Kết luận của Thanh tra Bộ TN&MT đối với cơ sở chế biến tinh bột mì Phan Thành Tâm

Đăng ngày: 05/06/2013
​Cơ sở chế biến bột mì Phan Thành Tâm (ấp 2 xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc tỉnh Đồng Nai) đi vào hoạt động từ năm 2006, hoạt động theo mùa vụ khoảng 7 tháng/năm từ tháng 9 năm trước đến tháng 4 năm sau, hoạt động trong lĩnh vực sơ chế tinh bột củ mì, mua bán tinh bột mì ướt, mỳ lát với công suất đăng ký từ 5 đến 7 tấn sản phẩm/ngày, tương đương 950 tấn sản phẩm/năm, lượng nước sử dụng khoảng 300 m3/ngày được lấy từ suối sông Ui huyện Xuân Lộc. Vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản số 364/KLTTr-BTNMT kết luận thanh tra về bảo vệ môi trường đối với Cơ sở này.

     Tại thời điểm thanh tra, hệ thống đường ống dẫn nước thải của cơ sở được xây bằng bê tông, hở và ngang bằng với mặt đất, vào mùa mưa nước mưa sẽ tràn vào hệ thống xử lý nước thải không đảm bảo chất lượng xử lý như đã cam kết. Nước thải bơm chuyển từ các hồ và hầm biogas của cơ sở được dẫn bằng các đường ống nhựa di động có thể điều khiển theo ý của người vận hành (hoặc vào trong hầm hoặc dễ dàng cho chảy ra ngoài môi trường) dẫn đến khó kiểm soát được chất lượng nguồn nước thải ra môi trường như quy định. Đối với chất thải rắn không nguy hại phát sinh tại cơ sở chủ yếu là bã mì và vỏ mì khoảng 9.000 kg/tháng, được chuyển cho các hộ gia đình tư nhân tự phơi và tái sử dụng làm thức ăn chăn nuôi. Tại thời điểm thanh tra, có khoảng 140 tấn tương đương 140 m3 bã mì thải đang lưu chứa tại các khu vực đất trống do huyện quản lý. Hiện nay, một số hộ dân trong khu vực đến phơi và vận chuyển đi bán cho các đơn vị sản xuất thức ăn gia súc. Các chất thải này thực tế phát sinh mùi hôi thối trong khu vực và sẽ gây ô nhiễm đất, nước khi có mưa, đặc biệt khu vực này cách sông Ui khoảng 500m. Đối với chất thải nguy hại (CTNH) bao gồm dầu thải, giẻ lau dính dầu, bóng đèn huỳnh quang thải, ắc quy chì thải (trong khuôn viên cơ sở lưu chứa 70 lít dầu mỡ thải, một số bóng đèn huỳnh quang thải, giẻ lau dầu chưa được thu gom). Cơ sở hoạt động từ năm 2006, nhưng chưa có báo cáo về tình hình phát sinh chất thải nguy hại theo quy định. Cơ sở mới lập hồ sơ đăng ký phát sinh chất thải nguy hại với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai ngày 25 tháng 11 năm 2011. Kết quả đo đạc và phân tích mẫu môi trường, mẫu nước thải sau xử lý khí thải vào hồ số 1 không được chống thấm, so sánh với QCVN 24:2009/BTNMT, cột B cho thấy độ màu vượt tiêu chuẩn cho phép 1,8 lần, BOD5 vượt 1,9 lần, COD vượt 1,4 lần, NH4+-N vượt 7,9 lần, Coliform vượt 8,6 lần. Mẫu nước thải sau bể lọc cát (một phần được tái sử dụng, một phần chảy vào sông Ui), có BOD5 và COD vượt 2,1 lần, tổng Ni-tơ vượt 4,6 lần, NH4+-N vượt 10,8 lần,Coliform vượt 8,6 lần. Tuy nhiên, kết quả phân tích bùn thải so sánh với ngưỡng chất thải nguy hại cho thấy các thông số đều nhỏ hơn ngưỡng giới hạn, kết quả phân tích mẫu không khí chung quanh tại cổng ra vào của cơ sở cho thấy các thông số đạt quy chuẩn về không khí chung quanh và chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn.

