Giải pháp nào quản lý việc đăng thông tin trên báo điện tử một cách hữu hiệu

Đăng ngày: 03/06/2013
​Yêu cầu về thông tin trên báo điện tử ở nước ta hiện nay được quy định bởi hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về báo chí như Luật Báo chí, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật báo chí năm 1999, Nghị định 51/2002/ND-CP về quy định chi tiết thi hành Luật báo chí và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật báo chí, Nghị định 02/2011/NĐ-CP quy định xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản…nói chung chỉ là các quy phạm pháp luật đối với báo truyền thống, chưa có văn bản quy định riêng cho báo điện tử. 

​     Trong khi đó, báo điện tử có nhiều đặc trưng riêng khác với báo giấy, trong đó tốc độ cập nhật và phát tán thông tin cao hơn báo giấy gấp nhiều lần. Vấn đề này liên tục được cử tri cả nước, trong đó có cử tri tỉnh Đồng Nai đề đạt với đại biểu Quốc hội .

     Báo chí điện tử đã phát huy lợi thế đưa thông tin nhanh nhạy, sinh động, hấp dẫn, tích hợp được nhiều loại hình truyền thông trên một phương tiện thông tin. Tuy nhiên, hoạt động của báo chí điện tử, trang thông tin điện tử và game online thời gian qua cũng bộc lộ những hạn chế, yếu kém, có lúc ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, đến thời điểm này, cả nước đã cấp phép 32 báo điện tử, 180 trang thông tin điện tử của cơ quan báo chí và gần 200 giấy phép trang thông tin điện tử tổng hợp. Trong đó, thực tế không ít tờ báo xa rời tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ; nhiều tin bài, hình ảnh thiếu nhạy cảm về chính trị; thông tin thiếu chính xác, khách quan; khai thác thiếu chọn lọc. Một số tờ báo sa vào khuynh hướng moi móc chuyện vụn vặt, vô bổ; soi mói đời tư các nhân vật nổi tiếng; sa đà vào các vấn đề giới tính, tâm linh, mê tín dị đoan, bạo lực. Như vậy, cần tìm hiểu quy định về quản lý loại hình báo chí này ở nước ta đã được thực hiện đến đâu.

     Luật báo chí yêu cầu các cơ quan báo chí phải thông tin chính xác, trung thực về mọi mặt của tình hình đất nước và thế giới, đảm bảo tính nguyên vẹn, chính xác của thông tin, không được đăng, phát những tin, bài trái với quy định của pháp luật Việt Nam, làm phương hại đến danh dự cá nhân, an ninh quốc gia và thuần phong mỹ tục. Theo quy định của Luật báo chí và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật báo chí và các văn bản hướng dẫn thi hành, Tổng Biên tập là người chịu trách nhiệm trước thủ trưởng cơ quan chủ quản và trước pháp luật về tính chính xác của thông tin đăng, phát trên báo chí. Trong trường hợp có căn cứ để xác định cơ quan báo chí thông tin sai sự thật, thiếu sự kiểm chứng và vi phạm những quy định của pháp luật về báo chí thì Tổng biên tập cơ quan báo chí phải chịu trách nhiệm trực tiếp xử lý, báo cáo, giải trình với cơ quan chủ quản và cơ quan quản lý nhà nước; chỉ đạo tổ chức cơ quan báo chí của mình rút kinh nghiệm và tiến hành đăng cải chính nội dung thông tin đã đăng phát theo quy định của pháp luật về báo chí. Ngoài ra, tùy mức độ vi phạm trong hoạt động thông tin báo chí của các cơ quan báo chí, các hình thức, biện pháp xử phạt hành chính được áp dụng theo quy định tại Nhị định 02/2001/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử  phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản.

     ​Thời gian vừa qua, cùng với việc phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương trong việc định hướng nội dung thông tin tại các buổi họp giao ban báo chí hàng tuần, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tăng cường nhắc nhở, định hướng các cơ quan báo chí hoạt động tuân thủ các quy định của Luật báo chí, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật báo chí. Bên cạnh đó, kiên quyết tiến hành xử lý từ hình thức nhắc nhở, phê bình trên giao ban báo chí, xử phạt vi phạm hành chính, thu hồi thẻ nhà báo và nghiệm trọng có thể ra quyết định ngừng xuất bản.

Như vậy, cho đến nay ở nước ta chưa có quy định riêng để quản lý loại hình báo điện tử mà mới chỉ có hệ thống quy phạm pháp luật để quản lý hoạt động báo chí nói chung, mà hầu hết là báo truyền thống. Thời gian sắp tới, để nâng cao hơn nữa vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực báo chí, xuất bản, Bộ Thông tin và Truyền thông dự kiến sẽ tiến hành sửa đổi, bổ sung và trình Thủ tướng Chính phủ Dự thảo Luật báo chí sửa đổi, bổ sung, trong đó sẽ quy định cụ thể hơn về các nội dung có liên quan đến hoạt động báo chí điện tử. Bên cạnh đó, tăng cường thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm những hành vi sử dụng trang thông tin điện tử, báo điện tử để đăng tải tư liệu, truyện, tranh, ảnh, video clip có nội dung không lành mạnh, trái với thuần phong mỹ tục.

                                                                                Kim Chung