Ngoài ra, đối với những khu TĐC nằm gần các đầu mối giao thông, được đầu tư hạ tầng kỹ thuật tốt, kết nối với cơ sở hạ tầng của khu vực lân cận, có đầy đủ tiện ích như điện, nước, y tế, trường học, chợ thì tỷ lệ đến nhận đất và làm nhà ở cao hơn so với các khu TĐC có điều kiện hạ tầng chưa tốt, không thuận tiện giao thông. Tại các khu TĐC, khi người dân được bố trí vào sẽ gặp một số thuận lợi như: được miễn đóng tiền cơ sở hạ tầng, đầy là một khoản tiền tương đối lớn và có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với người dân, những đối tượng được bố trí TĐC chỉ nộp tiền sử dụng đất, trường hợp gặp khó khăn được xem xét nợ tiền sử dụng đất theo quy định; những người dân được bố trí vào khu TĐC có điều kiện ổn định đời sống, việc làm, được thụ hưởng cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ và các tiện ích khác của khu TĐC như: hệ thống đường giao thông, điện, nước sạch, cơ sở y tế...được xem xét hỗ trợ tiền thuê nhà trong thời gian chờ nhận đất ở và xây dựng nhà tại khu TĐC, được hỗ trợ các chính sách về y tế, giáo dục; một số trường hợp không đủ điều kiện để bố trí TĐC cũng được xem xét giải quyết để người dân ổn định cuộc sống. Hiện nay, tỉnh đang triển khai thực hiện đề án khuyến công tại các khu TĐC trên địa bàn một số huyện, trong đó tập trung chủ yếu đào tạo và giải quyết việc làm cho các đối tượng bị thu hồi đất trong độ tuổi lao động được bố trí TĐC. Qua đó, người dân tại các khu TĐC có điều kiện để chuyển đổi công việc phù hợp hơn nhằm sớm có cuộc sống ổn định.
Khu tái định cư ở Phường An Bình do Công ty Phát triển KCN Biên Hòa
làm chủ đầu tư có kết cấu hạ tầng hiện đại và tiện ích
Tuy nhiên, bên cạnh một số mặt thuận lợi mà người dân khi vào sinh sống tại các khu TĐC được thụ hưởng thì còn một số khó khăn như đời sống sinh hoạt, sản xuất kinh doanh của các hộ dân tại khu TĐC bị sáo trộn do có sự thay đổi về môi trường, điều kiện sống và phải mất một thời gian sau các hộ này mới ổn định và thích nghi với cuộc sống tại nơi ở mới. Bên cạnh đó việc ảnh hưởng từ tập quán, nếp sống nông thôn nên phần lớn người dân có tâm lý e ngại, chưa thực sự yên tâm vào ở trong các khu TĐC, nhiều trường hợp sau khi nhận đất lại không đến xây nhà mà sang bán lại cho người khác. Hiện nay chưa có chính sách để giải quyết hỗ trợ cho người dân xây nhà tại khu TĐC nên một số trường hợp đã nhận đất ở tại khu TĐC nhưng số tiền bồi thường không đủ tiền xây nhà ở mới nên người dân cũng còn e ngại khi vào khu TĐC. Mặt khác, ở khu TĐC diện tích đất chỉ đủ làm nhà khoảng trên dưới 100m2 nên một số hộ là nông dân không thể tiếp tục sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, vì vậy khi đến nơi ở mới họ phải dừng hoặc tự chuyển đổi sang ngành nghề khác cho phù hợp; đối với các hộ là tiểu thương kinh doanh buôn bán nhỏ thì phải ngừng và tách khỏi thị trường quen thuộc để tổ chức tại khu vực kinh doanh mới. Theo quy định của Tỉnh thì những đối tượng trực tiếp sản xuất đất nông nghiệp bị thu hồi đất thì được hưởng chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm bằng tiền với mức hỗ trợ 1,5 lần giá đất nông nghiệp, đây là khoản hỗ trợ rất lớn để chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm mới, tuy nhiên việc sử dụng số tiền này chưa hiệu quả, chưa phù hợp, đa số được người dân sử dụng vào mục đích sinh hoạt, tiêu dùng cá nhân trong đó nhà nước không thể kiểm soát mục đích sử dụng khoản tiền này. Trước những khó khăn đó, UBND tỉnh đã có những kiến nghị cụ thể với Quốc hội và các cơ quan Trung ương xem xét ưu tiên bố trí đủ nguồn vốn xây dựng các khu TĐC, đồng thời xây dựng Quỹ ổn định phục hồi thu nhập sau TĐC để hỗ trợ lâu dài cho người dân và giữ ổn định chính sách pháp luật về bối thường, hỗ trợ, tái định cư trong thời gian dài nhưng vẫn đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người dân có đất bị thu hồi theo chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Ngọc Hiền