Dự án Luật công đoàn: Những vấn đề cần được nghiên cứu kỹ trước khi ban hành

Đăng ngày: 03/06/2013
Tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật công đoàn (sửa đổi). Sau kỳ họp, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ủy ban pháp luật, Cơ quan soạn thảo (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam) và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý. Sau khi chỉnh lý, dự thảo Luật công đoàn (sửa đổi) gồm 5 chương, 33 điều, dự kiến sẽ được tiếp tục thảo luận đi đến thống nhất để thông qua tại kỳ họp thứ ba vào tháng 6-2012.

​    Cho đến nay, xung quanh dự thảo còn nhiều ý kiến chưa thống nhất với nhau và chưa thống nhất với dự thảo. Sau đây, chúng tôi xin trích đăng một số ý kiến còn khác nhau cũng như quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý. 

     Thứ nhất, về địa vị pháp lý của công đoàn (Điều 1): 

     Có ý kiến cho rằng cần quy định rõ trong luật về vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công đoàn. Tuy nhiên, cũng có ý kiến ngược lại, cho rằng không cần thiết phải quy định vấn đề này trong luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng là nguyên tắc quan trọng đối với toàn bộ hệ thống chính trị của nước ta, trong đó có các tổ chức chính trị xã hội nói chung và tổ chức  công đoàn nói riêng. Nguyên tắc này cũng đã được ghi nhận cụ thể tại điều 4 của Hiến pháp 1992. Với quy định tại điều 1 dự thảo luật khẳng định “Công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, là thành viên trong hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam” thì đương nhiên tổ chức và hoạt động của công đoàn đặt dưới sự lãnh đạo của đảng.

     Thứ hai, về quyền gia nhập và hoạt động công đoàn của lao động là người nước ngoài (khoản 2 Điều 5):

     Về vấn đề này, có hai nhóm ý kiến, nhóm thứ nhất tán thành với quy định về quyền gia nhập công đoàn Việt Nam của lao động là người nước ngoài. Trong khi đó, nhóm ý kiến thứ hai đề nghị không quy định vấn đề này trong Luật; trong trường hợp cần thiết thì giao Chính phủ quy định để phù hợp với từng thời kỳ phát triển. Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy, công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội có chức năng chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của giai cấp công nhân và người lao động trên lãnh thổ Việt Nam. Theo báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thì hiện nay có hàng chục ngàn lao động nước ngoài là chuyên gia, lao động kỹ thuật và lao động phổ thông đang làm việc tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam hoặc tại các doanh nghiệp của Việt Nam. Trong thực tế, quan hệ giữa lao động là người nước ngoài với người sử dụng lao động đã có phát sinh mâu thuẫn. Trong những trường hợp như vậy, nếu họ được tham gia công đoàn thì sẽ thuận lợi hơn để yêu cầu công đoàn bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Hơn nữa, việc cho phép lao động là người nước ngoài được gia nhập công đoàn như vậy thể hiện tính ưu việt của nhà nước ta đối với người lao động, trong đó có người lao động nước ngoài, đảm sự bình đẳng về quyền công đoàn giữa lao động là người Việt Nam và lao động là người nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị quy định quyền gia nhập công đoàn Việt Nam của lao động là người nước ngoài, đồng thời, để đảm bảo chặt chẽ, dự thảo luật cần bổ sung quy định đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nơi người nước ngoài làm việc phải có tổ chức công đoàn cơ sở thì lao động là người nước ngoài mới được quyền gia nhập công đoàn. 

     Thứ ba, về quy định thành lập Công đoàn cơ sở đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp có từ 20 lao động trở lên (Điều 6 dự thảo trình Quốc hội)

     Có ý kiến đề nghị bỏ quy định này vì cho rằng, hiện nay số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ có dưới 20 lao động chiếm phần lớn trong tổng số doanh nghiệp (trên 80% tổng số doanh nghiệp), do đó, nếu quy định chỉ những doanh nghiệp có từ 20 lao động trở lên phải thành lập công đoàn cơ sở là không phù hợp với thực tiễn. Có ý kiến đề nghị làm rõ căn cứ để quy định 20 lao động trở lên phải thành lập công đoàn cơ sở, đồng thời cho rằng quy định này không thống nhất với Điều lệ Công đoàn Việt Nam hiện hành.

     Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy, quy định cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có từ 20 lao động trở lên phải thành lập công đoàn cơ sở là trái với nguyên tắc tự nguyện thành lập quy định tại Điều 1 của dự thảo Luật. Hơn nữa, nếu quy định như vậy trong Luật sẽ dẫn đến thực tế là đối với các doanh nghiệp có từ 20 lao động trở lên mà không thành lập công đoàn thì sẽ vi phạm luật, và như vậy phải có chế tài đối với những vi phạm này. Vấn đề đặt ra là sẽ áp dụng chế tài đó với chủ sử dụng lao động hay công đoàn cấp trên trực tiếp. Bởi lẽ, việc thành lập hay không phục thuộc vào sự tự nguyện của người lao động. Nếu người lao động không tự nguyện thì người sử dụng lao động cũng như công đoàn cấp trên trực tiếp không thể “bắt buộc” họ thành lập tổ chức công đoàn được. Mặt khác, Điều lệ Công đoàn Việt Nam hiện hành quy định một đơn vị khi có đủ 5 đoàn viên thì có quyền thành lập Công đoàn cơ sở. Vì vậy, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị không quy định cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp có từ 20 lao động trở lên phải thành lập công đoàn. Tuy nhiên, để bảo đảm chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, các điều 10, 16, 17 và 22 dự thảo Luật đã được chỉnh lý, bổ sung theo hướng quy định rõ hơn trách nhiệm của công đoàn cấp trên cơ sở trong việc tuyên truyền, vận động, thu hút người lao động tại các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp nơi chưa có công đoàn cơ sở thành lập và gia nhập công đoàn; người sử dụng lao động, các tổ chức, đoàn thể khác cũng phải có trách nhiệm phối hợp với công đoàn cấp trên cơ sở tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động gia nhập, thành lập và hoạt động công đoàn; nghiêm cấm mọi hành vi cản trở, gây khó khăn trong việc gia nhập, thành lập và hoạt động công đoàn.

     Thứ tư, về trách nhiệm trong việc “tổ chức và lãnh đạo đình công” (khoản 9 Điều 10)

     Một số ý kiến tán thành với quy định của dự thảo Luật về trách nhiệm tổ chức và lãnh đạo đình công của công đoàn. Bên cạnh đó, có ý kiến băn khoăn về quy định này, vì cho rằng thực tế từ trước đến nay chưa có một cuộc đình công nào do công đoàn tổ chức và lãnh đạo, hầu hết các cuộc đình công xảy ra trong những năm qua là tự phát. 

     Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng, với chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động thì công đoàn phải có trách nhiệm tổ chức và lãnh đạo đình công trong các trường hợp cần thiết để bảo đảm cho cuộc đình công được thực hiện đúng pháp luật. Tuy nhiên, để công đoàn thực hiện tốt trách nhiệm “tổ chức và lãnh đạo đình công” cần nghiên cứu giải quyết đồng bộ mối quan hệ ba bên giữa người sử dụng lao động, người lao động và công đoàn. Trách nhiệm của công đoàn khi có mâu thuẫn giữa người lao động và người sử dụng lao động trước hết phải là hòa giải, thương lượng, vận động, thuyết phục để đạt được thỏa thuận, tránh để xảy ra các cuộc đình công gây thiệt hại cho cả hai bên. Trường hợp mâu thuẫn về lợi ích không thỏa thuận được thì công đoàn có trách nhiệm tổ chức và lãnh đạo người lao động thực hiện quyền đình công của mình theo đúng quy định của pháp luật, đồng thời tiếp tục đại điện cho người lao động bàn bạc với người sử dụng lao động để đi đến thống nhất giải quyết vụ việc đình công hoặc đại diện theo ủy quyền của người lao động trước Tòa để giải quyết vụ việc đình công. Vì vậy, cơ chế để bảo đảm cho công đoàn thực hiện được và có hiệu quả việc tổ chức, lãnh đạo đình công không thể quy định trong Luật công đoàn mà để quy định cụ thể trong Bộ luật lao động và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. 

     Ngoài các vấn đề lớn như trên, ý kiến đóng góp còn tập trung vào nhiều vấn đề khác như việc bố trí cán bộ công đoàn chuyên trách trong doanh nghiệp, về quyền và trách nhiệm của đoàn viên công đoàn, vấn đề đảm bảo điều kiện hoạt động công đoàn và quản lý, sử dụng tài chính công đoàn...Sau khi các Đoàn đại biểu Quốc hội thảo luận, cho ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan hữu quan tiếp thu chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ ba sắp tới.

                                                                               Kim Chung