Một số kết quả sau 8 năm thực hiện Luật Thi đua khen thưởng trên địa bàn tỉnh

Đăng ngày: 05/06/2013
​Đối với Đồng Nai, sau 8 năm thực hiện Luật, công tác thi đua, khen thưởng trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, ngày càng đi vào nề nếp, mang lại hiệu quả thiết thực và góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, an ninh-quốc phòng của tỉnh, tạo đà phát triển cho những năm tiếp theo.

​     Sau 8 năm thực hiện Chỉ thị số 39/CT-TW của Bộ Chính trị và Luật Thi đua Khen thưởng, nhận thức của các cấp, các ngành về vai trò vị trí và tầm quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng có chuyển biến tích cực hơn, thể hiện qua sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể đối với công tác thi đua, khen thưởng được tăng cường, củng cố. Phong trào thi đua yêu nước được tổ chức sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh; Chất lượng, nội dung và phương thức tổ chức phong trào thi đua ngày càng được đổi mới, bám sát yêu cầu của tình hình thực tiễn đặt ra, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh; Tính phô trương, hình thức trong phong trào thi đua, tính tùy tiện đặt ra tiêu chuẩn bình xét khen thưởng từng bước được loại bỏ; Phong trào thi đua yêu nước được đẩy mạnh, toàn diện, rộng khắp trên địa bàn tỉnh với nhiều nội dung, hình thức phong phú, tạo được khí thế thi đua sôi nổi với sự hưởng ứng tích cực, nhiệt tình của mọi tầng lớp nhân dân, góp phần tích cực cho từng đơn vị, địa phương thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ chính trị của nhà nước giao.

     Sau 7 năm tham gia hoạt động Cụm thi đua các tỉnh miền Đông Nam bộ, tỉnh Đồng Nai đều xếp ở những thứ hạng đầu (nhất, nhì, ba) được Chính phủ tặng cờ thi đua hàng năm. Hoạt động Cụm thi đua trên địa bàn tỉnh đã bước sang năm thứ sáu, ghi nhận được nhiều kết quả khích lệ, có bước phát triển mạnh về lượng (tăng về số lượng cụm, số đơn vị tham gia) và chất lượng hoạt động được nâng lên. Qua sơ kết đánh giá hoạt động Cụm thi đua cho thấy, việc ký kết giao ước thi đua đã thúc đẩy từng cụm, khối, từng đơn vị, địa phương thi đua sôi nổi, có những giải pháp tích cực trong tổ chức phong trào thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội được giao.

     Quy trình xử lý hồ sơ khen thưởng thực hiện ngày càng nhanh, gọn, chặt chẽ, chính xác hơn (từ năm 2009 thực hiện cơ chế một cửa) nên hạn chế được hồ sơ tồn đọng; thực hiện Đề án 30 của Chính phủ, nhiều thủ tục rườm rà được loại bỏ. Khen thưởng đột xuất được chú trọng, kịp thời, giá trị, được dư luận hoan nghênh, ủng hộ; khen thưởng đối với người lao động trực tiếp từng bước được cải thiện. Tập thể, cá nhân được khen thưởng nhìn chung đảm bảo đúng người, đúng việc, xứng đáng được công nhận, tôn vinh nên có tác dụng nêu gương, giáo dục, khích lệ tinh thần phấn đấu vươn lên.

     Về công tác tổ chức đón nhận các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cấp nhà nước được UBND tỉnh tổ chức Lễ trao tặng tập trung nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc và địa phương, vừa tiết kiệm về mặt chi phí vừa đảm bảo trang trọng theo quy định của Chính phủ về đổi mới, nâng cao hiệu quả tổ chức các ngày kỷ niệm, nghi thức trao tặng, đón nhận danh hiệu vinh dự nhà nước và các hình thức khen thưởng cấp cao.

     Công tác xây dựng, nhân rộng và biểu dương các điển hình tiên tiến được quan tâm và có bước tiến bộ. Tỉnh đã chú trọng phát hiện, bồi dưỡng những nhân tố và điển hình mới, kịp thời tôn vinh và nhân rộng các điển hình tiên tiến bằng nhiều hình thức như tuyên truyền thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức hội nghị biểu dương, khen thưởng những tấm gương tiêu biểu, những điển hình tiên tiến của ngành, địa phương, đơn vị; tổ chức lễ báo công,… các hoạt động này đã thực sự khích lệ, động viên mọi tầng lớp nhân dân hăng hái thi đua lập nhiều thành tích, góp phần vào thành tựu phát triển chung của tỉnh.

                                                                                  Thu Hương