Xử lý tình huống liên quan đến giám sát đầu tư cộng đồng với giám sát của HĐND

Đăng ngày: 07/06/2013
​ĐẶT GIẢ SỬ: Sau khi ban hành Quyết định giám sát về việc xây dựng công trình đường liên ấp (nguồn vốn do nhân dân đóng góp) gửi đến đơn vị chịu sự giám sát là UBND xã và đơn vị có liên quan là doanh nghiệp tư nhân xây dựng X, Thường trực HĐND xã nhận được văn bản phản hồi của doanh nghiệp về việc đề nghị Thường trực HĐND không tổ chức giám sát với lý do doanh nghiệp chỉ xây dựng một con đường, đã chịu sự giám sát của Ban giám sát đầu tư cộng đồng nên không thể phục vụ hoạt động giám sát của Thường trực HĐND xã. Với vai trò là Thường trực HĐND xã, đại biểu giải thích như thế nào với doanh nghiệp X để bảo vệ quyết định giám sát của mình?

      ​PHÂN TÍCH TÌNH HUỐNG:

     Khi triển khai xây dựng bất kỳ một dự án nào, đơn vị thực hiện dự án và Chủ đầu tư đều phải tạo điều kiện cho Ban giám sát đầu tư cộng đồng (được thành lập trong quá trình triển khai thực hiện Quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn) tổ chức giám sát. Đây là một hình thức giám sát bắt buộc và gắn với việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở còn việc giám sát của cơ quan quyền lực nhà nước (Thường trực HĐND xã) chỉ tiến hành khi cần thiết.

     Chủ Doanh nghiệp X đã chịu sự giám sát của cộng đồng do đó khi nhận được thông tin có hình thức giám sát thứ hai đối với cùng một công trình dễ phát sinh tâm lý ngán ngại vì sợ ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án bên cạnh đó là việc không hiểu về giám sát của HĐND nên có thể cho rằng doanh nghiệp mình bị gây khó khăn nên từ chối thực hiện vai trò là đơn vị có liên quan đến hoạt động giám sát.

      QUAN ĐIỂM XỬ LÝ TÌNH HUỐNG:

     Việc xây dựng đường liên ấp bằng hình thức huy động các khoản đóng góp tự nguyện trong nhân dân là một việc làm phải được HĐND xã thông qua, UBND xã triển khai thực hiện; quản lý nguồn vốn huy động các khoản đóng góp được thực hiện theo đúng quy định về quản lý tài chính, UBND xã phải mở tài khoản theo dõi tại Kho bạc nhà nước nên việc HĐND giám sát tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết của HĐND là một việc làm cần thiết.

     Thường trực HĐND xã phải giải thích cho Chủ doanh nghiệp hiểu và phân biệt hai hình thức giám sát: Giám sát đầu tư cộng đồng và giám sát của HĐND. Giám sát đầu tư cộng đồng có điểm mạnh là luôn theo sát mọi hoạt động đầu tư từ khi khởi công công trình đến khi kết thúc. Nhưng vì là hình thức giám sát của nhân dân nên chủ thể giám sát không có thế mạnh của giám sát HĐND là một hình thức giám sát của cơ quan quyền lực như: Nhờ chuyên gia tư vấn; mời đại diện cơ quan, đơn vị có kiến thức chuyên môn trong lĩnh vực tham gia đoàn cũng như kinh nghiệm giám sát của Thường trực HĐND sẽ có khả năng phát hiện những vấn đề hợp lý, bất hợp lý và kiến nghị tháo gỡ cao hơn so với giám sát đầu tư cộng đồng. 

     Vận dụng quy định của pháp luật, Thường trực HĐND xã cần giải thích cho Chủ doanh nghiệp hiểu: Yêu cầu không làm cản trở hoạt động bình thường của đơn vị chịu sự giám sát là một yêu cầu bắt buộc đặt ra đối với mỗi cuộc giám sát của HĐND. Mặt khác, việc huy động các khoản đóng góp tự nguyện trong nhân dân để phối hợp với Chính quyền xây dựng các công trình công cộng là việc làm rất cần sự công khai, minh bạch cho nhân dân hiểu việc sử dụng nguồn vốn đã đóng góp từ đó tạo thuận lợi cho công tác vận động về sau. Doanh nghiệp cần nghiêm túc phối hợp và xem đây là trách nhiệm của mình để tạo thuận lợi cho Chính quyền vì công tác vận động các khoản đóng góp tự nguyện trong nhân dân là công việc hàng năm và đã thu được những kết quả tốt đẹp.

     Tuy nhiên, trong trường hợp này cần có sự phối hợp giữa Ban Giám sát đầu tư cộng đồng với thường trực HĐND xã, tránh tình trạng hai hình thức giám sát cùng một công việc nhưng đưa ra nhiều kiến nghị trái ngược nhau sẽ gây khó khăn cho đơn vị triển khai thực hiện đồng thời làm chậm tiến độ triển khai dự án.

     Với việc giải thích vấn đề như trên thì khả năng phối hợp của doanh nghiệp X sẽ rất cao. Trong trường hợp doanh nghiệp vẫn không chấp nhận thì Thường trực HĐND xã vẫn tiến hành giám sát và kiến nghị những vấn đề theo thẩm quyền của mình.

                          Nguyễn Thị Oanh