Tăng cường tuyên truyền các chính sách pháp luật lao động- giải pháp để hạn chế đình công

Đăng ngày: 07/06/2013
​Theo báo cáo của sở LĐ-TB&XH, đến cuối tháng 6-2012, Đồng Nai có 16.091 doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đã được cấp phép đăng ký kinh doanh và có khoảng 10.200 doanh nghiệp đang hoạt động. Tổng số lao động đang làm việc tại các tổ chức doanh nghiệp trên địa bàn là 744.700 người…Việc thực hiện chính sách pháp luật về lao động việc làm vẫn còn nhiều khó khăn, phần lớn mới chỉ tập trung ở các doanh nghiệp lớn và vừa, còn nhiều doanh nghiệp nhỏ, tư nhân thì công tác này, nhất là tuyên truyền pháp luật cho người lao động vẫn còn bỏ ngỏ. Đây là nguyên nhân chính của nhiều cuộc tranh chấp lao động dẫn đến đình công thời gian qua.

​     Tính từ năm 2008 đến nay, sở LĐ-TB&XH đã phối hợp với Liên đoàn lao động, các sở ngành và các cơ quan báo chí tổ chức 236 lớp tập huấn pháp luật lao động cho trên 23.000 lượt người sử dụng lao động và ban chấp hành CĐCS, riêng 6 tháng đầu năm tổ chức 17 lớp tập huấn về ATLĐ và giải quyết tranh chấp đình công, thương lượng thỏa ước lao động tập thể. Bên cạnh đó, phối hợp với sở Tư pháp tổ chức 7 lớp tuyên truyền, hỗ trợ pháp lý cho trên 700 doanh nghiệp, phối hợp với Liên đoàn lao động tỉnh tổ chức 100 lớp kỹ năng thương lượng thỏa ước lao động tập thể, đối thoại xã hội tại nơi làm việc và nghiệp vụ công đoàn cho 10.695 lượt cán bộ công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp. Tại các doanh nghiệp cũng tổ chức tuyên truyền cho người lao động theo hướng dẫn của sở. Ngoài ra, sở cũng hỗ trợ giảng viên giúp doanh nghiệp trực tiếp phổ biến pháp luật lao động cho khoảng 30.000 người, nhưng phần lớn việc tổ chức tuyên truyền thực hiện chính sách pháp luật lao động mới chỉ được thực hiện ở những doanh nghiệp lớn, vừa và có tổ chức CĐCS. 

DSC02261.jpg
Lao động trong một doanh nghiệp TNHH​ 

     Do vậy, từ năm 2008 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 580 vụ đình công với trên 259.000 lao động tham gia, trong đó phần lớn xảy ra tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ, những doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn.

     Nguyên nhân của những vụ tranh chấp lao động dẫn đến đình công có rất nhiều như giá cả thị trường thường xuyên biến động theo chiều hướng gia tăng, nhất là sau mỗi lần Nhà nước điều chỉnh giá xăng, điện, các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống liên tục tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người lao động. Trong khi đó, mức điều chỉnh lương tối thiểu vùng của Nhà nước và mức nâng lương hàng năm của doanh nghiệp còn hạn chế, đời sống người lao động gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, trong quá trình thương lượng điều chỉnh lương và thu nhập ở một số doanh nghiệp đã đạt mức thỏa thuận cao sau khi đình công, gây dư luận trong công nhân “cứ đình công là được tăng thu nhập” tạo ra sự lây lan đình công của người lao động ở các doanh nghiệp lân cận; chưa có quy định biện pháp chế tài đối với người sử dụng lao động không áp dụng thang, bảng lương đã xây dựng và đăng ký…

     Nhưng nguyên nhân chính vẫn do một số doanh nghiệp chưa thực hiện tốt các chế độ, chính sách cho người lao động, chưa công bố kịp thời phương án điều chỉnh lương, quy chế trả lương, nâng lương hàng năm và các khoản phụ cấp cho người lao động; chưa quan tâm đến đời sống người lao động, chưa tổ chức đối thoại, nắm bắt tâm tư nguyện vọng người lao động, giải quyết kịp thời kiến nghị của người lao động nên đình công tranh chấp xảy ra. CĐCS ở một số doanh nghiệp chưa chủ động tham khảo tổng hợp ý kiến người lao động và chưa thỏa thuận thương lượng với người sử dụng lao động về những nội dung liên quan đến lợi ích nên xảy ra đình công. Theo sở LĐ-TB&XH, LĐLĐ tỉnh và các ngành, đoàn thể thì cần phải tiếp tục tăng cường tuyên truyền việc thực hiện chính sách pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động, nhất là ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp tư nhân và đơn vị chưa có tổ chức CĐCS. Mặt khác, theo Luật Lao động và Luật công đoàn (sửa đổi) thì các cuộc đình công chỉ được coi là đúng pháp luật khi do chính tổ chức công đoàn- đại diện người lao động lãnh đạo đình công. Song có một thực tế phần lớn các CĐCS vẫn do chủ sử dụng lao động trả lương nên rất khó khăn trong thực hiện.

     Vấn đề này, Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng: Năm 2012, Quốc hội thông qua hai bộ luật, trong đó vai trò của công đoàn được nâng cao. Việc lãnh đạo các cuộc đình công không chỉ do CĐCS tại doanh nghiệp mà cả hệ thống công đoàn từ cơ sở, cấp trên cơ sở, LĐLĐ các tỉnh và thậm chí cả Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng phải vào cuộc. Song ông Lợi cũng cho rằng cần tăng cường tuyên truyền thực hiện pháp luật lao động cho người lao động, người sử dụng lao động thường xuyên; kết hợp với các giải pháp thanh tra, kiểm tra phát hiện và xử lý vi phạm…có như thế mới hạn chế tranh chấp lao động dẫn đến đình công.

                                                                                       N. Trinh