-TTg ngày 18/4/2005 của Thủ trướng Chính phủ.  Đồng thời, tổ chức tuyên truyền, vận động các hộ tiểu thương hiểu rõ chủ trương của Nhà nước và quyền lợi của các hộ tiểu thương để tạo sự đồng thuận cao. 

      - Đối với Công ty Cổ phần Tân Trung Sơn: Căn cứ quy hoạch, khẩn trương hoàn tất thủ tục để được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư phù hợp với dự án hiện nay. Rút kinh nghiệm việc chưa phối hợp với UBND thành phố Biên Hòa tổ chức lấy ý kiến các hộ tiểu thương về phương án sắp xếp sạp, ki ốt theo đề nghị của Sở Xây dựng, dẫn đến các hộ tiểu thương bức xúc, tập trung đông người phản ánh, gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự tại địa phương. Phối hợp với UBND thành Biên Hòa và các sở chuyên ngành của tỉnh thực hiện bố trí quầy sạp, ki ốt, hỗ trợ tạo điều kiện cho các hộ tiểu thương ổn định kinh doanh theo chỉ đạo của UBND tỉnh và những nội dung Công ty đã cam kết. Tổ chức thực hiện đầy đủ và đúng các nội dung quy định trong giấy phép xây dựng. Đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, có kế hoạch cụ thể thời gian thực hiện hoàn thành công trình theo giấy phép xây dựng, đảm bảo thời gian xây dựng công trình theo quy định.

                                                                 Thùy Trang-Quang Huy