Trao đổi thông tin với cử tri

Đăng ngày: 05/06/2013
​Trao đổi thông tin với cử tri

​1. Cử tri phường Tân Phong, thành phố Biên Hòa phản ánh việc xây dựng trạm thu phí trên đường Đồng Khởi chưa hợp lý, đề nghị tỉnh xem xét di dời trạm thu phí này.

Sở Giao thông Vận tải Đồng Nai trả lời cụ thể tại văn bản số 3793/SGTVT-KH ngày 07/12/2011 như sau:

Về cơ sở pháp lý, vị trí đặt trạm thu phí cho dự án được nghiên cứu căn cứ vào các quy định tại Thông tư 90/2004/TT-BTC ngày 07/9/2004 của Bộ Tài Chính về việc hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ; căn cứ quy hoạch giao thông vận tải tỉnh Đồng Nai và thành phố Biên Hòa; căn cứ vào quy mô, thông số kỹ thuật của dự án; đồng thời đảm bảo trật tự an toàn giao thông, không gây ùn tắc, đảm bảo thu đúng đối tượng sử dụng.

Về quy trình thực hiện, căn cứ vào các yêu cầu nêu trên, ngày 18/11/2009, Nhóm công tác liên ngành đã cùng làm việc, nghiên cứu góp ý về vị trí đặt các Trạm thu phí cho dự án BOT đường 768, trong đó có trạm thu phí trên tuyến đường Đồng Khởi.

Căn cứ kết quả làm việc của Nhóm công tác liên ngành và hồ sơ Trạm thu phí của dự án, ngày 23/11/2009, Sở Giao thông Vận tải đã có Tờ trình số 2157/TTr-SGTVT trình UBND tỉnh báo cáo HĐND Tỉnh xem xét thông qua.

Ngày 30/11/2009, UBND tỉnh có Tờ trình số 9786/TTr-UBND trình HĐND Tỉnh xem xét thông qua các trạm thu phí cho dự án BOT đường 768. Căn cứ Kết quả thẩm tra của Ban Kinh tế Ngân sách, ý kiến thảo luận của đại biểu HĐND tỉnh tại tổ và tại kỳ họp. HĐND tỉnh Đồng Nai đã ban hành Nghị quyết số 153/2009/NQ-HĐND ngày 10/12/2009 thông qua đề án trạm thu phí;

Mặt khác, UBND tỉnh có văn bản 4181/UBND-CNN ngày 31/5/2010 gửi Bộ Tài chính cho ý kiến về vị trí đặt trạm thu phí và đã được Bộ Tài chính phúc đáp tại văn bản số 8369/BTC-CST ngày 30/6/2010 với nội dung “Việc lập trạm thu phí, áp dụng phương thức thu và mức phí, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua để thực hiện”.

Tiếp theo Nghị quyết số 153/2009/NQ-HĐND ngày 10/12/2009 thông qua đề án trạm thu phí; văn bản 8369/BTC-CST ngày 30/6/2010 của Bộ Tài chính, HĐND tỉnh đã có văn bản 255/HĐND-VP ngày 14/7/2010 nhất trí việc thành lập các trạm thu phí dự án BOT đường 768 và đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng tổ chức triển khai thực hiện.

Như vậy, về căn cứ pháp lý, cơ sở tính toán và quy trình thực hiện việc đặt các trạm thu phí cho dự án BOT đường 768 đã được triển khai đầy đủ, chặt chẽ, đúng quy định. Vị trí đặt trạm là phù hợp, đảm bảo các yêu cầu thu đúng đối tượng, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, không gây ùn tắc giao thông.

2. Cử tri phường Xuân Trung, thị xã Long Khánh kiến nghị UBND tỉnh xem xét, kiểm soát mức độ ô nhiễm nguồn nước trên sông Đồng Nai để có biện pháp bảo vệ nguồn nước sạch cho nhân dân sinh hoạt và sản xuất.

Sở Tài nguyên và Môi trường trả lời tại văn bản số 3750/STNMT-VP  ngày 05 /12/2011 cụ thể như sau:

Sông Đồng Nai là một trong những sông lớn ở Việt Nam với chiều dài dòng chính của sông khoảng 550 km, chảy qua địa phận của 12 tỉnh, thành phố bao gồm: Lâm Đồng, Đồng Nai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Ninh Thuận, Bình Phước, Bình Thuận, Tây Ninh, Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh; Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An.