cachetsongUi.jpg
Cá chết trên sông Ui do nguồn nước bị ô nhiễm (nguồn: internet)​ 

     Theo kết luận tranh tra, công suất thực tế của nhà máy vượt 06 lần so với công suất đăng ký (nâng công suất  từ 950 tấn lên 6.000 tấn/năm), có dấu hiệu lách luật nhằm trốn tránh trách nhiệm lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), dẫn đến các công trình xử lý chất thải không đảm bảo, thực hiện giám sát môi trường không đúng quy định, chất lượng của báo cáo giám sát không đạt yêu cầu, rất hình thức và mang tính đối phó với cơ quan chức năng, không phù hợp với tình hình phát thải thực tế của cơ sở, chưa có giấy phép xả nước thải vào nguồn nước theo quy định. Cơ sở đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải công suất 300 km3/ngày, tuy nhiên hệ thống xử lý nước thải đã bị quá tải, lạc hậu, cũ kỹ, chắp vá gây ô nhiễm môi trường kéo dài, các hồ chứa nước thải là ao, hồ đất tự nhiên không được chống thấm gây ô nhiễm môi trường đất và nước ngầm; nước thải sau khi xử lý vượt QCVN trước khi thải ra môi trường sông Ui; chưa tiến hành xử lý chất thải rắn (140 tấn bã mì và vỏ mì) phát sinh theo quy định, hiện đang đổ đống và phơi tự nhiên trong khu vực; chưa có biện pháp khống chế mùi hôi phát sinh từ hoạt động chế biến tinh bột mì và mùi phát sinh từ khu vực lưu chứa chất thải; chưa thực hiện quản lý chất thải nguy hại theo quy định, chưa có sổ đăng ký quản lý chủ nguồn thải chất thải nguy hại. 

     Đoàn Thanh tra đã lập biên bản vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường đối với cơ sở chế biến tinh bột mì Phan Thành Tâm, chuyển hồ sơ cho Sở Tài nguyên và Môi trường trình Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai xử lý theo qui định. Đồng thời yêu cầu cơ sở khắc phục ngay các vi phạm, buộc phải thực hiện ngay việc giảm công suất từ 6.000 tấn/năm hiện tại xuống 950 tấn/năm để thu gom, xử lý được toàn bộ lượng chất thải phát sinh đạt quy chuẩn cho phép. Tiến hành cải tạo, nạo vét lòng hồ, chống thấm các hồ chứa nước thải đảm bảo chức năng là hồ sinh học xử lý nước thải, không ảnh hưởng đến môi trường đất, nước ngầm; rà soát lại hệ thống xử lý nước thải đảm bảo xây dựng theo đúng nội dung đã cam kết, tháo gỡ các đường ống không đúng qui định, xây dựng hệ thống thu gom nước thải riêng biệt, tránh nước mưa chảy tràn vào nước thải. Cơ sở phải lắp đặt hệ thống đo lưu lượng và quan trắc liên tục, tự động một số thông số ô nhiễm trong nước thải sau xử lý (pH,COD, cặn lơ lửng, amonia, độ màu…) bảo đảm nước thải sau xử lý đạt qui chuẩn. Trước khi lắp đặt phải báo cáo về Tổng cục Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai và tỉnh Bình Thuận để xem xét, đánh giá, kiểm tra, giám sát quá trình lắp đặt. Rà soát lại lượng chất thải nguy hại phát sinh, để quản lý theo qui định và nhanh chóng chuyển giao cho các đơn vị có chức năng xử lý.

     Nước mặt sông Ui đang được sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt của người dân trong khu vực, nên cơ sở phải khẩn trương cải tạo, nâng cấp hệ thống xử lý nước thải đạt QCVN 40:2011/BTNMT, cột A, trước khi thải ra ngoài môi trường hoặc tái xử dụng một phần. Cơ sở có trách nhiệm báo cáo với UBND huyện Xuân Lộc để điều chỉnh nội dung này và phải hoàn tất việc nâng cấp xử lý nước thải trước ngày 31/12/2013.

                                                                                     Kim Chung