Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg và các Bộ ngành Trung ương có các văn bản quy định về chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, UBND tỉnh đã chỉ đạo các Sở, ngành, đơn vị liên quan và UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa tập trung quán triệt và tổ chức thực hiện về chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở; chỉ đạo Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp các sở, ngành, UBND các địa phương triển khai cho UBND các xã rà soát hộ nghèo để thực hiện tổ chức bình xét, lập và phê duyệt danh sách hỗ trợ theo quy định. Trên cơ sở Thông tư liên tịch số 08/2009/TTLT-BXD-BTC-BKHĐT-BNNPTNT-NHNN ngày 19/5/2009, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 3207/KH-UBND ngày 26/4/2010 thực hiện Đề án hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở trên địa bàn tỉnh.
Theo Đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt thì tổng số hộ được hỗ trợ và cho vay vốn để xây dựng nhà ở là 280 hộ thuộc địa bàn các huyện và thị xã Long Khánh với kinh phí dự kiến thực hiện việc hỗ trợ xây dựng nhà ở cho các hộ là 5.602 triệu đồng (Trong đó: vốn NSTW là 1.682 triệu đồng; vốn NSĐP là 560 triệu đồng; vốn vay NH Chính sách xã hội là 2.240 triệu đồng và vốn huy động khác là 1.120 triệu đồng). Đến ngày 29/10/2010 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 67/2010/QĐ-TTg cho phép bổ sung đối tượng được hỗ trợ nhà ở tại khu vực. Qua rà soát, báo cáo của các địa phương thì số lượng hộ thuộc danh sách được phê duyệt theo đề án có thay đổi do có một số hộ xin không nhận hỗ trợ từ chương trình 167 mà chuyển sang nhận hỗ trợ theo chương trình nhà tình thương; một số hộ đã mất hay đã chuyển đi nơi khác sinh sống….nên thực tế chỉ có 227 hộ đủ điều kiện được hỗ trợ nhà ở theo chương trình 167 với kinh phí thực hiện hỗ trợ là 4.826 triệu đồng (giảm 53 hộ so danh sách được duyệt và kinh phí thực hiện giảm 776 triệu đồng).
Trong tổng số 227 hộ thuộc đối tượng hỗ trợ nhà ở của chương trình hiện nay tỉnh đã hoàn thành 100% việc hỗ trợ, nghiệm thu và đưa vào sử dụng vào cuối tháng 12/2011. Qua thực thực tế kiểm tra, khảo sát của liên ngành các sở, đoàn thể cho thấy quy mô diện tích các căn nhà được xây dựng đều có diện tích tối thiểu là 24m2 trở lên; kết cấu nhà ở đa số gồm: móng bê tông + gạch, nền gạch + xi măng, tường gạch, mái tôn, cửa sổ + cửa đi khung sắt kính, niên hạn sử dụng tối thiểu của mỗi nhà trên 10 năm, chất lượng đảm bảo 03 cứng (nền cứng, khung cứng và mái cứng), nhà ở của các hộ đảm bảo môi trường, chắc chắn, bao che kín đáo, tránh được tác động xấu của khí hậu, thời tiết. Ngoài mức hỗ trợ từ các nguồn vốn của chương trình 20 triệu/hộ, các địa phương còn vận động theo các mạnh thường quân, gia đình, người thân hỗ trợ thêm về kinh phí, vật tư, nhân công để xây dựng, nâng tổng giá trị xây dựng có nhà lên trên 100 triệu đồng.
Sau 03 năm triển khai thực hiện toàn tỉnh đã hoàn thành việc hỗ trợ xây dựng hoàn thành nhờ có sự chỉ đạo, điều hành xuyên suốt từ Trung ương đến cơ sở nhất là Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách Nhà ở và thị trường bất động sản; sự quan tâm hỗ trợ giám sát của các cấp ủy chính quyền, mặt trận đoàn thể của cấp tỉnh, huyện, xã đến các hộ dân được thụ hưởng chính chính hỗ trợ. Ngoài việc chỉ đạo giám sát xuyên suốt của các cấp thì công tác vận động, tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn về chính sách của các cấp tại địa phương góp phần không nhỏ đến thành công của chương trình.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, quá trình triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở cho các hộ nghèo trên địa bàn tỉnh còn có một số khó khăn như: địa điểm xây dựng các hộ không tập trung, chủ yếu nằm rải rác ở các vùng sâu, vùng xa nên việc vận chuyển vật liệu xây dựng, chi phí thuê nhân công để xây dựng còn nhiều khó khăn và tốn kém, nhất là vào mùa mưa; một số hộ không có đất để xây dựng hoặc có đất nhưng vị trí xây dựng lại không phù hợp; mặt khác, địa phương cũng không có quỹ đất công để bố trí cho các hộ xây dựng nhà ở. Một số trường hợp không đủ điều kiện được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội do các hộ còn nợ tiền của Ngân hàng. Hơn nữa, trong quá trình thực hiện hỗ trợ nhà ở thì giá cả vật liệu, nhân công thường xuyên thay đổi theo xu hướng tăng dần nên với nguồn vốn 20 triệu từ thời điểm giữa năm 2010 về sau gặp nhiều khó khăn, làm ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thực hiện.
Qua rà soát các đối tượng thuộc chuẩn nghèo (theo quy định tại Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg ngày 30/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ) đang có khó khăn về nhà ở cho thấy hiện nay trên địa bàn tỉnh có 819 hộ thuộc đối tượng hỗ trợ về nhà ở và tỉnh đã lập danh sách trình Bộ Xây dựng tổng hợp để chuẩn bị cho việc lập Đề án, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ trong thời gian tới; đồng thời ban hành Kế hoạch để triển khai thực hiện hỗ trợ sau khi có hướng dẫn, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành.
Để tiếp tục thực hiện chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg ngày 12/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới, UBND tỉnh kiến nghị Bộ Xây dựng xem xét, đề xuất Thủ tướng Chính phủ nâng mức kinh phí để hỗ trợ xây dựng nhà ở cho các hộ từ 20 triệu/hộ lên 30 triệu đồng/hộ để đảm bảo chi phí cần thiết do biến động giá cả vật tư, nhân công và lạm phát tăng trong 02 năm gần đây. Mặt khác, hiện nay trên địa bàn tỉnh có một số hộ đang sinh sống tại các khu phố thuộc phường, thị trấn đủ diều kiện hỗ trợ về nhà ở nhưng Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg ngày 12/12/2008 và Quyết định số 67/2010/QĐ-TTG ngày 29/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ không quy định hỗ trợ cho các đối tượng nêu trên. Ngoài ra, UBNd tỉnh cũng kiến nghị Trung ương cho phép địa phương được đưa vào Đề án sắp tới dự toán kinh phí quản lý thực hiện hoạt động của Ban Chỉ đạo hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo quy định tại Thông tư số 106/2011/TT-BTC ngày 14/7/2011 của Bộ Tài chính.
Thùy Trang