Sông Đồng Nai đoạn qua địa phận tỉnh Đồng Nai có chiều dài khoảng 220 km, là con sông đóng vai trò rất quan trọng trong việc cung nguồn nước sạch cho nhân dân sinh hoạt và sản xuất, đồng thời cũng là nguồn tiếp nhận nước thải từ các hoạt động sinh hoạt, chăn nuôi, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Theo thống kê, hiện có hơn 15 cơ sở (gồm các khu công nghiệp và các doanh nghiệp lớn) có nguồn thải lớn đổ vào sông Đồng Nai với tổng lượng nước thải công nghiệp khoảng 42.000 m3/ngày.đêm, trong đó đáng chú ý là các KCN như Biên Hòa 1, Biên Hòa 2, Amata, Loteco, Hố Nai, Sông Mây, Long Thành, Tam Phước.

Để kiểm soát ô nhiễm từ các nguồn thải vào sông Đồng Nai, thời gian qua, ngoài việc tham mưu UBND tỉnh quy định các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn cột A (đủ tiêu chuẩn cho mục đích sử dụng cấp nước sinh hoạt) trước khi thải vào nguồn tiếp nhận sông Đồng Nai, hằng năm Sở luôn tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường tại các cơ sở có nguồn thải lớn, tính đến nay hầu hết các cơ sở này đều có hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn môi trường quy định. 

Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức thực hiện quan trắc môi trường định kỳ chất lượng nước sông Đồng Nai với tần suất quan trắc từ 6 đến 12 đợt/năm nhằm kịp thời giám sát diễn biến chất lượng môi trường, cảnh báo và đề xuất các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, trong đó khu vực sông Đồng Nai đoạn chảy qua thành phố Biên Hòa tần suất quan trắc 12 đợt/năm. 

Theo kết quả quan trắc môi trường năm 2011, chất lượng nguồn nước sông Đồng Nai đã được cải thiện hơn so với năm 2010. Điều này cho thấy hoạt động ngăn ngừa ô nhiễm đã cho một số kết quả tích cực một số khu vực ô nhiễm nặng (như hồ Sông Mây) nay đã khả quan hơn. Tuy nhiên, còn một số khu vực ô nhiễm phải tiếp tục hành động cải thiện môi trường (như sông Cái, sông Đồng Nai đoạn chảy qua thành phố Biên Hòa).

Thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo tăng cường thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh, tập trung vào các khu vực trọng điểm (khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các doanh nghiệp có nguồn thải lớn) để kiểm soát các nguồn thải vào sông Đồng Nai. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp xả nước thải không đạt quy chuẩn môi trường quy định vào nguồn tiếp nhận sông Đồng Nai nhằm mục đích bảo vệ nguồn nước sạch cho nhân dân sinh hoạt và sản xuất, công khai thông tin kết quả quan trắc diễn biến chất lượng môi trường nước sông Đồng Nai trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân cùng biết.


3. Cử tri dân tộc xã Phú Bình, huyện Tân Phú đề nghị các ngành chức năng chấp thuận cho đồng bào dân tộc không biết chữ được thi bằng lái xe hai bánh theo thể thức thực hành.

Sở Giao thông Vận tải Đồng Nai trả lời cụ thể tại văn bản số 3793/SGTVT-KH ngày 07/12/2011 như sau:

Về việc này, Sở GTVT Đồng Nai đã ban hành văn bản số 1078/CT-SGTVT ngày 19/10/2005 về Chương trình đào tạo và Quy trình sát hạch cấp Giấy phép lái xe (GPLX) môtô hai bánh hạng A1, dành cho đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số có trình độ văn hóa thấp, đã triển khai xuống các địa phương có nhu cầu như:  TTDN (trung tâm dạy nghề) huyện Định Quán, Tân Phú, Thống Nhất, Trảng Bom.

Hiện nay do nhu cầu các huyện trên không có học viên đến đăng ký sát hạch. Vậy đề nghị đồng bào dân tộc không biết chữ xã Phú Bình có nhu cầu liên hệ tại TTDN huyện Định Quán, nếu khó khăn có thể liên hệ và nộp hồ sơ trực tiếp tại UBND xã Phú Bình (tổng hợp và nộp về TTDN huyện Định Quán sát hạch).

* Điều kiện để được dự học và thi lấy GPLX :

1. Có giấy CMND

2. Có độ tuổi tròn 18 trở lên

3. Giấy khám sức khỏe

4. Đơn xin dự sát hạch

5. Giấy xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn chứng nhận các đối tượng trên là đồng bào dân tộc có trình độ văn hóa thấp từ chưa học hết lớp 3 (tức chưa xóa mù chữ) và chịu trách nhiệm về sự chính xác khi xác nhận.​